Khởi công xây dựng cách đây đã hơn 10 năm, khu nhà liền kề tiền tỉ (lô L1 Trung Yên, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) bất đắc dĩ đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều lao động nghèo ngoại tỉnh. Hoang vắng, ẩm thấp, họ đành phải chấp nhận một cuộc sống dưới mức trung bình để có thể tồn tại giữa lòng thủ đô sầm uất.
Đủ phận người
Khu chung cư liền kề lô L1 Trung Yên nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm của quận Cầu Giấy (Hà Nội). Dãy nhà gồm 34 căn hộ, thuộc quỹ đất tái định cư mở đường 1.3 trong dự án khu đô thị Yên Hòa. Do đã bỏ hoang hơn 10 năm nay, khu nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, xung quanh ngổn ngang vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, nó đã trở thành nơi tá túc của hàng chục công nhân nghèo đến từ nhiều vùng quê khác nhau.
Khu chung cư, vào giờ tan tầm, anh Trần Văn Kiên (sinh năm 1978, quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội), cho biết, những căn nhà trống hoác ở đây chính là địa bàn chiếm đóng của loài chuột. Ban đầu, sống ở đây một vài ngày anh cũng hơi e ngại, nhưng rồi quen dần lúc nào không hay. Nhiều đêm, lũ chuột... nổi loạn, chúng chạy rầm rầm từng đàn kêu rối rít cả khu dân cư, cắn xé đồ đạc nhưng “cư dân” cũng đành chịu. Cảnh sống tạm bợ là vậy, nếu như gọi nơi này là khu chung cư “ổ chuột” thì có lẽ cũng không sai cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
34 căn hộ trơ trọi tường gạch, phần nội thất bên trong đều là do công nhân trú ngụ ở đây tự thiết kế, cải tạo lại để sống qua ngày. Chỗ vá, chỗ lấp, chỗ bưng bít, họ nghĩ nhiều cách để gia cố, từ mảnh ván ép đã mục, bìa cát tông, thậm chí tận dụng cả tấm panel quảng cáo không còn giá trị sử dụng. Nắng thì khô ráo hơn, nhưng chỉ cần mưa xuống một trận là cả khu nhà này ‘lùng bùng” trong những vũng nước, ẩm ướt đến khó chịu. Những mảnh đời tứ xứ vá vịn, gắn bó với nhau ở đây, họ chấp nhận để có thể tồn tại giữa thủ đô sầm uất.
Khu “ổ chuột” này, từ lâu đã trở thành mái ấm ở tạm của gia đình chị Nguyễn Thị Lâm (sinh năm 1989, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Lên thành phố đã được hơn 1 năm nay, chị Lâm xem căn nhà trống hoác này là nơi trú ngụ “khấm khá” hơn bất kỳ nơi nào. Theo chị Lâm, trước kia số lượng người công nhân ở đây rất đông, do công trình xây dựng đã dần hoàn thiện nên hiện tại chỉ còn số ít bám trụ ở lại.
“Ở khu này, tuy điều kiện sống eo hẹp, khó khăn thế nhưng nghĩ lại thì vẫn còn thoải mái lắm. Những người lao động như chúng tôi, với vài đồng lương ít ỏi thì làm sao thuê nổi những căn phòng 2-3 triệu đồng/tháng. Đối với người khác số tiền đó là rất nhỏ, nhưng đối với chúng tôi, khoản chi phí đó là quá sức. Chưa kể phải tính đến khoản phí khác, lo cho con cái được ăn học đàng hoàng” - chị Lâm cho hay.
Cũng như chị Lâm và hàng chục công nhân sinh sống trong khu ổ chuột, lý do duy nhất mà chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1988, quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gắn bó cũng vì tìm khắp Hà Nội mà chỗ nào giá cả cũng đắt đỏ, chi phí quá lớn khiến nhiều người không thể xoay sở nổi. Còn tại đây tuy nhìn lụp xụp, tạm bợ nhưng điện nước công nhân ở đây dùng đều được phía công trình chi trả nên cũng đỡ được phần nào. Do đó căn phòng của chị Hoa được xem là “tươm tất” nhất khu này khi có thể kê được chiếc phản rộng vừa làm nơi sinh hoạt, vừa là chỗ ăn cơm, tiếp khách.
Góc khuất giữa lòng thủ đô
Hầu hết ở đây đều là những công nhân ở ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc. Ảnh: TH |
Phần lớn số công nhân sinh sống trong khu chung cư đều đến từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước: Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tĩnh... Mỗi người đều có một câu chuyện riêng, một nỗi lòng riêng nhưng điểm chung là nghèo đến cùng cực. Xóm trọ bất đắc dĩ ở khu chung cư “ổ chuột” L1 Trung Yên tuy lụp xụp, điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng số công nhân ở đây họ vẫn lựa chọn bám trụ ở lại với muôn vàn kiểu mưu sinh.
Bà Trần Thị Hợp (tổ phó tổ 29, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khu chung cư liền kề nằm trong dự án khu đô thị mới Yên Hòa, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư. Do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, người dân chưa chấp thuận nhường đất làm đường nên khu nhà tái định cư L1 Trung Yên hiện tại vẫn chưa có hộ dân nào về ở. Tận dụng khu nhà để hoang, nhiều công nhân lao động của công trình đã về đây sinh sống, hình thành nên khu ổ chuột “tiền tỉ”.
Theo bà Hợp, những năm gần đây, môi trường sống xung quanh khu vực chung cư này đang bị ô nhiễm nặng nề do ý thức của những hộ dân trong khu chung cư “ổ chuột” chưa được tốt. Cảnh sống tạm bợ tiếp diễn từng ngày, công trình nhà vệ sinh chưa hoàn thiện, không có ống thoát nước nên rác thải sinh hoạt trong khu ngày càng ùn ứ, phóng uế trực tiếp ra cống rãnh là điều rất đáng lo ngại.
“Người dân trong khu phố đã nhiều lần phản ánh trực tiếp lên phường, làm đơn kiến nghị đến chính quyền nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Một bên là khu nhà của các cán bộ ngành công an, một bên là khu biệt thự cao cấp, cảnh sống nhếch nhác, ô nhiễm như vậy là không thể chấp nhận được. Chưa kể, khu chung cư này còn là nơi thường xuyên xuất hiện dịch sốt xuất huyết nên chúng tôi rất lo lắng mỗi khi nghe thông tin có dịch bùng phát” - bà Trần Thị Hợp bày tỏ.