PGS Văn Như Cương: Người thầy luôn sốt ruột với giáo dục

Thầy Văn Như Cương đã ra đi nhưng chắc chắn những trăn trở, tâm huyết bằng những phản biện, góp ý; bằng hành động của thầy cho sự nghiệp giáo dục sẽ còn đọng lại mãi.

“Xót ruột” trước những kinh phí tiền tỉ đổi mới giáo dục

Chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách SGK

Rạng sáng 9.10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), đã qua đời ở tuổi 80, sau khoảng 3 năm chống chọi với bệnh ung thư gan.

PGS Văn Như Cương sinh tại làng Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.

Sau khi về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn hình học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm Vinh. Năm 1989, ông cùng đồng nghiệp mở Trường THPT Lương Thế Vinh tại Hà Nội và làm Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh từ năm 1989 - 2014.

Ông cũng đồng thời là chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách SGK, sách tham khảo phổ thông và giáo trình ĐH về chuyên ngành hình học; là tác giả bộ SGK hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của VN.

Từ chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành cho tới khi “thai nghén” chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS Văn Như Cương luôn có những góp ý, phản biện kịp thời, thẳng thắn. Đọng lại trong những phát biểu của ông là sự sốt ruột khi chứng kiến những chần chừ của ngành giáo dục trước yêu cầu cấp thiết của đổi mới, và cả xót ruột mỗi khi nghe thông tin người ta sẽ chi hàng trăm hay hàng nghìn tỉ cho đổi mới giáo dục mà chưa rõ “hình hài” của đổi mới ấy ra sao.

Ông phát biểu: “Làm chương trình - SGK mà thiếu một kế hoạch đổi mới, một chiến lược giáo dục toàn diện thì quả là mạo hiểm”.

Năm 2011, khi được mời tới một hội thảo với tư cách là chuyên gia góp ý cho việc xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, trong tài liệu có phần dự toán về kinh phí thực hiện khoảng 70.000 tỉ đồng với những kế hoạch chi rất… mơ hồ, PGS Văn Như Cương đã tỏ ra rất “hốt hoảng”.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên khi đó, ông nhiều lần nhắc lại từ “xót ruột” khi không biết những đồng tiền, thực chất là tiền thuế của dân, ấy sẽ chi tiêu ra sao. Ông nêu quan điểm, chi tiêu cho giáo dục là cần thiết nhưng phải tính toán để tiết kiệm tối đa với điều kiện kinh tế còn nghèo như nước ta. Thầy Văn Như Cương đề nghị: “Phải bỏ bớt những khâu rườm rà. Ví dụ, việc tổ chức tham quan và tập huấn ở nước ngoài là không cần thiết và tốn kém. Nếu cần thì mời chuyên gia nước ngoài về tập huấn thay vì kéo hàng chục người đi nước ngoài mỗi đợt, lãng phí rất lớn”.

Phát biểu mạnh mẽ, gây sốc

Ông cũng là người có rất nhiều góp ý về cách thức thực hiện và về nội dung đổi mới chương trình - SGK sắp tới. Khi Bộ GD-ĐT đưa ra lộ trình khoảng năm 2022 sẽ kết thúc đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông, ông đã nhận định, kinh nghiệm cho thấy thời gian đó sẽ phải kéo dài đến 2024. Theo thầy Văn Như Cương, khoảng 10 năm để chúng ta làm thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài, khó chấp nhận được.

“Trong khoảng thời gian đó, nếu xảy ra một cuộc cách mạng lớn lao và ngoạn mục trong ngành giáo dục trên thế giới thì chúng ta xử lý như thế nào khi cuộc cách mạng về giáo dục của ta chưa kịp hoàn thành?”, ông đặt vấn đề.

Thầy Văn Như Cương luôn có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ đóng góp cho giáo dục

Để đẩy nhanh tiến độ, PGS Văn Như Cương đề nghị thành lập “trại” viết SGK tập trung. Ở đấy, các tác giả làm việc tập trung theo đúng giờ hành chính, tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ trong một thời gian quy định, tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho việc viết SGK. Trại không chỉ tập trung tác giả viết sách mà còn là nơi làm việc của các biên tập viên, nhà thẩm định theo từng đợt.

Theo ông, lần biên soạn trước, công việc kéo dài và SGK có nhiều sai sót là vì các tác giả vẫn làm việc chính tại đơn vị công tác của mình, cố tranh thủ sắp xếp thời gian để dành cho việc viết SGK. “Tôi tin rằng làm việc theo cách này thì sẽ nhanh ít nhất gấp 10 lần theo cách làm việc trước đây”, PGS Văn Như Cương khẳng định.

Sốt ruột với việc chậm đổi mới giáo dục, bởi theo ông, chương trình mà học sinh hiện nay đang học quá nặng nề, ông từng gây “sốc” khi phát biểu: “Nhiều kiến thức trong chương trình hoàn toàn không cần thiết đối với bậc phổ thông. Có thể nói, 1/3 kiến thức môn toán ở bậc THPT là vô bổ đối với học sinh”.

Sốt ruột còn là bởi, theo PGS Văn Như Cương, “nền giáo dục của chúng ta đang ở trong trạng thái của một nền “ứng thí”, mục đích đi học chỉ là để đi thi, để có một văn bằng, càng cao càng tốt”. Thế là con em chúng ta chỉ học “văn” mà không học “lễ”. Các môn học “làm người” hoàn toàn thiếu vắng trong chương trình giáo dục. Đó là sự lệch hướng lớn nhất, kéo theo mọi lệch hướng khác như học cái gì? Học như thế nào?.

Đau đáu vì hai chữ “tự chủ” trường ngoài công lập

Là người khai sinh ra trường phổ thông dân lập đầu tiên ở VN sau thời kỳ đổi mới (1989), từ đó đến nay, thầy Văn Như Cương đã dành trọn tâm sức của mình cho ngôi trường mang tên Lương Thế Vinh. Trải qua rất nhiều khó khăn, phải đi thuê cơ sở vật chất, tạm bợ, đến nay trường đã xây dựng được hai cơ sở khá khang trang tại Hà Nội và luôn được biết đến là trường ngoài công lập “đuổi không hết học sinh”.

Mặc dù vậy, ông vẫn luôn đau đáu với mong muốn về quyền tự chủ thực sự cho khối các trường phổ thông, đặc biệt là trường tư thục, bởi theo ông, nếu không có quyền tự chủ, trường tư thục sẽ rất khó tồn tại và phát triển. Ông đã nhiều lần lên tiếng phản biện, góp ý cần thay đổi về việc hạn chế và cấm đoán về chỉ tiêu, thời gian và cách thức tuyển sinh của cơ quan chức năng.

Việc khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của trường ngoài công lập, Sở GD-ĐT chỉ cho trường này trường kia nhận chừng nọ học sinh đầu cấp mà thôi, khiến ông phải lên tiếng: "Mặc dầu còn phòng học, còn thầy cô, còn học sinh muốn xin học nhưng chỉ tiêu lại khống chế. Không hiểu Sở Công thương có quy định hiệu phở này chỉ được bán 100 bát phở mỗi sáng dù họ còn bánh phở, còn thịt, còn người phục vụ, còn người muốn ăn hay không?".

Khi nhận được văn bản yêu cầu các trường ngoài công lập phải tuyển sinh cùng lúc với trường công lập, ông phản biện: “Điều đó cũng nực cười giống như bắt các siêu thị mở cửa đúng 8 giờ sáng cho giống với cơ quan nhà nước khác. Mở cửa hàng lúc 7 giờ là bị nghiêm trị!”.

Khi nhận lệnh không cho phép các trường tổ chức thi đầu cấp để phân loại học sinh, ông ví von: “Cũng vô lý như vậy khi bắt các bà bán rau không được phân loại rau sạch, rau bẩn hoặc rau ăn chết người...".

Truyền lửa từ những phút giây ngẫu hứng

Người thầy dạy toán truyền lửa tình yêu nghề cho sinh viên sư phạm không phải bằng toán mà là bằng thơ, đó là hình ảnh nhà giáo Văn Như Cương trong ký ức cựu sinh viên (SV) Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

PGS Chu Cẩm Thơ, cựu SV và nguyên giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nay là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), cho hay lần đầu tiên chị được tiếp xúc với nhà giáo Văn Như Cương khi đang là SV năm thứ nhất. PGS Chu Cẩm Thơ kể: “Thầy tâm sự với chúng tôi, truyền lửa yêu nghề cho chúng tôi không bằng các bài giảng toán học, mà bằng thơ. Một bài thơ về tình yêu. Một giọng nói xứ Nghệ rất vang. Những niềm vui trong học tập. Lũ chúng tôi, những người trẻ đón nhận những lời tâm sự ấy, say sưa, nhẹ nhõm mà sâu lắng”.

Còn PGS Nguyễn Thiệu Huy, hiện là giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vốn là cựu SV Khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khóa 1991 - 1995, nhắc lại một câu nói của thầy Văn Như Cương, đọng lại trong anh và các bạn cùng khóa, như một ký ức đẹp về thầy: "Dạy học là một khoa học nên cần phải chuẩn bị kỹ càng, nhưng dạy học cũng là một nghệ thuật nên cần có những lúc ngẫu hứng, chẳng hạn có thể những câu hỏi của học sinh sẽ dẫn bài giảng đi về những hướng đặc sắc và cuốn hút hơn nếu người thầy nổi hứng đúng lúc. Đầu óc của học sinh phải được xem như là những ngọn đuốc cần được thắp sáng lên, những phút giây ngẫu hứng là cần thiết để truyền đi ngọn lửa đó”. Quý Hiên

http://thanhnien.vn/giao-duc/pgs-van-nhu-cuong-nguoi-thay-luon-sot-ruot-voi-giao-duc-883824.html

Học yêu như thầy Văn Như Cương: Tình yêu 80 tuổi vẫn còn mãi xanh

Nhắc đến chuyện tình yêu 56 năm của thầy Văn Như Cương và vợ, nhiều người ví rằng thầy đã dệt câu chuyện “tình yêu ...

PGS Văn Như Cương: \'Tôi rất muốn sống\'

Theo lời kể của thầy Đoàn Ngọc Toại – giáo viên thế hệ đầu của Trường THPT Lương Thế Vinh, là người bạn, người đồng ...

Chuyện “lợn nuôi tiến sĩ” và những giai thoại về thầy Văn Như Cương

Đối với nhiều thế hệ học trò, PGS Văn Như Cương là một người thầy, người cha. Có rất nhiều giai thoại quanh cuộc sống ...

/ Theo Tuệ Nguyễn/báo Thanh niên