Các bệnh viện đang đóng thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, dẫn đến tăng chi phí khám chữa bệnh, cần bổ sung quy định miễn thuế thuốc điều trị nội trú.
Nội dung trên được đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nêu tại buổi thảo luận tại hội trường về dự Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, diễn ra sáng nay (12/5).
Ông nêu bất cập trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp với các khoản thu từ thuốc và vật tư y tế dùng trong khám chữa bệnh nội trú. Điển hình, các thông tư của Bộ Y tế cũng quy định: đơn vị khám chữa bệnh không được tính thêm chi phí vào giá thuốc đã trúng thầu, kể cả chi phí lưu kho, chi phí quản lý và giá bán thuốc không được cao hơn giá trúng thầu đã được duyệt.
"Điều này dẫn đến tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh phải chịu chi phí về thuế, đặc biệt là cơ sở khám chữa bệnh đóng thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, gồm 1% thuế giá trị gia tăng và 1% thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Hiếu thẳng thắn nói, số tiền này được tính vào tiền túi của người dân. Do đó, cần bổ sung quy định miễn thuế thuốc bệnh nhân sử dụng trong điều trị nội trú.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại hội trường sáng nay. (Ảnh: Quochoi.vn)
Bất cập khác được vị đại biểu ngành y chỉ ra, liên quan chính sách thuế thu nhập dịch vụ trong lĩnh vực y tế và các dịch vụ hỗ trợ trong lĩnh vực y tế.
Hiện nay, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới chỉ ưu đãi cho dịch vụ khám chữa bệnh, chưa quy định rõ ưu đãi cho các dịch vụ đi kèm khác nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác khám chữa bệnh như chăm sóc, đưa đón người bệnh, mời chuyên gia tư vấn, cung cấp giường bạt cho người bệnh và người nhà…, trong khi đây cũng là những dịch vụ mang tính chất thiết yếu.
Ông cho rằng, việc bổ sung ưu đãi thuế cho các dịch vụ hỗ trợ khác trong y tế sẽ đảm bảo công bằng trong chính sách thuế, vừa góp phần giảm chi phí y tế cho người dân tham gia khám chữa bệnh. Do đó, cần bổ sung quy định phạm vi dịch vụ và áp dụng mức thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 2% cho các dịch vụ hỗ trợ y tế.
Phát biểu tranh luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Vân Chi cho hay, theo cơ chế hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế với khoản kinh doanh thêm, như liên doanh, liên kết bên ngoài với mức thu 2%, "không hề thu thuế với khoản như viện phí, học phí của các cơ sở bệnh viện, trường học công lập đang tự chủ".

Đại biểu Nguyễn Vân Chi phát biểu tranh luận.
Ông Nguyễn Lân Hiếu phân tích thêm, thực tế cơ quan thuế hiện nay chỉ căn cứ vào chữ "dịch vụ", nên cứ có chữ dịch vụ sẽ phải chịu thuế. "Trong hệ thống y tế có khái niệm thu từ dịch vụ sự nghiệp công, chính vì vậy, đại đa số các nguồn thu của bệnh viện công tự chủ hiện nay đều bị đánh thuế", ông Hiếu liệt kê.
Theo đại biểu, chỉ nên quy định, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí hình thành giá (chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý)".
Mức giá dịch vụ quy định đối với hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao mới chỉ tính 2/4 yếu tố. Vì vậy, trường hợp nguồn thu từ việc thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa tính đủ yếu tố chi phí, sẽ không đủ trang trải các chi phí phát sinh nên không có lợi nhuận để nộp thuế.
Hơn nữa, dịch vụ khám chữa bệnh theo mức giá do Bộ Y tế và HĐND tỉnh quy định thuộc khoản "thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công", không phải dịch vụ "thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ".
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và tinh thần các nghị quyết Bộ Chính trị vừa ban hành, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực sớm ngay từ 1/10.