“Báo chí mà xử phạt 5 – 10 - 15 triệu thì không đủ sức răn đe, thậm chí quy định xử phạt không có quy định tước giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động”- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho hay.
Hôm nay (5.7), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương tháng 7.2019.
Tại đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã trình bày nội dung: Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị “về tăng cường, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Ông Võ Văn Thưởng cũng đã tóm tắt kết quả đạt được trong thời gian qua và xác định một số nhóm giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới để công tác này đạt hiệu quả hơn.
Nói về giải pháp nâng cao, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho hay, với phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả thì chỉ đạo báo chí trong thời gian qua đạt được một số kết quả, đặc biệt là với một số vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục điều chỉnh nâng cao chất lượng. Riêng cái này làm từng bước.
Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh T.Vương |
Ông dẫn chứng, hiện chúng ta có 1.000 tờ báo, nhưng quy định pháp luật về quản lý báo chí, đặc biệt là văn bản dưới luật còn rất lỏng lẻo, bất cập.
Điều này thể hiện qua việc phân biệt giữa báo và tạp chí cũng chưa có quy định nào dưới luật quy định. Cho nên khi cấp giấy phép hoạt động tạp chí nhưng lại hoạt động như 1 tờ báo mà không có biện pháp nào để xử.
Ngoài ra, theo ông Võ Văn Thưởng, việc xử phạt quá nhẹ vì vướng vào quy định xử phạt hành chính. “Báo chí mà xử phạt 5 – 10 - 15 triệu thì không đủ sức răn đe, thậm chí quy định xử phạt không có quy định tước giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động”, ông Thưởng nói.
Một vấn đề khác cũng được ông Thưởng nêu ra là do luật không chặt chẽ, nên dù không thừa nhận báo chí tư nhân nhưng lại cho tư nhân, doanh nghiệp hợp tác với cơ quan báo chí trong một số khâu. Chính sự hợp tác này làm cho tác động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào các cơ quan báo chí lớn hơn, từ đó hình thành những vấn đề cần chấn chỉnh, xử lý trong thời gian tới một cách mạnh mẽ.
Theo ông Thưởng, việc quản lý đối với lĩnh vực báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử do các công ty tự lập, công ty cung cấp công nghệ, công ty kinh doanh công nghệ đang giống như "thả một bầy ngựa ra đuổi". Và việc quản lý này cần thời gian.
Ông Võ Văn Thưởng cho hay, những năm đầu đổi mới, báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam bằng cách lấy tin tiêu cực ở tờ báo Việt Nam tập hợp vào tờ báo của họ để đăng, thành ra tờ báo đó bôi đen toàn bộ những kết quả chúng ta đạt được trong kinh tế xã hội trong nước.
“Bây giờ các tờ báo nước ngoài không làm được cái đó nữa thì chúng ta lại cung cấp giấy phép hoạt động cho những công ty dưới danh nghĩa công ty kinh doanh công nghệ làm chuyện đó.
Báo mới, Netnews là dạng đó. Cứ ông nào tiêu cực là đẩy lên báo mới. Theo kiểu đếm view, người đọc… Một số trang thông tin điện tử cũng theo kiểu đó”, ông Thưởng nói.
Trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: "Cần khẩn trương thực hiện quy hoạch báo chí, trước mắt sắp xếp lại hơn 20 tờ báo của các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Trung ương, ban hành quy định về tạp chí, thậm chí cấp lại giấy phép".
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng cho hay truyền thông xã hội là kênh rất quan trọng, phải lan tỏa thông tin tích cực.
Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội.