Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 chiều nay 28/12. một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là thách thức của mạng xã hội đối với báo chí.
Ông Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhận định nếu biết tận dụng, mạng xã hội sẽ là cánh tay nối dài của báo chí bởi thông tin nhanh, đa dạng. Tuy nhiên, báo chí đang có nguy cơ bị mạng xã hội "vượt mặt" trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Nhờ được cập nhật liên tục công nghệ, tính năng mới nên mạng xã hội thậm chí khiến báo chí mất dần vị thế độc quyền, bị lấn át về độ nhanh nhạy, nhất là trong những vụ việc nhạy cảm, phức tạp.
"Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí để xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả. Cơ quan báo chí không kiểm chứng sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật. Báo chí có thể bị phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tạo nguồn thu", ông Hùng cảnh báo.
Vì vậy, theo ông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí là đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến 2025. Trong đó, chú trọng đưa những cơ quan báo chí chủ lực trở thành toà soạn đa phương tiện mạnh, đủ năng lực định hướng dư luận xã hội.
Đồng thời, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật... trong quản lý, đánh giá hiệu quả thông tin; ngăn chặn thông tin sai sự thật, xấu, độc hại.
Ông Lê Quốc Minh - Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cũng nhận định, AI bắt đầu được sử dụng rộng rãi tại các toà soạn trên thế giới. Dẫn chứng tiêu biểu là đầu tháng 11/2018, Tân hoa xã của Trung Quốc giới thiệu người dẫn chương trình thời sự đầu tiên trên thế giới bằng AI, đưa tin không mệt mỏi suốt cả ngày, từ bất kỳ nơi đâu trên toàn quốc.
"Những tiến triển trên đây đang khiến nhiều người làm báo lo sợ rằng AI sẽ làm họ mất việc. Nhưng thay vì sợ hãi, nhà báo nên nắm bắt những bước tiến công nghệ này, bởi nó là cứu tinh giúp họ hoạt động hiệu quả hơn trong thế giới phức tạp, toàn cầu hoá và tràn ngập thông tin như hiện nay", ông Lê Quốc Minh phát biểu.
Ông Võ Văn Thưởng. Ảnh: TT. |
Kết luận hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh năm 2018, công tác báo chí đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện, thể hiện sự đổi mới rõ nét về chỉ đạo, định hướng chính trị tư tưởng nội dung thông tin.
Ông chỉ rõ, cùng với cơ hội, nhiều ý kiến cảnh báo về thách thức với công tác báo chí trong xu hướng xã hội hoá thông tin; hiểm hoạ tin giả; quảng cáo giảm sút; nguy cơ tụt hậu của báo chí Việt Nam...
"Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Đây thực sự là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta có những bài học đắt giá. Nhiều trường hợp, ta nắm trước thông tin, kênh thông tin của chúng ta cũng rất đa dạng, đội ngũ đông, hoàn toàn có thể chủ động thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của báo chí đã "trao tặng" lợi thế cho mạng xã hội", ông Võ Văn Thưởng đặt vấn đề.
Theo ông, đúng là thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là "tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo". Ngoài ra, còn có việc hành động chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp, quản lý nhà nước.
Lãnh đạo ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, nếu đội ngũ người làm báo chủ động, nhạy bén; các cơ quan báo chí tỉnh táo, thực hiện chặt chẽ quy trình phê phán các xu hướng tiêu cực, cực đoan, độ chính xác thấp của mạng xã hội; các cơ quan nắm thông tin kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí... thì "chúng ta sẽ nắm chắc được quyền chủ động thông tin". Qua đó, lấy lại niềm tin của công chúng với báo chí và "làm được điều đó báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt định hướng dư luận".
Ông đề nghị, năm 2019, cần đẩy nhanh việc ban hành và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí; tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên.
Bộ Thông tin Truyền thông được đề nghị gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử và tạp chí, nhằm chặn đứng, xử lý nghiêm tình trạng "báo hoá" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử.
Với những tiêu cực trong nghề báo, ông Võ Văn Thưởng đề nghị có chế tài chặt chẽ để cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần, nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào cơ quan báo chí.
Vấn đề kinh tế báo chí được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương rất quan tâm. Ông nói, năm 2017, nội dung này đã được thảo luận và đưa vào chương trình công tác năm 2018.
"Sau một năm, nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy công việc chưa thực sự tiến triển. Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin – truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn hơn", ông nhận định.
Theo Trưởng ban Tuyên giao Trung ương, trong khi lẽ ra phải tìm lời giải cho vấn đề trên thì không ít cơ quan báo chí lại coi những hành vi tiêu cực như hù dọa, tống tiền, gây sức ép để doanh nghiệp "hỗ trợ, hợp tác truyền thông"... là giải pháp.
"Nhiều phóng viên đã bị đồng nghiệp ta thán, xã hội vừa sợ, vừa khinh miệt bằng những từ "phóng viên đếm tầng", " phóng viên IS"... ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến danh dự người làm báo", ông Võ Văn Thưởng trăn trở.
"Doanh thu từ độc giả không thể bằng bất kỳ nội dung nào, mà phải bằng các nội dung có chất lượng văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất. Trong năm tới, cơ quan quản lý phải chủ động đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại", ông đề nghị.
Nhà báo không được dùng mạng xã hội \'vì mục đích không trong sáng\'
Từ tháng 1/2019, người làm báo Việt Nam có 8 việc không được làm khi sử dụng mạng xã hội. |