Chỉ hai ngày trước khi bắt đầu những phiên luận tội công khai, các đồng minh của Tổng thống Mỹ Donald Trump được tin đang cố tình "tung hỏa mù" bằng các thuyết âm mưu và những động thái gây phân tán sự tập trung.
Bản thân Tổng thống Trump dường như cũng gia tăng sức ép với các nhà lập pháp ôn hòa cùng đảng Cộng hòa. Ông cảnh báo, việc bất kỳ thành viên đảng Cộng hòa nào coi cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky là "không phù hợp", đều không thể chấp nhận được.
"Các thành viên đảng Cộng hòa, đừng bị dẫn dụ vào cái bẫy của những kẻ ngốc nghếch rằng việc đó không hoàn hảo nhưng không thể bị luận tội. Không, (hậu quả) còn lớn hơn thế nhiều. Không có điều gì sai trái đã xảy ra cả!", lãnh đạo Nhà Trắng viết trong một thông điệp đăng tải trên Twitter hôm 10/11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CBN |
Các cuộc khẩu chiến chính trị dữ dội cuối tuần qua đã cho thấy cách các chính trị gia thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ "đấu đá" thế nào tại các phiên điều trần luận tội tổng thống sắp tới.
Giới quan sát nhận định, phe Cộng hòa sẽ tìm cách làm chệch hướng, khiến cuộc điều tra sa vào các hố lầy chính trị và tạo ra bối cảnh thu hút sự chú ý của những người ủng hộ ông Trump. Họ cũng sẽ tìm cách "gây nhiễu" bằng các tình tiết và các lập luận thực tế rất đáng ngờ, nhằm làm mọi việc trở nên phức tạp trong mắt những người Mỹ đang theo dõi quá trình điều tra luận tội.
Ngược lại, phe Dân chủ sẽ chiến đấu để bảo vệ quá trình luận tội tổng thống mà họ cố gắng thúc đẩy trước các nỗ lực phản kích của phe Cộng hòa. Các chính trị gia Dân chủ nhiều khả năng sẽ tìm mọi cách khiến công chúng chống lại ông Trump thông qua sử dụng các nhân chứng ở cả trong chính quyền và quân đội.
Theo kế hoạch, các phiên điều trần công khai tại Quốc hội Mỹ sẽ được truyền hình trực tiếp từ ngày 13/11. Các nhà lập pháp thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ đặt câu hỏi cho nhân chứng. Một trong những nhân chứng xuất hiện đầu tiên sẽ là Bill Taylor, quyền đại sứ Mỹ tại Ukraina người đã có một số lời khai kín gây chấn động nhất hồi tháng trước.
Hôm 6/11, đảng Dân chủ đã công bố bản ghi chép lời khai của ông Taylor, trong đó nhà ngoại giao này thừa nhận "biết rõ" tổng thống đã giữ lại các khoản viện trợ quân sự cho Ukraina vì muốn chính quyền ông Zelensky điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden hiện là ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2020. Con trai ông - Hunter Biden từng làm việc cho một công ty khí đốt của Ukraina từ khi ông còn đương chức cho mãi tới gần đây.
Ông Taylor cho biết thêm, "những nỗ lực bất thường" của Rudy Giuliani, luật sư riêng được Tổng thống Trump cử đến gặp gỡ giới chức Kiev "đã làm xói mòn chính sách ngoại giao chính thức của Mỹ".
Sau ông Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina Marie Yovanovitch dự kiến sẽ ra làm chứng vào ngày 15/11. Trong phiên điều trần kín hồi tháng trước, bà Yovanovitch cho biết "cảm thấy bị đe dọa" vì những lời nhận xét của Tổng thống Trump trước người đồng cấp Ukraina trong cuộc điện đàm ngày 25/7. Cụ thể, ông Trump đã mô tả nữ chính khách này là "tin xấu" và nói bà "sẽ phải trải qua một số chuyện".
Phe Dân chủ coi các phiên điều trần công khai là cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn những sai phạm của người đứng đầu chính phủ. Tại chương trình Meet the Press phát trên kênh NBC, Hạ nghị sĩ Dân chủ Jim Himes nhấn mạnh rằng: "Họ (người dân) sẽ được nghe những người vô cùng yêu nước, ăn nói rành rọt kể câu chuyện về một vị tổng thống... cưỡng ép một quốc gia dễ bị tổn thương bằng cách trì hoãn viện trợ quân sự".
Theo CNN, những người ủng hộ ông Trump cũng tham gia vào các cuộc tọa đàm truyền hình cuối tuần trước. Các phát biểu ám chỉ, với họ, vài tuần tới không nhất thiết nhằm tìm ra sự thật về những gì đã xảy ra trong chính sách đối ngoại "phi chính thống" của ông áp dụng với Ukraina. Thay vào đó, trong cuộc chiến dư luận, họ sẽ tìm cách xây dựng những câu chuyện có vẻ hợp lý nhằm bảo vệ tổng thống và bản thân trước bất kỳ phản ứng chính trị dữ dội nào ở quy mô rộng lớn hơn.
Cho tới hiện tại, ông Trump đang phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực bằng cách gây áp lực buộc Ukraina phải mở cuộc điều tra vào cha con đối thủ chính trị trong nước. Đáng nói, hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy ông Biden và con trai đã làm việc gì đó sai trái. Nhiều nhân chứng thậm chí bày tỏ, họ tin lãnh đạo Nhà Trắng đã đòi Kiev phải "có đi, có lại" nếu muốn nhận khoản viện trợ quân sự trị giá gần 400 triệu USD.
Tuy nhiên, một số chính khách Cộng hòa biện minh rằng, tổng thống chỉ đang lo lắng về tình trạng tham nhũng ở Kiev. Đây là lập luận liên quan đến một chủ đề ông Trump gần như chưa từng tỏ ra quan tâm ở bất kỳ đâu trên thế giới.
"Ở đây có hai khả năng. Một là tổng thống yêu cầu điều tra một đối thủ chính trị. Hai là, tổng thống yêu cầu điều tra nghi án tham nhũng của ai đó vô tình lại là đối thủ chính trị của ông. Khả năng thứ hai là vì lợi ích quốc gia. Khả năng thứ nhất là vì lợi ích cá nhân của tổng thống và sẽ vượt quá giới hạn cho phép... Theo quan điểm của tôi, việc 'có đi, có lại' chỉ là sự hiểu nhầm", Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy đến từ bang Louisiana tuyên bố trong chương trình Face The Nation của kênh CBS.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson đến từ bang Wisconsin cũng lên tiếng bênh vực rằng, Tổng thống Trump thực sự quan ngại về việc quản trị ở Kiev hơn là tìm kiếm các lợi ích chính trị cá nhân. "Khi bạn cung cấp hàng trăm triệu USD của người đóng thuế Mỹ cho một hệ thống, bạn muốn đảm bảo rằng hệ thống đó không có tham nhũng. Tôi chưa từng nghe thấy tổng thống bày tỏ ý định chơi xấu các đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2020", ông Johnson quả quyết.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul thuộc bang Kentucky thậm chí cho rằng, các sai phạm của Tổng thống Trump quá nhỏ so với các chính trị gia khác ở Washington, "những người hầu như đang cố gắng thao túng Ukraina vì mục đích riêng, nhằm chấm dứt hoặc bắt đầu một cuộc điều tra nào đó". Phát biểu của ông Paul ám chỉ việc ông Biden, khi còn giữ chức Phó tổng thống trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, từng thúc ép Kiev có các thay đổi trong điều tra tham nhũng.
Theo giới phân tích, các đồng minh Cộng hòa của ông Trump dự kiến sẽ phản biện rằng, những bằng chứng do các ủy ban Hạ viện nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ thu thập được cho tới nay vẫn chưa thể chứng minh tổng thống hay những người thân cận trực tiếp liên quan đến việc trì hoãn viện trợ quân sự cho Ukraina hay ép Kiev phải thực thi các nhượng bộ chính trị. Đây được coi là lập luận mở màn đanh thép nhất nhằm phản bác vụ điều tra luận tội của phe Dân chủ.
Các nghị sĩ Cộng hòa cũng đòi Quốc hội phải mở phiên điều trần với Hunter Biden và công khai danh tính của quan chức tình báo đầu tiên đứng ra tố cáo ông Trump. Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff đã thẳng thừng bác bỏ các yêu cầu này với lí do, con trai ông Biden không liên quan đến cuộc điều tra luận tội tổng thống. Các nhân chứng đã xác nhận lời tố cáo của quan chức tình báo giấu tên là đúng thì việc người này phải lộ diện là không cần thiết.
Trong khi đó, phe Dân chủ cáo buộc chính quyền của ông Trump và các đồng minh đang có chuyện che giấu khi không hợp tác với cuộc điều tra của Hạ viện. Nhà Trắng tuyên bố động thái là "vi phạm hiến pháp" và ra lệnh cho các nhân viên không cung cấp tài liệu hay lời khai trước các điều tra viên của Hạ viện.
Ít nhất 10 quan chức cấp cao trong chính quyền Trump đã phớt lờ trát đòi điều trần, kể cả Ngoại trưởng Mike Pompeo. Bộ Ngoại giao và Văn phòng Quản lý - ngân sách của chính phủ Mỹ cũng khước từ yêu cầu cung cấp tài liệu có thể làm sáng tỏ các thỏa thuận giữa ông Trump với Ukraina.
Đảng Dân chủ hiện coi các phiên điều trần mở có vai trò trọng yếu trong việc vận động sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với quá trình chính thức luận tội ông Trump. Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ buộc phải tổ chức một phiên tòa.
Trong kịch bản xấu nhất, nếu 2/3 các nghị sĩ tại Thượng viện bỏ phiếu tán thành kết án, ông Trump sẽ buộc phải rời khỏi Nhà Trắng và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ lên nắm quyền thay ông. Kịch bản này được tin khó có khả năng xảy ra do cho đến nay, phe Cộng hòa tỏ ra không mấy mặn mà với giải pháp truất phế tổng thống.
Tuy nhiên, không ai dám chắc điều gì. Dư luận Mỹ vẫn đang nín thở chờ các diễn biến mới quyết định tương lai chính trị của ông Trump, vị tổng thống xuất thân là doanh nhân với cách điều hành đất nước được một số nhà quan sát ví von thất thường như chương trình truyền hình thực tế.
Tuấn Anh