Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải nói gì khi thực hiện những phim thuộc 'vùng cấm, nhạy cảm".
Kiểm duyệt chính mình mới là điều khó khăn nhất
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải hiện là Giám đốc VFC. |
- Nhiều người nói thực ra người quyết định thành bại một bộ phim, độ hot của diễn viên không phải là đạo diễn mà là anh, vì từ nội dung phim đến cả cái kết hay chọn diễn viên nào vào vai gì hầu như đều phải có ý kiến của anh. Thực hư thế nào?
Đúng, nhưng chưa chuẩn. Tôi làm quản lý nhưng cũng là đạo diễn, nếu tự tin thì có thể đánh giá là có chuyên môn giỏi, vì vậy tôi biết cộng hưởng cả 2 yếu tố đó để đưa ra các quyết định cho một dự án phim đạt hiệu quả cao nhất. Tôi thường đưa ý kiến phản biện để trao đổi và cùng đạo diễn, ê kíp chọn ra phương án tối ưu nhất.
- Trong hơn 10 năm làm giám đốc VFC, thương hiệu này ngày càng được biết đến và gắn liền với tên tuổi của anh. Để VFC trở thành một "vũ trụ phim ảnh" cũng như nhận Huân chương lao động hạng nhất chắc chắn không dễ dàng với người đứng đầu như anh. Ngồi ở vị trí đó hẳn rất nhiều áp lực, áp lực từ khán giả luôn muốn những bộ phim hay hơn hấp dẫn hơn, và áp lực từ lãnh đạo VTV - những người kiểm duyệt và cho các bộ phim VFC lên sóng?
Làm nghệ thuật, kể cả khi bạn thành công thì ngay sau đó phải biết quên đi để bắt tay vào một quá trình sáng tạo mới. Đấy là áp lực thứ nhất. Tiếp theo, khán giả ngày càng có thẩm mỹ và có nhu cầu thưởng thức cao. Điều này khiến chúng tôi phải rất nỗ lực vượt lên chính mình.Với việc kiểm duyệt, đừng đặt vấn đề quá nặng nề mà chỉ nên coi đó là sự cần thiết để có thêm góc nhìn khác về tác phẩm, giúp chúng ta hạn chế những sai sót, nhất là với yêu cầu phát sóng truyền hình phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Nếu mình tự tin với tác phẩm chất lượng thì khi bị can thiệp chỉnh sửa, hoàn toàn có thể trao đổi lại. Tôi nghĩ, không chỉ trong môi trường làm nghệ thuật đâu, các lĩnh vực khác cũng thế thôi, kiểm duyệt chính mình mới là điều khó khăn nhất.
- Nhìn các bộ phim đang chiếm lĩnh các khung giờ đẹp trên mọi kênh sóng VTV lẫn các phim lọt đề cử cũng như nhận giải VTV Awards đa phần đều là phim VFC. Có ý kiến rằng VFC là hãng phim của VTV nên được ưu ái sóng là đương nhiên và giành giải VTV cũng không khó hiểu. Trong khi nhiều phim sản xuất xong đắp chiếu nhiều năm không được lên sóng thì phim của VFC gần đây luôn ở tình trạng sản xuất không kịp phát sóng. Áp lực làm phim khi là đơn vị của nhà đài lớn đến thế nào?
Hãy nhớ là các phim VFC đạt giải đã có truyền thống từ nhiều năm trước đây, kể cả trong giai đoạn bùng nổ hoạt động xã hội hóa làm phim. VFC tự tin về chất lượng tác phẩm vì đã sở hữu được một đội ngũ giỏi, yêu nghề. Chúng tôi không thích khoe mình có nhiều phim phát sóng, chỉ thích làm ra nhiều phim hay được khán giả chú ý bàn luận, tạo ra các cơn sốt.
Thực tế là gần như năm nào VFC cũng có những bộ phim đình đám. Phim làm hấp dẫn, lại nội dung hay thì các giải thưởng nhận về là đương nhiên thôi. Cũng vì thế, cả đội ngũ chúng tôi đều có chung mục đích là cùng nhau xây dựng thương hiệu VFC lớn mạnh. Điều thú vị là phim Việt đã và đang thu hút khán giả, các bộ phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã phai nhạt dần trên truyền hình, đó là thành công đáng ghi nhận.
- Theo anh thì nếu không phải là VFC sản xuất thì có chuyện "Quỳnh búp bê" đã bị ngưng chiếu lại có thể trở lại sóng nhanh vậy không? Anh có thể nói gì về việc bộ phim này được tranh giải tại LHP Busan vừa rồi?
"Quỳnh búp bê" là một đề tài khó làm, nếu không chân thật thì khó thuyết phục khán giả. Khi bắt tay thực hiện, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ và tự tin với nội dung kịch bản. Việc dừng phim và chuyển kênh phát sóng là cách lựa chọn phù hợp vào thời điểm đó.Và như bạn đã biết, hiệu ứng phim rất tốt, được khán giả đón nhận. LHP Busan cũng đã tuyển chọn bộ phim và được BGK đưa vào danh sách đề cử 1 trong 3 phim tranh giải Phim châu Á xuất sắc. Kết quả này, ngoài niềm vui dành cho ê kíp làm phim thì cũng ghi nhận về chất lượng chuyên môn khi phim truyền hình Việt nam đã tiếp cận được mặt bằng chung của các nước trong khu vực, cạnh tranh với các phim Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
- Trong khi phim truyền hình phía Nam gặp khó khăn thì VFC ngày càng bành trướng, thậm chí còn tổ chức làm phim trong Nam (Ngày ấy mình đã yêu, Bán chồng) hay mời các diễn viên phía Nam ra Bắc đóng phim (Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái)... Liệu đây có phải chiến lược thâu tóm toàn bộ mảng phim truyền hình của VFC?
Chúng tôi không có ý định thâu tóm cái gì, đơn giản chỉ là lộ trình nâng dần chất lượng và tính hấp dẫn, đa dạng cho các phim VFC. Tôi quan điểm, mình cứ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, chỗ khác cũng thế thì chắc chắn, cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn.
Áp lực làm phim có đề tài nóng
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và đạo diễn Khải Hưng trong cuộc gặp bàn thực hiện phim "Sinh tử". |
- Bộ phim "Sinh tử" vừa lên sóng được cho là tác phẩm chính luận quy tụ hầu như tất cả gương mặt đình đám nhất của màn ảnh phía Bắc, với 40 diễn viên có tên tuổi chưa kể quần chúng. Đây có thể là "bom tấn" tiếp theo của VFC và anh kỳ vọng gì ở bộ phim này?
Đây là phim mà VFC dành nhiều công sức để chuẩn bị trong thời gian dài, hy vọng về giá trị nội dung mang đến cho khán giả, cho xã hội. Văn hóa nghệ thuật ngoài chức năng về giải trí, còn tạo ra những sức mạnh mềm, góp phần xây dựng một xã hội tốt hơn, nhân văn hơn. Nội dung của phim "Sinh tử" vì thế đã chạm đến những vấn đề rất quan trọng của thời cuộc. Đó là vai trò người lãnh đạo, là việc kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng, là niềm tin của người dân với Đảng, với đất nước… Làm phim này, nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đều thấy rất hào hứng.
- Trong buổi họp báo ra mắt ‘Sinh tử’, mọi người đều cảm nhận được cả NSND Khải Hưng và biên kịch Ngọc Tiến đều là những người rất cá tính và thường thì các NSX sẽ phải ‘chiều’ họ chứ không có chuyện ngược lại. Điều này có đúng với ‘Sinh tử’?
Nghệ sĩ hầu hết là những người sáng tạo có cá tính độc đáo. Khi làm việc với họ, phải tôn trọng và hiểu những nỗi niềm, những trăn trở của họ với tác phẩm và biết chia sẻ, đồng hành cùng họ để tạo ra những tác phẩm chất lượng. NSND Khải Hưng là người rất cá tính, ông không chấp nhận làm một tác phẩm hời hợt. Nếu có phải "chiều" thì cũng nên làm. Chưa kể chúng tôi là thế hệ đi sau, có thành công hôm nay cũng là từ sự chỉ bảo của các nghệ sĩ thế hệ trước.- Khi được hỏi về áp lực với "Sinh tử", đạo diễn Khải Hưng đều nói ông không bị áp lực cả, chỉ có anh là bị áp lực thôi. Đó là áp lực gì?
Áp lực làm một phim có đề tài nóng, nội dung chạm đến những vấn đề chính trị và cần phải có sự tìm hiểu rất kỹ để xây dựng kịch bản, thuyết phục được khán giả chứ không phải sao chép các tài liệu báo chí, văn bản nghị quyết. Vì thế, thời gian chúng tôi dành cho dự án này gấp nhiều lần so với các dự án phim khác.- Với những phim như ‘Sinh tử’, được nói là sẽ mang những vụ đại án ở ngoài đời vào phim. Liệu có những ‘vùng cấm, nhạy cảm’ nào các anh không thể mang vào "Sinh tử"?
Chúng tôi đều đã có nhiều năm làm nghề nên rất ý thức việc khai thác các vấn đề nhạy cảm ở mức độ nào là phù hợp. Cuộc sống là chất liệu quan trọng để những người làm phim chúng tôi khai thác và sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, đem đến cảm xúc và đánh thức những suy nghĩ cho khán giả về các vấn đề mà phim đặt ra. Khi chạm đến các vấn đề khó, nhạy cảm, chúng tôi càng phải cố gắng để làm phim hấp dẫn, sâu sắc hơn."Sinh tử" là bộ phim lấy đi nhiều thời gian cũng như sự chuẩn bị của VFC. |
- Nhiều năm qua VFC đã cho ra rất nhiều bộ phim đình đám và tên anh luôn xuất hiện với tư cách người chịu trách nhiệm sản xuất. Vậy khi nào thì đạo diễn Đỗ Thanh Hải sẽ tái xuất với tư cách đạo diễn một bộ phim? Rất nhiều khán giả thích Của để dành, Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời đang rất mong anh quay lại đạo diễn.
Nhớ nghề là điều đương nhiên, nhưng được đứng tên chung vào nhiều tác phẩm hấp dẫn của các đạo diễn, biên kịch, đội ngũ làm phim VFC, tôi thấy đó là sự may mắn. Mỗi một bộ phim đều là quá trình làm việc của rất nhiều con người tạo nên, được đồng hành, dẫn dắt, được những nghệ sĩ, những người làm văn hóa nghệ thuật yêu mến tin cậy, tôi thấy trách nhiệm và cả sự tự hào.‘Pháp sư mù’ đối đầu ‘Hoa hậu giang hồ’ trên đường đua phim Việt |
Kiểm duyệt phim Việt Nam thiếu tiêu chí, hụt nhân lực |
Loạt phim Việt dính bê bối vì cảnh nóng quá trần trụi |