Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Kim Jong-un vẫn quyết tâm phi hạt nhân hóa và Mỹ - Triều nên thể hiện sự linh hoạt để thúc đẩy đối thoại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hôm nay. Ảnh: China Daily. |
"Xu hướng giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại không thay đổi. Chúng ta nên mở rộng nỗ lực thúc đẩy đối thoại và phối hợp cùng nhau", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm nay. "Trung Quốc ủng hộ lãnh đạo Mỹ - Triều tổ chức vòng đối thoại mới. Chúng tôi hy vọng hai bên thể hiện sự linh hoạt và thúc đẩy tiến trình đối thoại".
Cuộc gặp với ông Moon diễn ra một tuần sau chuyến thăm chính thức Triều Tiên đầu tiên của ông Tập. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn quyết tâm phi hạt nhân hóa.
"Ông ấy đang cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế Triều Tiên và cải thiện mức sống thông qua con đường chiến lược mới của đất nước. Ông ấy cũng hy vọng cải thiện môi trường bên ngoài", ông Tập nói.
Tổng thống Hàn Quốc nói rằng Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo". Theo ông, hội nghị thượng đỉnh Trung - Triều cùng việc lãnh đạo Mỹ - Triều trao đổi thư gần đây đã tạo động lực cho tiến trình hòa bình.
Trung Quốc là nước bảo đảm an ninh lớn nhất cho Triều Tiên từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Triều Tiên được ký kết tại Bắc Kinh năm 1961, trong đó bảo đảm quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp nếu Triều Tiên bị tấn công vũ trang bởi bất kỳ quốc gia nào.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh thứ hai hồi tháng hai. Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nói rằng những gì Trung Quốc có thể làm đều có giới hạn.
"Không bên thứ ba nào có thể là trung gian hòa giải hiệu quả trong trường hợp này. Việc Triều Tiên cuối cùng có phi hạt nhân hóa hay không phụ thuộc hoàn toàn vào các cuộc đàm phán song phương giữa Bình Nhưỡng và Washington. Hai nước sẽ tự quyết định và Bắc Kinh hay Seoul cũng không thể tạo ra sự khác biệt đáng kể", Zhang nói.
Huyền Lê (Theo SCMP)
Triều Tiên phóng tên lửa vì 'bất mãn kết quả thượng đỉnh' với Mỹ
Tổng thống Hàn Quốc cho rằng việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa là sự phản kháng Mỹ và có thể gây khó khăn ... |
Mỹ - Triều Tiên không ai nhường ai
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hôm 20-4 chỉ trích Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton về việc ra điều ... |