Cho rằng Việt Nam đang đi sau thế giới về giảm giờ làm, Bí thư Thành ủy TP HCM đề xuất xây dựng lộ trình để điều chỉnh còn 40 giờ mỗi tuần thay vì 48 giờ hiện nay.
Phát biểu về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trên nghị trường chiều 23/10, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã dành thời gian phân tích xu hướng "giảm giờ làm mà vẫn đảm bảo tăng năng suất lao động" trên thế giới.
Theo ông, cuối thế kỷ 19, người lao động phải làm việc 10 - 16 giờ mỗi ngày, nên đã hình thành phong trào đấu tranh giảm giờ làm. Vào 1/5/1886, công nhân Chicago (Mỹ) biểu tình, đòi ngày làm việc 8 giờ và yêu cầu không giảm tiền lương. Sau đó ngày 1/5 được chọn làm ngày Quốc tế lao động.
Bí thư Nhân thông tin thêm, cách đây 130 năm, doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực ôtô ở Mỹ là Herry Ford đã áp dụng ngày làm việc 8 giờ, mỗi tuần 6 ngày. "Sau đó, Herry Ford thử nghiệm ngày làm việc 8 giờ nhưng chỉ 5 ngày mỗi tuần thì năng suất không giảm mà vẫn tăng. Từ đó nhiều nước làm theo", ông Nhân nêu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Năm 1940, Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật quy định mỗi tuần người lao động chỉ làm việc 40 giờ. Những năm 1950 - 1960, nhiều nước trên thế giới cũng chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ mỗi tuần.
Theo ông Nhân, đến năm 1999, Việt Nam mới chuyển sang chế độ ngày làm việc 8 tiếng, mỗi tuần 5 ngày trong khu vực nhà nước là đã "chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ".
Lãnh đạo TP HCM nói thêm, từ năm 2000 đến nay, nhiều nước phát triển giảm số giờ làm mỗi tuần xuống chỉ còn 36 - 38 giờ, đơn cử "Đức là một trong những nước có năng suất lao động cao nhất thế giới, nhưng người lao động chỉ làm việc 26 giờ mỗi tuần".
Ở Việt Nam hiện nay, việc chênh lệch số giờ làm ở khu vực nhà nước (40 giờ mỗi tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ mỗi tuần) được Bí thư Nhân cho là "không bình đẳng". Ông nhấn mạnh: "Không có nước nào mà luật lao động lại quy định công chức làm ít giờ, công nhân làm nhiều giờ. Hầu hết các nước chỉ quy định chung về số giờ làm cho tất cả các khu vực".
Vì vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, Việt Nam cần có lộ trình giảm giờ làm cho người lao động từ 48 giờ xuống 40 giờ trong 10 năm; trước mắt sẽ giảm còn 44 giờ, đến sau 2030 thì giảm còn 40 giờ. "Nếu thực hiện được điều này, chúng ta vẫn đi sau thế giới 80 năm", ông nói.
Về đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ mỗi năm, ông Nhân cho rằng, "nếu tăng thì trong ngắn hạn doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động thêm thu nhập, nhưng hậu quả là sức khoẻ người lao động giảm sút".
"Làm thêm giờ không có nghĩa là năng suất lao động tăng. Đã có những thống kê, nếu người lao động làm hơn 40 giờ mỗi tuần thì năng suất không tăng. Muốn tăng năng suất lao động thì phải giải quyết vấn đề gốc rễ là đổi mới công nghệ.", ông nêu quan điểm.
Mang theo cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân cầm lên và nói, về kinh tế, người lao động mong muốn là có thu nhập, có việc làm, có nhà và 95,4% mong muốn gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan, tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt.
"Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 - 10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu. Thế giới từ bỏ điều nay 133 năm nay rồi", ông Nhân nói trước Quốc hội.
Bí thư Thành ủy TP HCM phân tích thêm, với quy định mỗi năm có tối đa 300 giờ làm thêm, nghĩa là mỗi ngày người lao động phải làm thêm một giờ, suốt cả năm. Như vậy người lao động mỗi ngày làm 9 tiếng, mà làm quần quật cả năm, thì có khoẻ không? "Đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm", ông Nhân kết thúc phần phát biểu.
Đại biểu Phùng Thị Thường, với kinh nghiệm 10 năm làm việc ở doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng trong thời đại khoa học kỹ thuật, sự phát triển kinh tế nên dựa vào máy móc, công nghệ, không nên đặt gánh nặng lên đôi vai của người lao động.
Nữ đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh đã chứng kiến cảnh người lao động phải làm việc rất cực nhọc. Họ ăn bữa sáng vội vàng và làm việc cả ngày, khi trở về nhà thì trời đã tối mịt, các con ngủ say. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng giờ làm thêm để tận dụng sức lao động; tình trạng doanh nghiệp vi phạm thời gian làm thêm rất phổ biến.
"Mặc dù làm thêm là thoả thuận giữa người lao động và doanh nghiệp, nhưng nếu không làm thêm thì người lao động có thể không được khen thưởng, bị chấm dứt hợp đồng", bà nói.
Đại biểu Phùng Thị Thường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Trái với các ý kiến trên, ông Trần Văn Tiến - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nêu quan điểm, việc giảm giờ làm bình thường trong tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần "là vấn đề hệ trọng, có tác động đến người lao động, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế".
Theo ông Tiến, "năng suất lao động của nước ta còn chưa cao so với nhiều nước trong khu vực". Vì vậy, ông đề nghị không giảm mà giữ nguyên quy định hiện hành là người lao động làm việc không quá 48 giờ mỗi tuần, nhưng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động giảm giờ làm việc tại từng đơn vị.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp lần này.
Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh, "dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu", song Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.
Khu 4,3ha Thủ Thiêm: Mới hơn 50% số hộ đồng thuận phương án đền bù
Sau 4 ngày gặp mặt, thoả thuận giữa 331 người dân Thủ Thiêm thuộc khu 4,3ha và chính quyền quận 2 (TP.HCM), kết quả có ... |
Thiếu cơ chế, TP.HCM khó trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng mềm… là ... |