Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói "sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà là rất đáng tiếc, thành phố sẽ rút kinh nghiệm không để lặp lại lần nữa".
Chiều 22/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành uỷ Hà Nội thừa nhận thành phố đã phản ứng chậm trước các sự cố ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm nguồn nước sông Đà. "Việc này Thủ tướng đã nêu, thành phố sẽ và các sở, ngành rút kinh nghiệm", ông Hải nói.
Theo Bí thư Hà Nội, sự chậm trễ nêu trên là bởi phân công xử lý thông tin giữa các đơn vị "có lỗ hổng"; hơn nữa, vì chưa có quy trình ứng phó cụ thể nên khi xảy ra sự cố thì các đơn vị liên quan bị rối và "không biết con số nào đáng tin". Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng quy trình quản lý, giám sát nguồn nước chặt chẽ để buộc các công ty cung cấp nước sạch phải thực hiện.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Viết Tuân |
Với việc nước sạch sông Đà cung cấp đến người dân bị nhiễm bẩn, lãnh đạo thành phố nêu rõ doanh nghiệp cung cấp nước sạch cho người dân là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố; nhà chức trách sẽ làm rõ trách nhiệm này.
Đồng thời, theo ông Hải, hệ thống quan trắc nước sạch ở Hà Nội đang rất thiếu. Ông phân tích, diện tích lấy nước mặt rộng lớn nên nếu huy động lực lượng bảo vệ nguồn nước thì vẫn có thể xảy ra mất an ninh, an toàn; vì vậy phải có hệ thống quan trắc, phát hiện ô nhiễm ở nhiều công đoạn, từ nguồn nước đến nhà máy xử lý và khi phân phối cho người dân.
"Không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc không phát hiện ra ô nhiễm, đến lúc phát hiện thì lại xử lý lúng túng, như trường hợp vị lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà nói là phát hiện đổ dầu thài đầu nguồn rồi nhưng không biết nên dừng cấp nước hay không", Bí thư Hà Nội nói.
Ông Hải nhấn mạnh Hà Nội sẽ xây dựng quy trình quan trắc nguồn nước theo các bước cụ thể, yêu cầu các công ty cung cấp nước sạch phải thực hiện, có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước. "Các công ty tham gia cấp nước sạch sẽ phải đầu tư công nghệ, thoả mãn các điều kiện về quy trình mà thành phố yêu cầu", Bí thư Hà Nội nêu rõ.
Ông Trần Đăng Ninh - Phó bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình cũng cho rằng, khi nước sạch đến người dân chưa đảm bảo chất lượng thì đơn vị sản xuất nước sạch phải chịu trách nhiệm.
"Công ty nói các thông số đảm bảo, nhưng người dân phản ảnh nước có mùi khét thì công ty phải chịu trách nhiệm", ông Ninh nêu quan điểm và cho biết đã gặp ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (đóng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình) để trao đổi về vấn đề này.
"Chính tôi khi đến ngoài nhà máy cũng thấy mùi khét ngay", ông Ninh nói thêm và cho rằng sự cố ô nhiễm nước sông Đà là nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm.
Ông Trần Đăng Ninh, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Về giải pháp bảo vệ nguồn nước, ông Ninh nói tỉnh đang đề nghị nhà máy nước sạch phải lấy nước mặt sông Đà và xây dựng đường ống dẫn nước kín, thay vì phải trung chuyển qua hồ Đầm Bài như hiện nay.
"Khu vực hồ Đầm Bài rất lớn, khoảng 16 km2. Nếu lắp camera, bố trí công an bảo vệ cũng không đủ người", ông Ninh cho hay. Theo ông, để kiểm soát tốt nguồn nước đầu vào, nhà máy phải bơm nước từ sông Đà lên và dẫn vào bể chứa, sau đó mới đưa vào sản xuất rồi chuyển về Hà Nội.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh thì cho rằng, sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà cho thấy hệ thống pháp luật còn sơ hở, có lỗ hổng trong quy định về đảm bảo an ninh nguồn nước.
"Đang có nghịch lý là người dân trả tiền mua nước sạch nhưng lại dùng nước chưa đảm bảo theo các tiêu chí và điều kiện nước sạch", Thiếu tướng Hồng nói.
Theo ông, an ninh nguồn nước liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân, nên phải đặt tương đương với an ninh năng lượng, lương thực để có biện pháp bảo vệ và quy định chế tài để xử nghiêm hành vi phá hoại nguồn nước.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...
Ngày 11/10, Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu, xét nghiệm, dự kiến có kết quả sau bảy ngày. Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Sự việc được một số cán bộ công ty phát hiện sáng 9/10, nhưng không báo cáo cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm. Ngày 15/10, gần một tuần sau tình trạng trên, Hà Nội họp báo cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội. Ngày 17/10, công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. |
Gần 9 tấn dầu thải đổ vào nguồn nước sông Đà
Lý Đình Vũ (37 tuổi, quê Bắc Ninh) thỏa thuận xử lý 9 tấn dầu thải của Công ty gốm sứ Thanh Hà, nhưng đã ... |
Đường đi của 10m3 dầu thải tới nguồn nước của 250.000 hộ dân Hà Nội
10m3 dầu thải khiến nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống hơn 250.000 hộ dân Hà Nội. |
Một tuần khủng hoảng nước của người Hà Nội
Ngay sau thông tin "nước nhiễm Styren" chiều 15/10, đường dây nóng của Công ty nước sạch Hà Nội "cháy máy" bởi hàng nghìn cuộc ... |