Đại gia Nguyễn Hữu Đường (hay còn biết đến với biệt danh Đường “bia”) - Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình - vốn được biết tới là một doanh nhân có nhiều ý tưởng táo bạo và những bước đi “không giống ai”.
Xuất thân là một người lính, ông Đường “bia” vẫn luôn nặng lòng với những người cựu chiến binh, luôn trăn trở cho cuộc sống và công việc của những người đồng đội. Không những vậy, vị đại gia này còn đặt nhiều tâm huyết vào việc xây dựng các con đường cao tốc chất lượng và thân thiện với môi trường.
Hồi giữa năm ngoái, trong một lần gặp nhau, tôi hỏi: “Ông anh dạo này đang tập trung làm cái gì?”. Ông Đường nói lạnh lùng: “Anh đang nghiên cứu làm đường cao tốc trên cao và bằng bê tông dự ứng lực”. Nghe ông nói mà tôi ngạc nhiên vô cùng, bởi tôi biết bê tông dự ứng lực là đã có từ rất lâu, và nay ông nghiên cứu thì là thế nào? Thắc mắc vậy nhưng cũng không dám hỏi, bởi tôi biết ông không nói chơi cái gì bao giờ.
Bẵng đi một thời gian, vào giữa tháng 3 năm 2024, tôi nhận được giấy mời của ông Đường đến dự lễ công bố quyền tác giả đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ và mẫu đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+, khánh thành đoạn cao tốc mẫu xây dựng theo công nghệ mới nhất và tiến hành thử nghiệm vận hành tàu dát vàng chạy ở đường sắt trên cao ở khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh.
Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả của hai mẫu công trình này vừa được ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình công bố. Giấy chứng nhận do Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào tháng 12/2023.
Theo doanh nhân Đường “bia”, từ tháng 8/2023, Công ty TNHH Hòa Bình đã tập trung trong việc khảo sát công nghệ, kinh nghiệm xây dựng cầu cạn cao tốc tại các nước: Đức, Trung Quốc, Indonesia; đồng thời khảo sát, thiết kế, thi công đường cao tốc trên cọc dự ứng lực và đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực, nhà ở thương mại giá rẻ.
Ngày 25/9/2023, đường mẫu cao tốc trên cao trên cọc bê-tông dự ứng lực thiết kế và thi công xong đã được nghiệm thu tại nhà máy Đường Malt, khu công nghiệp Tiên Sơn. Đường có độ cao 50cm, trên cốt 0.0, hai làn xe chạy và được thử tải bằng 2 xe tải trọng 20 tấn/xe trong 48 giờ.
Đường cao tốc có 2 làn xe chạy rộng 9m, dài 100m. Dải phân cách ở giữa là đường sắt trên cao chịu tải trọng bằng cọc bê tông dự ứng lực. Đường sắt trên cao đã lắp đường ray dài 100m, rộng 4,1m; Đầu tàu dài 3,8m và toa tàu dài 11,5m, rộng 2,8m có thể chở 100 người, tốc độ 100 km/h đã được thi công xong, nghiệm thu và chạy thử tại nhà máy Đường Malt, khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh.
Từ tháng 2 đến tháng 6/2024, Hòa Bình Group đã mời các công ty tư vấn thiết kế, thẩm tra và tiến hành thiết kế, ký hợp đồng xây dựng thử nghiệm cao tốc cầu cạn 2 tầng bằng công nghệ cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện, TP Hải Phòng.
Đoạn cao tốc cầu cạn thử nghiệm này được xây dựng trên nền đất yếu khu vực cảng Lạch Huyện, có chiều dài tầng 1 khoảng 550m, tầng 2 khoảng 100m, bề rộng mặt cầu cạn 10,5m (đường cầu Vạn).
Thời gian xây dựng công trình thử nghiệm chỉ trong 2 tháng, sau khi hoàn thành, công trình thử nghiệm này đã tiến hành thử tải, kiểm định với kết quả đáp ứng yêu cầu thiết kế cầu hiện hành là TCVN 11823-1:2017; cọc bê tông ly tâm ứng lực theo TCVN 7888:2014; dầm bản ứng suất trước DIN QAA 4.0.
Ngoài xây dựng thử nghiệm cao tốc cầu cạn 2 tầng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu, thời gian qua Hòa Bình Group cũng tự bỏ tiền thuê tư vấn khảo sát chiều sâu ép cọc khi xây dựng cao tốc tại các vùng trên cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy chiều sâu ép cọc khi thực hiện giải pháp cầu cạn cao tốc tại một số khu vực như sau: Lạch Huyện, TP Hải Phòng 35m, khu vực Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội từ 20-22m, Ninh Bình từ 10-12m, tại Đồng bằng sông Cửu.
Theo thông tin mà đã được công bố, thì với giải pháp xây dựng cầu cạn cao tốc sẽ không mất thời gian chờ lún khi đắp nền cao tốc, tận dụng tối đa lợi thế cọc PRC đúc sẵn, tấm panel bản rỗng có sườn đúc sẵn để rút ngắn thời gian xây dựng. Đây là giải pháp thi công nhanh, thân thiện với môi trường và dự toán suất đầu tư khoảng 12 triệu đồng/m2 cao tốc.
Cái hay nữa của phương pháp làm này là sẽ không phải đền bù giải phóng mặt bằng diện tích đất 2 bên đường, diện tích sử dụng đất sẽ bằng đúng diện tích xây dựng, nên tiết kiệm được từ 200%-300% so với đường cao tốc đang thi công tại Việt Nam. Như vậy, nếu thời gian thi công đường sắt đô thị trên cao từ trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài thường phải mất tới 10 năm; thì thi công theo phương án đường sắt đô thị này, thời gian chỉ còn 12 tháng.
Theo đại diện Công ty TNHH Hòa Bình, đường mẫu được xây dựng theo phương pháp hiện đại nhất, tiết kiệm nhất. Trong đó, nền đường không đất kiểu tấm cọc được công ty này sử dụng trong dự án là một kết cấu xây nền đường rỗng cứng mới gồm có cọc và tấm. Vì vậy, so với nền đường truyền thống, loại nền đường kết cấu cọc có độ ứng cao và độ lún nhỏ hơn...
Mẫu đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+ ra đời đã nhận được sự đánh giá rất cao từ phóa các nhà khoa học và các cơ quan ban ngành có liên quan. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên của Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đồng thời là Viên trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), đã đánh giá cao tâm huyết của ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình trong việc tự nghiên cứu và sáng tạo ứng dụng công nghệ mới vào xây dựng đường giao thông. Bởi thực tế cách làm đường như hiện nay đang gây ra ô nhiễm rất lớn cho môi trường, thậm chí còn tàn phá thiên nhiên.
Theo TS Trần Bá Việt - Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiêm phó chủ tịch Hội bê tông Việt Nam, công nghệ xây dựng đường cao tốc trên cao sử dụng cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC đang được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia như Đức, Trung Quốc, Indonesia.
Trong bối cảnh cả nước khan hiếm cát, đất đắp nền cao tốc hiện nay, ông Việt cho rằng xây dựng cao tốc trên cao bằng phương pháp cầu bản trên cọc, kết hợp cùng giải pháp dầm U bên tông cường độ cao HPC, cường độ siêu cao UHPC cho các vị trí yêu cầu vượt nhịp lớn sẽ có hiệu quả vượt trội so với giải pháp truyền thống sử dụng đất, cát đắp nền khi xây dựng các tuyến cao tốc, đặc biệt tại các khu vực có nền đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong văn bản gửi tới Hòa Bình Group vào tháng 7/2024, Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá cao việc doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đề xuất sử dụng giải pháp cầu cạn cho các dự án xây dựng công trình giao thông.
Đề xuất của Hòa Bình Group là một giải pháp kỹ thuật đã được xây dựng thí điểm và thử nghiệm thực tế với quy mô nhỏ, đánh giá sơ bộ có nhiều ưu điểm như thi công nhanh, thân thiện với môi trường, Bộ Giao thông vận tải nhận định.
Bộ cũng đã giao Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Hòa Bình Group để làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp tập đoàn đề xuất.
Với những nghiên cứu mang tính đột phá này, Hòa Bình Group mong muốn mang những sản phẩm từ sức sáng tạo thông minh, trí tuệ của người Việt Nam góp phần phát triển hệ thống giao thông quốc gia trong thời gian tới.
Và ngày 18/12/2024, Công ty TNHH Hòa Bình đã đề xuất Thủ tướng cho làm cầu cạn cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long với suất đầu tư khoảng 12 triệu đồng/m² đường cao tốc.
Hy vọng Thủ tướng sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn xem xét kỹ lưỡng đề xuất của ông Đường. Và nếu được chấp thuận, chắc chắn sẽ mở ra một chương mới cho việc xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam.
https://petrotimes.vn/ong-duong-bia-va-du-an-lam-cau-can-cao-toc-722418.html