Ông Trần Đình Du nghệ danh sân cỏ là Du “cò”. Khi áp sát tiền đạo đối phương, cặp chân dài của ông xỉa vào bóng luôn nhanh hơn đội bạn một nhịp khiến những lần băng cắt của ông luôn hiệu quả.
Ông là thế hệ thứ 2 của đội bóng đá Công an Hà Nội (CAHN). Thế hệ đầu tiên của CAHN đa phần là các cầu thủ từng đá ở đội Cảnh binh Hà Nội và Hoàng Diệu thời Pháp còn tạm chiếm như các ông Nghẽn, Luyến, Thưởng, Tòng…
Khi đội CAHN bổ sung lực lượng, ông Trần Đình Du cùng với các ông Tô Hiền, Đoàn Sơn, Vũ Văn Hạc, Nguyễn Văn Thọ, Tô Giới Pháp, Nguyễn Văn Đài… được tuyển mộ và trở thành nòng cốt đội bóng Thủ đô vang bóng một thời.
Ông Trần Đình Du (ngồi giữa) và đội hình các cựu cầu thủ CAHN |
Năm 1960, Trường huấn luyện với đội bóng đá thực chất là Đội tuyển Quốc gia được thành lập, đội CAHN đã đóng góp nhiều tuyển thủ như các ông Lưu Đình Tòng, Phan Đức Âu và kế tiếp là các ông Tô Hiền, Trần Đình Du, Đoàn Sơn, Nguyễn Văn Hai (Hai “voi”), Từ Như Hiển…
Ông Trần Đình Du là cầu thủ “Vừa hồng vừa chuyên”, tham gia cấp ủy trong chi bộ Đảng của đội bóng CAHN. Trước mỗi trận derby của thành phố, khi Ban lãnh đạo hỏi trạng thái sẵn sàng của các cầu thủ, luôn là ông Du “cò” đứng bật dậy, xung phong vào đội hình xuất phát của trận đấu. Những ngày xa xưa ấy, các HLV hay có những “chiêu” khích quân như vậy.
Suốt những năm 60, ông Du “cò” và ông Hai “voi” là cặp trung vệ ăn ý của đội bóng CAHN.
Ông Du “cò” giải nghệ sớm theo yêu cầu của lãnh đạo để đi học nghề huấn luyện bóng đá tại nước bạn Hung-ga-ri. Về nước, ông tham gia Ban huấn luyện đội CAHN rồi đội Xây dựng Hà Nội. Chính ông là người đã góp ý với Sở TDTT Hà Nội cho làm những bảng báo hiệu thay cầu thủ theo cách ông thấy bên Hung-ga-ri.
Trên sân Hàng Đẫy những ngày đấy, người hâm mộ thấy ông Du “cò” bước ra cạnh sân giơ bảng báo hiệu thay người, ai cũng trầm trồ thích thú khi bóng đá Việt Nam đã có những thay đổi theo kịp với thế giới.
Ở đội CAHN và XDHN, những đàn em, học trò của ông Trần Đình Du chấp hành những cải cách lối đá theo hướng ông học ở châu Âu đã đành, nhưng đặc biệt là ai cũng thán phục ông về cách sống, về tính cách “Anh hai” ở người thuần Hà Nội như ông. Tận những năm cuối đời, ông vẫn giữ tính cách đấy khi tham gia sinh hoạt trong Hội cựu cầu thủ CAHN. Với ông, đã chơi là hết mình và mình lớn tuổi hơn thì phải chơi theo kiểu đàn anh, cho bọn trẻ nó phục.
Ông có tài lẻ là bắn súng. Đi học ở Hung-ga-ri, mọi người mang về vật dụng sinh hoạt để dễ “quy ra tiền”. Riêng ông mang súng hơi để rảnh rỗi là đi bắn chim, bắn vịt trời.
Hồi bao cấp, ông Lê Nghĩa (kiêm nhiệm phụ trách đội bóng) hưởng lương Phó giám đốc Sở Công an Hà Nội, nhưng kinh tế gia đình luôn bị thâm hụt vì bạn bè đông, hay đến xin vé bóng đá. Tiêu chuẩn vé mời có hạn mà người xin quá đông. Có người nghĩ chỉ một cái vé nên không tiện thanh toán tiền, khiến người được ông Lê Nghĩa cho vé thì khoan khoái, nhưng vợ con ông Lê Nghĩa lại tái tê vì quỹ lương của ông bị “bào mòn”.
Những ngày đấy tài bắn súng của ông Du “cò” là cứu cánh cho những buổi cải thiện bữa ăn gia đình nhà ông Lê Nghĩa. Có những lần ông Lê Nghĩa hẹn trước để mời bạn bè. Ông Lê Nghĩa đi mượn chiếc Xít-đờ-ca, cho người mang đến nhà ông Du “cò” ở Hàng Cháo để ông Du “cò” có xe đi bắn chim ở vùng xa Hà Nội. Đúng hẹn, ông Du “cò” mang về đầy cái thuyền Xít-đờ-ca vịt trời, le le, chim ngói và cả những con chim cuốc lọt vào tầm súng của ông.
Ông Du “cò” cùng với ông Thọ “gáo”, Tô Hiền, Đức “khựa” là những người sáng lập Hội cựu cầu thủ CAHN, trực thuộc CLB sĩ quan hưu trí CAHN ngày nay.
Ông Trần Đình Du sinh năm 1940, vừa tạ thế sáng 6/9/2020 tại nhà riêng, thọ 81 tuổi. Tang lễ cử hành tại Nhà tang lễ Thành phố 125 Phùng Hưng, từ 8h15 đến 9h15 ngày 9/9/2020.
Kỷ luật cảnh cáo trung uý công an mặc quần soóc, áo phông đi dẹp hàng rong |
Bí mật trong chiếc ô tô đỗ bên đường lúc rạng sáng |