Ông Bùi Quang Vinh hiến kế về sân bay Tân Sơn Nhất

Cần phải đồng thời tiến hành nâng cấp, mở rộng sân bay, nhưng cũng phải thay đổi chất lượng của quản lý điều hành không lưu.

Điểm cốt yếu

Trong cuộc trao đổi với chủ đề "Hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại, đổi mới thể chế" ngày 12/8, ông Bùi Quang Vinh - Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã chỉ ra một biện pháp ít tốn kém nhằm nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên gấp đôi, chỉ trong thời gian 6 tháng.

Theo ông Vinh, có hai việc cần đồng thời thực hiện để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất: Thứ nhất, là mở rộng, sửa chữa, cải tạo sân bay, nhà ga, đường giao thông; Thứ hai là quy trình vận hành quản lý sân bay.

Trao đổi cụ thể hơn với Đất Việt, ngày 14/8, ông Vinh cho biết: "Đó là ý tưởng của tôi, tôi nghĩ chỉ cần 6 tháng có thể chấn chỉnh, thay đổi nhiều cái trong quy trình vận hành, quản lý bay.

Tôi không phủ nhận chuyện đầu tư mở rộng, vì đây là việc làm cần thiết, phải làm đồng bộ, nhưng bên cạnh đó phải quan tâm đến khai thác công suất của sân bay, đây mới là điểm quan trọng, điểm cốt yếu.

Phải nâng cao năng lực quản lý bay

Nghĩa là không chỉ mở rộng thêm đường băng, mà phải làm thêm bãi đỗ, đường đi lối lại, vì hiện nay đường đi xung quanh sân bay vẫn chưa khoa học, nên các dòng xe cứ phải chờ đường này, chờ đường khác, thậm chí thiếu chỗ đỗ, gây ách tắc kéo dài.

Cho nên, cần phải đi vào nâng cấp, trang bị lại những hệ thống điện tử để làm nhanh hơn, vận hành không lưu tốt hơn.

Hiện tại, tần suất cất hạ cách tại sân bay này là 5-7 phút/chuyến. Nếu kéo giảm xuống còn 2 phút/chuyến như nhiều nước trong khu vực thì có thể đưa công suất sân bay lên 50 triệu lượt khách/năm (từ mức 25 triệu lượt khách/năm của hiện tại) mà không cần đầu tư nhiều.

Vừa rồi, bên chỗ điều hành sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang chấn chỉnh lại để giảm giờ bay chờ trên bầu trời, làm tăng công suất lên rất nhiều".

Theo ông Vinh, nếu tập trung cải tạo thì chỉ 6 tháng là có thể thay đổi toàn bộ bộ máy điều hành quản lý sân bay hiện nay.

Nên hướng tới nhập cảnh điện tử

Ở góc độ khác, chia sẻ với Đất Việt câu chuyện, khi ông Vinh đi đến Kenya (châu Phi), bản thân ông tự nhập cảnh bằng phần mềm điện tử. Chỉ bấm là ra, đưa hộ chiếu vào là được nhập cảnh.

Để thấy, chúng ta còn phát triển, điều hành sân bay kém, như sân bay Changi ở Singapore không quá rộng so với Tân Sơn Nhất nhưng lượng khách họ gấp đôi, gấp ba của chúng ta vì đó là năng lực quản lý.

"Thực tế, nhập cảnh điện tử là một ý tưởng không tồi, nếu chúng ta làm được thì không phải đợi chờ nhập cảnh, không khiến nhà ga bị ùn tắc. Ở các nước hiện nay có một dãy máy dài, ai đến thì làm, thực ra đây không phải phương pháp mới nhưng nếu làm được rất tốt.

Qua đây, để thấy rõ, có rất nhiều thứ phải chấn chỉnh để nâng cao năng suất, chứ không phải chỉ quan tâm mỗi việc mở rộng, nâng cấp, đây là việc đúng, nhưng giải pháp cải tạo, nâng cao năng suất, khai thác công suất sân bay rất quan trọng, phải thảo luận kỹ càng.

"Cùng một sân bay nếu mở rộng mà quản lý lạc hậu thì cũng không tăng công suất lên được, nhưng cũng vẫn sân bay đó nếu chấn chỉnh lại đi theo chiều sâu của khai thác, quản lý vận hành sẽ không cần đầu tư nhiều tiền mà vẫn nâng được công suất lên cao. Chúng ta cần phải làm và phải làm toàn bộ vấn đề", ông Vinh chỉ rõ thêm.

Mới đây, Thủ tướng chỉ đạo thuê Tư vấn chuyên ngành quốc tế nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc sử dụng đất cho ngành hàng không, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Cảng hàng không.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc và phía Nam, không bị giới hạn về Quy hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao công suất khai thác kết cấu hạ tầng, phù hợp với tốc độ phát triển GTVT hàng không.

Về phía, Sở GTVT TP cũng vừa trình UBND TPHCM 4 phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do nhóm chuyên gia tập trung nghiên cứu.

Theo đó, phương án thứ nhất là phản biện phương án mở rộng nhà ga về phía Nam do Bộ GTVT thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ trước đó.

Phương án thứ hai là phân tích phương án không mở rộng sân bay. Thay vào đó, nghiên cứu điều chỉnh giao thông trong Tân Sơn Nhất và nâng cao năng lực điều hành của bộ phận điều khiển không lưu (từ 5 phút xuống còn 2 phút mỗi lần cất/hạ cánh).

Phương án ba là mở rộng sân bay về phía Bắc (sân golf). Cụ thể, xây thêm nhà ga, bãi đỗ và đường lăn, tăng cường kết nối giao thông với sân bay phía Bắc. Phương án này sẽ nâng năng lực phục vụ của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm.

Phương án thứ 4 tương tự phương án ba và xây thêm đường băng thứ ba để nâng năng lực phục vụ của sân bay đạt từ 70-90 triệu hành khách mỗi năm.

/ Châu An/baodatviet.vn