- Kế hoạch viện trợ đạn pháo cho Ukaine gặp nhiều trục trặc
- EU cam kết chuyển 1 triệu quả đạn pháo sang Ukraine trong vòng 1 năm
Trả lời phỏng vấn CNN mới đây, Tổng thống Joe Biden thừa nhận các lực lượng Mỹ đang cạn kiệt đạn pháo.
Tổng thống Joe Biden cho rằng Mỹ cần cung cấp đạn chùm cho Kiev vì đạn pháo 155mm đang bị thiếu hụt. “Đây là cuộc chiến liên quan đến đạn dược, và họ đang cạn kiệt loại đạn dược đó, còn chúng ta thì sắp hết”, ông nói.
Ông Biden cho biết, việc gửi bom chùm cho Ukraine là "quyết định khó khăn". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nói vẫn phải hành động khi Kiev cần thêm đạn dược cho cuộc phản công.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
"Đó là một quyết định rất khó khăn đối với tôi, nhưng tôi cũng đã thảo luận với các đồng minh… Người Ukraine đang cạn kiệt đạn dược", ông Biden lý giải.
Bom chùm sẽ tương thích với lựu pháo 155mm mà Mỹ từng gửi Ukraine. Theo ông Biden, bom chùm sẽ đóng vai trò trong "giai đoạn chuyển tiếp", cho đến khi Mỹ có thể sản xuất thêm lựu pháo 155mm.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng cho hay, Washington sắp hết đạn pháo. Theo vị này, người Ukraine “đang sử dụng pháo binh với tốc độ rất nhanh, hàng nghìn viên đạn mỗi ngày. Đây thực sự là một cuộc đấu súng xuyên suốt - từ Donbass xuống tận Zaporizhzhia và Kherson. Và vì vậy họ cũng sắp hết đạn pháo", ông Kirby cho hay.
“Mỹ đang cố gắng tăng cường sản xuất loại đạn pháo mà Ukraine sử dụng nhiều nhất. Nhưng khả năng sản xuất hiện vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Vì vậy, chúng tôi sẽ gửi thêm những quả đạn pháo có chứa bom chùm bên trong để giúp thu hẹp khoảng cách trong khi đẩy mạnh sản xuất đạn pháo thông thường", ông Kirby cho biết thêm.
Quan chức Mỹ đưa ra bình luận về thiếu hụt đạn pháo trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần này tại Vilnius. Tại đây, các thành viên của liên minh quân sự phương Tây dự định thảo luận về xung đột Nga - Ukraine, cũng như việc cung cấp viện trợ cho Kiev.
Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, tới nay Washington vẫn cẩn trọng khi nói về việc gửi vũ khí tầm xa cho Kiev. Cũng như nhiều nước khác, Washington lo ngại Kiev sẽ tấn công vào lãnh thổ Nga. Nếu xảy ra, đây sẽ là kịch bản có thể kéo tất cả vào một cuộc chiến toàn diện.