- Cam go “cuộc chiến” trần nợ công ở nước Mỹ
- Lãnh đạo Mỹ chưa tìm được tiếng nói chung về việc nâng trần nợ công
Cắt giảm ngân sách là một trong những điều kiện tiên quyết nếu Tổng thống Mỹ Biden muốn Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thỏa hiệp về trần nợ công.
Theo New York Times, trọng tâm của thỏa thuận về trần nợ công sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua vào đầu tuần sau vẫn là việc đình chỉ trần nợ trong hai năm, đến 2025. Như vậy trần nợ sẽ không tăng, song Chính phủ Mỹ cũng sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền. Hiện trần nợ công của Mỹ là 31.400 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều trên chỉ đạt được nếu thỏa thuận được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 5/6 tới đây, còn không Bộ Tài chính Mỹ sẽ rơi vào cảnh hết tiền mặt.
Để đổi lấy việc đình chỉ trần nợ, các đảng viên Cộng hòa yêu cầu ông Biden phải nhượng bộ một loạt chính sách. Đứng đầu trong số đó là sẽ giới hạn một số chi tiêu của chính phủ liên bang trong hai năm tới. Ngoài ra ông Biden cũng phải siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp với tem lương thực và chương trình hỗ trợ tạm thời cho các gia đình nghèo khó.
Trọng tâm của thỏa thuận về trần nợ công sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua vào đầu tuần sau vẫn là việc đình chỉ trần nợ trong hai năm, đến 2025. (Ảnh: New York Times)
Đình chỉ trần nợ
Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, thỏa thuận đình chỉ trần nợ công của chính phủ Mỹ sẽ dừng ở mức 31.400 tỷ USD đến tháng 1/2025. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng việc đình chỉ trần nợ trong một khoảng thời gian khác với việc tăng trần nợ.
Về cơ bản thỏa thuận trên mang đến cho Bộ Tài chính Mỹ khả năng vay càng nhiều tiền càng tốt để chi tiêu trong hai năm tới. Thỏa thuận này khác dự luật được các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ thông qua trước đó vốn đã tăng giới hạn trần nợ thêm 1.500 tỷ USD hoặc đình chỉ trần nợ đến hết tháng 3/2024.
Theo dự luật mới, giới hạn trần nợ sẽ được thiết lập ở bất kỳ mức nào khi việc đình chỉ kết thúc. Vì các lý do chính trị, các đảng viên Cộng hòa có xu hướng thích hoãn giới hạn nợ hơn là tăng giới hạn nợ, bởi vì điều đó cho phép họ tuyên bố rằng về mặt kỹ thuật họ đã không “bật đèn xanh” cho tăng trần nợ công cao hơn.
Việc đình chỉ trần nợ sẽ mở đầu cho cuộc chiến tiếp theo về nợ công của Mỹ trong năm 2025 sau khi cuộc bầu cử tổng thống 2024 kết thúc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa bày tỏ sự lạc quan về triển vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua thỏa thuận về trần nợ công trong đầu tuần sau. (Ảnh: New York Times)
Giới hạn và cắt giảm chi tiêu
Dự luật của Hạ viện Mỹ cũng sẽ cắt giảm cái gọi là chi tiêu ngoài quốc phòng bao gồm an ninh nội địa, quản lý rừng, nghiên cứu khoa học… cho năm tài chính 2024, và cả năm 2025. Đây được xem là cách giúp chính phủ Mỹ cắt giảm một phần ngân sách trước tốc độ lạm phát hiện tại.
Tuy nhiên Nhà Trắng lại đưa ra các tuyên bố khác nhau về việc cắt giảm chi tiêu ngoài quốc phòng. Chỉ có duy nhất ngân sách quốc phòng năm 2024 (ước tính 888 tỷ USD) và năm 2025 (895 tỷ USD) là được liệt kê chi tiết.
Mặc dù các đảng viên Cộng hòa ban đầu kêu gọi giới hạn chi tiêu trong 10 năm nhưng dự luật này chỉ bao gồm đình chỉ trần nợ 2 năm cũng như các chi tiêu không bị ràng buộc bởi luật.
Nhà Trắng ước tính rằng thỏa thuận sẽ giúp Washington tiết kiệm 1.000 tỷ USD từ khoảng chi tiêu ngoài quốc phòng trong 10 năm tới.
Siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp
Một trong những biện pháp được ông Biden và ông McCarthy thống nhất để cắt giảm chi tiêu là siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp với tem lương thực.
Những người trưởng thành thu nhập thấp có khả năng lao động, không có người phụ thuộc (con nhỏ, người thân khuyết tật…) từ 49 đến 54 tuổi sẽ phải có việc làm để nhận tem lương thực.
Theo luật hiện hành, nhóm người trưởng thành từ 18-49 tuổi không có người phụ thuộc hoặc bị khuyết tật có thể nhận trợ cấp tối đa 3 tháng trong mỗi 3 năm, trừ khi họ đã có việc làm. Nhóm 18-49 tuổi này bao gồm cả đối tượng thu nhập thấp lẫn thất nghiệp.
Nhà Trắng cho rằng họ đã đạt điều mình muốn khi giành được quyền ngoại lệ cho cựu chiến binh và những nhóm dễ bị tổn thương như người vô gia cư. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cũng đạt điều mình muốn khi giảm được số người nhận trợ cấp chống đói nghèo, qua đó giảm chi tiêu công.
Cả ông Biden và ông McCarthy đều cố gắng thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua tất cả các dự luật chi tiêu và tránh chính phủ Mỹ bị đóng cửa. (Ảnh: New York Times)
Dừng đóng băng các khoản vay sinh viên và trợ cấp COVID-19
Dự luật của Hạ viện cũng buộc ông Biden chấm dứt việc đóng băng các khoản thanh toán vay sinh viên vào cuối tháng 8/2023 và hạn chế khả năng ông Biden có thể lật ngược quyết định này. Theo đó các đảng viên Cộng hòa không muốn ông Biden thực hiện chính sách xóa nợ cho các khoảng vay sinh viên từ 10.000 USD đến 20.000 USD
Sáng kiến trên được chính quyền Biden đưa ra vào năm ngoái hiện đang được Tòa án Tối cao Mỹ xem xét nhưng nó vẫn có thể bị bác bỏ.
Dự luật cũng thu lại khoảng 30 tỷ USD tiền chưa tiêu từ dự luật trợ cấp COVID-19 trước đây do ông Biden ký. Đây cũng là một trong những điều kiện đầu tiên của đảng Cộng hòa khi trao đổi thỏa thuận về trần nợ công với ông Bidden.
Thỏa thuận về trần nợ công cũng đặt ra các điều kiện cho hai năm chi tiêu tiếp theo của chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ phải bổ sung thêm các dự luật chi tiêu vào cuối năm nay. Tuy nhiên các dự luật này có thể sẽ mâu thuẫn lẫn nhau và điều này dễ dẫn tới việc chúng không được thông qua. Nếu kịch bản này diễn ra chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa.
Cả ông Biden và ông McCarthy đều cố gắng thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua tất cả các dự luật chi tiêu và tránh chính phủ Mỹ bị đóng cửa, bằng cách cắt giảm chi tiêu quan trọng đối với cả hai bên. Nếu các nhà lập pháp lưỡng viện không thông qua tất cả 12 dự luật chi tiêu thường xuyên vào cuối năm thì Washington buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa.
https://vtc.vn/ong-biden-lam-gi-de-cat-giam-chi-tieu-hang-tram-ty-usd-tranh-vo-no-ar786220.html