"Once Upon a Time In Hollywood": Cổ tích báo thù kiểu Quentin Tarantino

Quentin Tarantino vừa tái hiện vừa chỉnh sửa quá khứ theo cách ông muốn trong "Once Upon a Time in Hollywood". 

* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Once Upon a Time In Hollywood lấy bối cảnh Hollywood (Mỹ) năm 1969, xoay quanh Rick Dalton (Leonardo DiCaprio đóng) - diễn viên đang xuống dốc - và Cliff Booth (Brad Pit), người đóng thế cho Rick. Từng là nam chính hàng đầu, giờ đây Rick chỉ còn được nhận vai phản diện, loay hoay tìm cách vực dậy tên tuổi, còn cuộc sống của Cliff khó khăn hơn. Giữa lúc này, minh tinh Sharon Tate (Margot Robbie đóng) và chồng - đạo diễn Roman Polanski (Rafał Zawierucha) - đến sống gần nhà Rick.

Với tên phim có cụm "Once Upon a Time..." ("Ngày xửa ngày xưa...", thường dùng mở đầu truyện cổ tích), Quentin Tarantino không giấu ý đồ kể một tác phẩm hư cấu. Phim đan xen giữa sự kiện có thật và những tình tiết do đạo diễn nghĩ ra. Sharon Tate, Roman Polanski, các nhân vật phụ như Lý Tiểu Long, Steve McQueen, Jay Sebring là người thật, hoạt động ở Hollywood thời đó, còn hai vai chính là tưởng tượng.

Kịch bản - cũng do Quentin Tarantino viết - đi ngược phỏng đoán của khán giả. Do phim có Sharon Tate, nhiều người nghĩ trọng tâm tác phẩm là vụ án mạng năm 1969 của cô. Tuy nhiên, nội dung này chỉ được đan cài ngầm trong câu chuyện, bao phủ bởi rất nhiều tình tiết không liên quan. Quentin còn đưa hàng loạt manh mối để đánh lạc hướng người xem, từ quá khứ của Cliff, cảnh Tate gặp Charles Manson (kẻ chủ mưu giết cô ngoài đời) đến nhân vật George Spahn - người sống cùng băng Manson (những kẻ sát nhân ngoài đời).

Once Upon a Time In Hollywood được nhiều cây bút Âu Mỹ gọi là "lá thư tình" của Quentin Tarantino dành cho Hollywood. Một số nét đặc trưng của kinh đô điện ảnh được tái hiện như những bữa tiệc, văn hóa phim cao bồi, bãi chiếu phim ngoài trời, trang phục màu đất, váy mini, kính phi công thịnh hành thời này. Cả ba vai quan trọng Rick, Cliff và Sharon Tate đều yêu điện ảnh và được khắc họa theo hướng tích cực. Rick kiêu ngạo, mang cái tôi lớn nhưng nỗ lực trong nghề diễn, tự dằn vặt bản thân nếu không thể đóng tốt. Cliff vững chãi, kiệm lời, âm thầm đóng góp cho làng phim.

Còn Sharon Tate đại diện cho giấc mơ Mỹ, là một diễn viên trẻ đang lên mang đam mê thuần khiết với điện ảnh, phấn khích khi được xem tác phẩm mình đóng. Nhân vật này giống một công chúa trong truyện cổ tích, được Quentin Tarantino khắc họa với hạnh phúc tràn ngập tương phản bi kịch của cô ngoài đời.

Từ phải sang: đạo diễn Quentin Tarantino bên Leonardo DiCaprio và Brad Pitt (hai diễn viên chính của "Once Upon a Time in Hollywood"). Ảnh: GQ.

 

Once Upon a Time In Hollywood - cũng như nhiều phim khác của Quentin - không tuân theo cấu trúc ba hồi, thậm chí không ít mạch truyện trở thành "ngõ cụt" trong kịch bản (tức không tham gia vào hồi kết). Tuy nhiên, đạo diễn biết cách lôi cuốn người xem nhờ xây dựng kịch tính trong từng cảnh. Một ví dụ tiêu biểu cho phong cách này là màn đụng độ giữa Cliff và Lý Tiểu Long (Mike Moh đóng). Bằng một cú máy dài, động tác hình thể và phần thoại trào phúng của võ sĩ họ Lý, nhà làm phim nhanh chóng thiết lập thế đối đầu giữa anh và Cliff. Cuộc tỷ thí của họ sau đó lại bị ngắt đột ngột bằng một tình tiết gây cười.

Ở một cảnh khác, Quentin Tarantino tạo sự cuốn hút nhờ đảo ngược vị thế nhân vật. Khi vào trường quay, Rick bất ngờ gặp một sao nhí nữ (Julia Butters đóng) uyên thâm, trò chuyện như người từng trải. Nhân vật này nhanh chóng đẩy Rick vào thế hạ phong khi đối thoại. Cảnh gã diễn viên lớn tuổi, ăn vận ngầu đời lúng túng trước bé gái tạo ra không khí trào phúng. Diễn biến này cũng đẩy Rick vào xung đột nội tâm mạnh và tạo đà cho một cảnh tiếp theo. Thủ pháp đổi ngoặt thể loại cũng được sử dụng liên tiếp ở nhiều trường đoạn, có lúc từ kinh dị sang hài, từ lãng mạn sang kịch tính hoặc từ hài sang bạo lực đẫm máu - một "đặc sản" trong phim Quentin Tarantino.

Julia Butters sinh năm 2009, được Leonardo DiCaprio khen là "Meryl Streep mới" (theo Variety). Ảnh: Sony Pictures.

Dù nhiều chất hài dựa trên tình huống, Once Upon a Time In Hollywood không thiếu các thông điệp. Cuộc đối thoại giữa Rick và sao nữ bàn đến sự tận tụy, cầu tiến trong nghề diễn. Một đoạn ngay trước cao trào cuối phim "nhắc khéo" thông điệp về tác động của phim bạo lực. Nước Mỹ trong phim của Tarantino cũng đầy chia rẽ với phong trào hippie, số phận người nhập cư, sự lạc lối của thế hệ trẻ.

Tình tiết ở cuối phim là bước ngoặt lớn trong câu chuyện, đan xen giữa đời thực và hư ảo. Đến lúc này, tác phẩm hiện rõ là một truyện cổ tích để báo thù của Tarantino. Sự báo thù không phải giữa hai nhân vật - như nhiều phim trước của ông - mà là của đạo diễn hướng đến lịch sử. Hay có thể nói, Quentin đã dùng chính điện ảnh để báo thù cho một nỗi đau lớn nhất trong lịch sử điện ảnh.

Leonardo DiCaprio là lựa chọn thích hợp cho vai Rick Dalton. Tài tử 44 tuổi có vẻ đẹp của các ngôi sao cổ điển Hollywood, đồng thời đóng tròn trịa xung đột nội tâm của nhân vật. Ở cảnh Rick đọc sai thoại, mất mặt trước cả đoàn, Leo khéo thể hiện cảm xúc của người trong lòng bất an nhưng phải cố tỏ ra tự tin. Trong khi đó, Brad Pitt phô diễn vẻ nam tính, sự vững chãi trong vai Cliff. Còn Margot Robbie quyến rũ nhưng hơi ít đất diễn so với hai đồng nghiệp nam. Sao nhí Julia Butters cũng gây ấn tượng mạnh dù chỉ có hai cảnh quay cùng Leonardo DiCaprio.

Margot Robbie diện minidress trắng và áo len cổ lọ đen trong phim. Ảnh: Sony Pictures.

Thời trang hỗ trợ nhiều cho màn trình diễn của các ngôi sao. Nhân vật của Leonardo mặc áo len cổ lọ lẫn khoác da kiểu bụi bặm với màu nâu, cam đất, vàng mù tạt, đen. Đường nét trang phục có phần cứng nhắc giống tính cách dè dặt và bảo thủ của nhân vật. Khi từ châu Âu trở về, anh diện khăn quàng cổ, quần âu đỏ cam và để tóc sideburn lãng tử (nuôi dài tóc hai bên và vén gọn ra sau) - thể hiện đẳng cấp lẫn ảnh hưởng từ thời trang châu Âu.

Vai của Brad Pitt mặc đơn giản hơn với áo phông, sơ mi và quần jeans. Còn gu thời trang của Sharon Tate mang âm hưởng châu Âu - giống nhân vật thật - với đồ hiệu của các hãng Rudi Gernreich, Jean Muir, Betsey Johnson, Courrèges, Paraphernalia và Ossie Clark. Ở cảnh Tate đến bữa tiệc của ông chủ Playboy, ê-kíp cho cô diện bộ đồ da màu vàng gồm crop top và quần shorts dựa trên trang phục thật của nhân vật.

Once Upon a Time In Hollywood nhận tràng pháo tay sáu phút khi ra mắt ở LHP Cannes (Pháp) hồi tháng 5. Tác phẩm cũng được dự đoán có thành tích cao ở Oscar 2020. Trang GoldDerby xếp phim là ứng viên tiềm năng cho giải "Phim xuất sắc", bên cạnh The Irishman, Little Women1917.

Phim chiếu ở Việt Nam với tựa Chuyện ngày xưa ở... Hollywood và nhãn C18 (không dành cho người dưới 18 tuổi).

 

Ân Nguyễn - Nguyễn Thanh Vy

Spider-Man rời MCU - điềm lành hay điềm gở cho Hollywood?
Những nữ thần sắc đẹp đương đại Hollywood có vòng 1 hấp dẫn nhất
Ngỡ ngàng với màn “dậy thì” thành công của dàn mỹ nhân Hollywood
Những lý do không thể bỏ qua “Once upon a time in Hollywood“
Quentin Tarantino: "Lý Tiểu Long là người kiêu ngạo"
/ vnexpress.net