Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ ô tô lao xuống biển ở Quảng Ninh là do lỗi của tài xế, ngoài ra còn có lỗi của đơn vị giám sát và thi công tuyến đường bao biển.
Trưa 13/7, thông tin với PV VTC News, ông Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan Công an tỉnh đang vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân và xác định lỗi của cá nhân, tập thể trong vụ ô tô lao xuống biển ở Hạ Long khiến 4 người chết.
Hiện trường vụ ô tô con chở 5 người lao xuống biển, khiến 4 người thiệt mạng. |
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, nhìn tổng thể có thể xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do lỗi của lái xe Trần Tuấn Anh (SN 1983, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Từ hiện trường vụ việc cho thấy, về mặt Luật giao thông đường bộ, lái xe phải đi bên phải chiều đường. Tuy nhiên thời điểm tai nạn xảy ra, lái xe lao từ bên phải sang bên trái làn đường ngược chiều, trong khi đường này rộng hơn 30m.
Trong đêm xảy ra tai nạn trời có mưa dông lớn. Nếu đột xuất có cơn dông, về nguyên tắc lái xe phải dừng lại quan sát.
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của tài xế cho thấy người này có nồng độ cồn trong máu nhưng rất ít, như những trường hợp bình thường thì sẽ không ảnh hưởng lắm tới tay lái.
Khu vực công trường đang thi công nhưng không có rào chắn. |
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, hiện trường xảy ra vụ tai nạn giao thông nói trên là công trường đang thi công dở dang của Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả và phía ngoài mép vịnh Hạ Long là Dự án bãi tắm Hòn Gai (Hạ Long).
Về mặt quy định, đối với các dự án giao thông đang thi công, ở những vị trí mép đường nguy hiểm, sâu xuống từ 1,5m trở lên thì phải có cọc tiêu, biển cảnh báo. Ở đây cũng có cọc bằng nhựa, đế bằng bê tông nhưng rất thưa.
“Đứng ở góc độ đảm bảo an toàn theo quy định là anh không nghiêm chỉnh chấp hành. Đối với công tác Ban quản lý dự án và địa phương giám sát không tới nơi tới chốn. Lẽ ra mất trộm hay dân tháo mất cọc tiêu phải bổ sung ngay, lý do gì không biết, nhưng tại hiện trường anh không thực hiện đúng quy định về rào chắn, cọc tiêu để cảnh báo” - ông Tùng nêu quan điểm.
Ông Tùng cho biết thêm, ngày 3/7, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh từng có văn bản gửi UBND TP Hạ Long cũng như nhà thầu quản lý ở đó phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên khu vực này.
“Đơn vị thi công rõ ràng không nghiêm túc chấp hành quy định, các cơ quan giám sát khác không kiên quyết, nếu kiên quyết phải có biện pháp ngay lập tức” - ông Tùng nhấn mạnh.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn khiến 4 người chết, TP Hạ Long mới chỉ đạo dựng rào chắn. |
Theo ông Tùng, đoạn đường xảy ra vụ tai nạn đang có sự chồng lấn công tác quản lý giữa Ban quản lý các công trình giao thông của tỉnh Quảng Ninh (Chủ đầu tư Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long (Chủ đầu tư Dự án bãi tắm Hòn Gai).
Hai đơn vị quản lý này đang trong thời điểm bàn giao cho nhau quản lý ranh giới của 2 dự án nêu trên. Tuy nhiên, dù là ai thì đơn vị thi công và quản lý đã không chấp hành nghiêm luật.
“Ngay buổi chiều sau khi tai nạn xảy ra, chúng tôi ra làm việc và thống nhất với các lực lượng chức năng, giao UBND TP Hạ Long chỉ đạo dựng ngay rào chắn, nghiêm chỉnh thực hiện đúng các biện pháp đảm bảo an toàn trong khi thi công. Trong ngày nay, ngày mai sẽ xong.
Với cơ quan điều tra của tỉnh, hiện trường như thế thì họ sẽ điều tra xem lỗi của cá nhân, tập thể nào, tới đâu, trách nhiệm của lái xe theo luật tới đâu... Hiện, cơ quan công an đang làm” ông Tùng thông tin.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!
Ô tô con lao xuống biển ở Quảng Ninh: Thêm nạn nhân thứ 4 không qua khỏi
Được tích cực cứu chữa nhưng nạn nhân thứ 4 trong vụ ô tô con lao xuống biển ở Quảng Ninh đã không qua khỏi, ... |
Mưa giông hạn chế tầm nhìn, ôtô lao xuống biển khiến 4 người nguy kịch
Một xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi đã lao xuống biển khi di chuyển trên tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (Quảng Ninh), trong ... |