Sản phụ L.T.N.S ở Hà Nội có thai sau khi triệt sản tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội gây xôn xao dư luận vừa qua. Sau đó, phía bệnh viện giải thích chị S đã không được triệt sản để đảm bảo sức khoẻ. Những câu chuyện bi hài sau triệt sản không phải không xảy ra.
Hồ sơ bệnh án của chị L.T.N.S khi mổ lấy thai tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội nhưng không thể thực hiện triệt sản vì lý do sức khoẻ.
Triệt sản vẫn có… thai
Khi chưa được bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nói rõ nguyên nhân vì sao chị S vẫn dính bầu dù đã triệt sản hơn 1 năm, câu chuyện của chị S gây xôn xao dư luận. Bản thân chị S cho rằng: trước khi thực hiện mổ sinh con thứ 3 cách đây hơn 1 năm, chị đề xuất với khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội về việc được triệt sản. Vợ chồng chị đã ký vào bản cam kết triệt sản. Sau đó, bác sĩ thực hiện mổ lấy thai cho chị S cũng khẳng định đã triệt sản. Tuy nhiên, một bất ngờ đã xảy ra, cách đây 2 tháng, chị S bị chậm kinh. Vì đã được khẳng định triệt sản nên chị không nghĩ đến có thai mà cho rằng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Sau đó, chị thấy bụng to nhanh, biểu hiện buồn nôn và đi mua que thử. Kết quả chị có thai. Để chắc chắn, chị S đi siêu âm ở phòng khám tư. Kết quả xác định chị có thai 7 tuần 3 ngày.
Nhận thông tin có thai chị S khá hoang mang vì trước đó đã được triệt sản sao giờ lại có thai? Khúc mắc của chị S đã được bác sĩ Nguyễn Dư Dậu, Phó Khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) giải thích: Khi mổ lấy thai cho sản phụ do vết mổ dính tử cung nên bác sĩ đã không triệt sản. Bệnh nhân đã nhiều lần sinh và mổ đẻ nên bác sĩ quyết định không triệt sản. Quyết định này đảm bảo tính mạng, sức khoẻ cho người bệnh. Việc triệt sản, bác sĩ không ghi trong hồ sơ bệnh án. Trong giấy tờ ra viện, đúng là Bệnh viện đã không ghi triệt sản cho bệnh nhân hay chưa.
Trên thực tế, đã ghi nhận trường hợp có thai sau khi triệt sản. Câu chuyện xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Ninh Hoà (Khánh Hoà) cách đây vài năm cũng tốn không ít giấy mực. Trước đó, chị T.T.N.N đã triệt sản sau khi sinh con thứ 4 nhưng chỉ một năm sau chị lại phát hiện có thai. “Tá hỏa” trước cái thai sau triệt sản, chị N kéo theo 4 đứa con lên Bệnh viện “hỏi cho rõ và bắt đền”. Tại tờ trình của Trung tâm y tế Khánh Hòa khẳng định, chị N đã được Bệnh viện đa khoa Ninh Hòa phẫu thuật lấy thai kết hợp triệt sản theo phương pháp pomeroy. Tờ trình này cũng nêu, nhận được phản ánh về tình trạng mang thai sau triệt sản của chị N, bệnh viện đã giải thích nhiều lần cho chị về tỷ lệ thất bại sau phẫu thuật triệt sản nữ và đưa ra giải pháp điều hòa kinh nguyệt cho chị. Vì nếu giữ thai lại sẽ không an toàn khi sinh, do chị mới sinh mổ. Sự việc cũng tốn khá nhiều thời gian và giấy mực mới giải quyết được.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Trưởng khoa Sản (Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) nhiều năm công tác trong ngành sản khoa cho biết, tỷ lệ đã triệt sản nhưng vẫn có thai là có, nhưng rất thấp. Trong quá trình công tác, bác sĩ đã từng tiếp nhận ca có thai sau triệt sản. Đó là do trong lúc thắt ống dẫn trứng có sơ suất, thắt không chặt.
Thực tế, phương pháp triệt sản nữ rất ít được lựa chọn mà thường chỉ áp dụng trong mổ đẻ với trường hợp có bệnh lý hoặc đã mổ đẻ nhiều lần. Triệt sản với nữ được thực hiện bằng cách thắt hoặc cắt vòi trứng để không thể thụ tinh bình thường được nữa. Phương pháp này ít được lựa chọn vì phải qua một cuộc mổ trong khi hiện có nhiều phương pháp tránh thai khác an toàn, dễ áp dụng lại ít tác dụng phụ.
Triệt sản là một biện pháp tránh thai thực hiện theo yêu cầu của bệnh nhân, thường kết hợp khi mổ đẻ hoặc trong trường hợp bệnh nhân có bệnh lý cần can thiệp. Tuy nhiên không phải phụ nữ nào cũng có thể thực hiện phương pháp triệt sản. Trong quá trình mổ đẻ, nếu có vấn đề bất thường bác sĩ sẽ cân nhắc về việc có hay không thực hiện triệt sản cho bệnh nhân
“Trong phẫu thuật triệt sản, cho phép 1 tỷ lệ thất bại nhất định. Vì thế, trường hợp này nằm trong tỷ lệ cho phép. Không phương pháp ngừa thai nào có thể an toàn tuyệt đối 100% được, kể cả triệt sản. Tỷ lệ phụ nữ có thai sau khi triệt sản từ 0- 2,8%. Nguyên nhân có thể do kỹ thuật của bác sĩ (khi cột ống dẫn trứng siết không chặt; hoặc có thể cột nhầm phải dây chằng tròn nằm phía sau ống dẫn trứng); cơ địa người phụ nữ (sau một thời gian đã được cột - cắt ống dẫn trứng, chúng có thể nối lại)…” bác sĩ Dung phân tích.
Sợ thành thái giám nếu triệt sản
Chuyện triệt sản cũng xảy ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Bác sĩ Lê Thị Kim Dung kể: vợ chồng chị L.X.H ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rất dễ đậu thai. Chị H đã sinh mổ hai lần, được bác sĩ tư vấn nên triệt sản. Tìm hiểu thông tin, biết thủ thuật thắt ống dẫn tinh cho nam đơn giản hơn nhiều thắt ống dẫn trứng ở nữ, chị H kể với ông xã và bảo anh thực hiện. Chồng chị vừa nghe vợ nói đã chối đây đẩy.
Chưa hết, anh còn dẫn chứng chuyện một ông chú ở quê là cán bộ xã đi thắt ống dẫn tinh. "Giờ cả họ ai cũng chửi ông ấy, người nói trước mặt, kẻ nói sau lưng. Làm người đàn ông nguyên lành không muốn, lại đi thắt với cắt, giờ như đàn bà, từ tính tình đến nói năng, còn khoản ấy thì chắc chắn là hỏng hẳn rồi", anh chồng hùng hổ nói.
Khi nghe vợ hỏi "thế anh nghĩ triệt sản là thế nào mà lại bảo thế", anh xã chị H giảng giải: "Thì người ta đem cắt bỏ "hai hòn bi" thế nên đàn ông không còn là đàn ông, không có khả năng làm "chuyện ấy" và không thể có con nữa".
"Nghe anh xã nói mà mình vừa buồn cười vừa bực. Sau mình giải thích cũng nghe ra nhưng vẫn nhất mực không chịu đi triệt sản vì vẫn lo "không còn là đàn ông", chị H kể.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nam giới lo lắng không muốn đi triệt sản chính là sợ bị giảm sút “sức mạnh” đàn ông. Nhiều người chồng lo sợ khả năng tình dục của mình sẽ bị suy giảm sau khi đã triệt sản. So với triệt sản nữ, triệt sản nam là thủ thuật đơn giản hơn nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, Hà Nội khẳng định: thắt ống dẫn tinh dễ thực hiện, an toàn, lại không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, một thực tế nhiều nam giới chưa hiểu hết triệt sản thắt ống dẫn tinh nên hiểu sai rằng việc này khiến họ mất, giảm khả năng tình dục, hoặc "ngơ ngẩn như gà trống thiến”.
Bác sĩ Hưng cho biết thêm, thực chất, thắt ống dẫn tinh là chặn đường đi của tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh. Khi sinh hoạt vợ chồng, tinh dịch vẫn xuất bình thường nhưng không có tinh trùng nên người vợ không thể thụ thai được. Số tinh trùng không di chuyển, đọng lại trong ống sinh tinh, mào tinh và một phần dưới ống dẫn tinh, sau đó tự tiêu đi. Cả triệt sản nam và triệt nữ đều không làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người thực hiện. Vì thế những người triệt sản không hề bị giảm ham muốn hay bị "ái" như nhiều người lầm tưởng.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trước khi thực hiện biện pháp tránh thai bằng triệt sản, các cặp vợ chồng cần phải cân nhắc thật kỹ vì các phẫu thuật nối lại vừa phức tạp, tốn kém mà khả năng thành công lại ít. Hơn nữa, hiện nay có khá nhiều các biện pháp tránh thai khác hiệu quả, đơn giản có thể lựa chọn. Vì thế, chỉ khi chắc chắn không muốn có con nữa, hoặc không phù hợp với các biện pháp tránh thai khác, sức khỏe bị đe dọa nếu có thai... thì mới nên triệt sản.
Vụ bệnh nhân mang thai sau triệt sản: Bác sĩ nói là do bệnh nhân không nhớ Liên quan việc bệnh nhân L.T.S ( ngụ tại Hà Nội) phản ánh về việc sau khi mổ triệt sản nhưng vẫn mang thai, chiều ... |
Vụ triệt sản vẫn có bầu: Bác sĩ thách thức "mổ bụng ra kiểm tra" Câu chuyện bệnh nhân triệt sản vẫn có bầu đang được chia sẻ ầm ĩ trên mạng xã hội. Người nhà bệnh nhân bức xúc ... |