“Đất nước chúng ta sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới. Trong mọi trường hợp, tôi sẽ làm tất cả để đạt được những điều tốt đẹp nhất”. Đây là tuyên bố được ông Olaf Scholz đưa ra tại buổi lễ nhậm chức Thủ tướng Đức hôm 8/12 (giờ địa phương). Tân Thủ tướng Scholz nhấn mạnh nỗ lực, sự đoàn kết và đóng góp của mỗi người dân sẽ giúp nước Đức bước vào kỷ nguyên mới.
Quốc hội Đức (Bundestag) mới đây đã bầu ông Olaf Scholz vào vị trí Thủ tướng thứ 9 với tỉ lệ bỏ phiếu 395 - 303, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) sau nhiệm kỳ 16 năm của bà Angela Merkel. Liên minh ba đảng của ông Scholz gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) nắm giữ 416 trong số 736 ghế tại Bundestag.
Theo tờ DW, ông Scholz sẽ tiếp quản nước Đức với hy vọng thúc đẩy hiện đại hóa quốc gia và chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhậm chức trong bối cảnh sức nóng đang gia tăng trên nhiều mặt trận, chính phủ của ông Scholz sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức lớn mà trước mắt là xử lý giai đoạn khó khăn nhất của đất nước do đại dịch COVID-19 gây ra.
Hiện tại, Đức đang hứng chịu làn sóng COVID-19 thứ 4, nghiêm trọng hơn so với các đợt bùng phát trước đó. Tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt và các bệnh viện đang đứng trước nguy cơ quá tải. Trước thực tế là tỷ lệ tiêm chủng của Đức thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Đan Mạch và Bỉ, tân Thủ tướng đã kêu gọi và bày tỏ quan điểm ủng hộ tiêm chủng bắt buộc cho tất cả mọi người.
Được biết, ông Scholz đã chuẩn bị cho đợt huy động nhân lực ngành y tế lớn nhất cũng như phân phôi các trang thiết bị cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân trong bối cảnh họ vốn phải chờ đợi quá lâu tại các trung tâm tiêm chủng hay thiếu hụt vaccine.
Đại dịch COVID-19 cũng đã khiến tỷ lệ lạm phát của Đức chạm mốc 6% vào tháng 11 vừa qua, mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng với giá cả nhiên liệu tăng cao được cho là “bài toán khó” tiếp theo mà chính phủ mới phải đối mặt. Về vấn đề này, một nguồn thạo tin tiết lộ với Euronews rằng, Thủ tướng Scholz coi năng lượng là lĩnh vực then chốt, phục vụ tích cực cho việc phát triển kinh tế.
Do đó, ông Scholz sẽ gia tăng việc sản xuất năng lượng tái tạo và loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 – sớm hơn 8 năm so với kế hoạch ban đầu, đồng thời loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Đức sẽ tăng tốc việc lắp đặt hàng nghìn tuabin gió và tấm pin mặt trời, mở rộng mạng lưới điện xanh.
Ông Lars Haider, Tổng biên tập tờ Hamburger Abendblatt nhận định, ông Scholz được cho là rất giống bà Merkel nhưng điều này không có nghĩa là ông sẽ điều hành nước Đức với những chính sách tương tự người tiền nhiệm.
“Bà Merkel là một chính trị gia mềm dẻo, phản ứng dựa theo tình hình chính trị và tâm trạng của công chúng. Nhưng ông Scholz quyết đoán hơn nhiều. Ông ấy có những mục tiêu rõ ràng và sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí để đạt được mục tiêu đó”, ông Lars Haider nêu rõ.
Trong chiến dịch tranh cử trước đó, vấn đề đối ngoại dường như không được ông Scholz đề cập thường xuyên. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi nhậm chức tân Thủ tướng lên tiếng khẳng định, việc củng cố sức ảnh hưởng của EU trên phạm vi toàn cầu và bảo đảm Đức là một phần của quá trình đó là ưu tiên hàng đầu.
Thủ tướng 63 tuổi đang có chuyến công du đầu tiên tới thủ đô Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) nhằm duy trì truyền thống của những người tiền nhiệm, dù ba nước vẫn có những khác biệt trong chính sách quốc phòng.
Theo ông Scholz, vấn đề chủ quyền chiến lược của châu Âu không phải là ưu tiên về quân sự mà thiên về mặt kinh tế và công nghệ, khả năng tối đa hóa thông qua hợp tác và đó chính là “sức mạnh mềm” đã giúp châu Âu lớn mạnh. Ưu tiên chính sách đối ngoại thứ hai của chính phủ mới là tăng cường quan hệ và hợp tác xuyên Đại Tây Dương, không chỉ duy nhất thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà còn là sự kết nối giữa sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway Initiative) của EU với chương trình Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (3BW) của Mỹ.
Ngoài ra, Berlin sẽ tiếp tục cùng các đối tác đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, vấn đề Ukraine, Afghanistan, viện trợ nhân đạo, đồng thời nhấn mạnh việc tôn trọng các quy tắc quốc tế về Luật Biển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và muốn mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác trong khu vực. Giới chuyên gia nhận định, với sự quyết đoán và khả năng hoà giải bất đồng thiên phú, ông Scholz sẽ “chèo lái” nước Đức vượt qua những thách thức lớn và củng cố sự thống nhất của châu Âu.
Trong một diễn biến có liên quan, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã chúc mừng và bày tỏ mong muốn hợp tác sau khi ông Olaf Scholz đắc cử Thủ tướng Đức thay bà Angela Merkel. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức đăng bài viết trên mạng xã hội Twitter tuyên bố hai nước sẽ cùng nhau viết nên chương mới cho lịch sử Pháp, Đức và của châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chúc mừng và bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ xây dựng với lãnh đạo mới của Đức, tiếp tục mối quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnhchúc mừng ông Scholz, nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với tân Thủ tướng để thúc đẩy mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Bà Merkel làm gì sau khi nghỉ hưu?
Bà Angela Merkel lên vài kế hoạch nhỏ cho mình sau khi từ chức Thủ tướng Đức. |
Đức có Thủ tướng mới kế nhiệm bà Angela Merkel
Ông Olaf Scholz ngày 8/12 được bầu làm Thủ tướng mới của Đức, chấm dứt bốn nhiệm kỳ của bà Angela Merkel ở vị trí ... |
Cuộc bầu cử định hình tương lai nước Đức
Sáng 26/9 (giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu tại 299 khu vực bầu cử trên toàn nước Đức đã đồng loạt mở cửa đón ... |