Nước Anh đối diện cơn đại địa chấn chính trị

Có lẽ chưa khi nào Thủ tướng Anh Boris Johnson trải qua cú sốc chính trị lớn đến thế, khi hơn 50 quan chức chính phủ đệ đơn từ chức chỉ trong 24 giờ qua. Động thái tuyên bố từ chức của người đứng đầu Chính phủ Anh sẽ đặt ra nhiều kịch bản mới cho tương lai chính trị của xứ sở sương mù.

Ngày 7/7, nội các của Thủ tướng Anh Boris Johnson đối diện tình trạng bế tắc chưa từng có: trên 50 đơn từ chức được đệ trình, nhiều nghị sĩ Đảng Bảo thủ công khai quay lưng với Thủ tướng, một số bộ trưởng thậm chí đã đến văn phòng Thủ tướng để khuyên ông Johnson “rời đi”, Reuters trích dẫn nguồn tin cho biết.

qt.jpg -0

Áp lực quá lớn từ nội các khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ra đi. Ảnh: Reuters.

Những động thái quay lưng đầu tiên diễn ra vào tối 5/7, khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tuyên bố từ chức với lý do không thể chấp nhận những bê bối trong chính phủ trong nhiều tháng qua. Sau thông báo này, hàng loạt quan chức trong nội các của ông Johnson cũng lần lượt tuyên bố từ chức, hầu hết đều là đồng minh thân cận của ông Johnson. Nhiều nghị sĩ từng ủng hộ Thủ tướng Johnson trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cách đây một tháng cũng lên tiếng cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để nhà lãnh đạo Anh ra đi.

Các động thái này liên quan đến những lùm xùm mà Thủ tướng Anh gặp phải trong những tháng vừa qua, bao gồm “Partygate” – bê bối tổ chức tiệc đông người tại văn phòng làm việc ngay giữa thời điểm phong tỏa để chống dịch COVID-19. Dù Thủ tướng Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ liên quan đến bê bối "Partygate", song tỷ lệ nghị sỹ bỏ phiếu chống lại ông cũng lên tới hơn 40%.

Bên cạnh đó, đảng Bảo thủ cũng để mất hai ghế Hạ nghị sỹ trong cuộc bầu cử bổ sung hồi tháng trước. Mới đây nhất, Thủ tướng Johnson đã phải lên truyền hình xin lỗi về việc bổ nhiệm một nghị sỹ làm quan chức phụ trách kỷ luật của đảng dù đã được thông báo về việc ông này đang vướng vào vụ bê bối quấy rối tình dục. Việc này được coi như “giọt nước tràn ly” khiến một loạt quan chức cấp cao trong Chính phủ Anh tuyên bố từ chức với lý do "mất niềm tin" vào chính phủ đương nhiệm. Reuters gọi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của ông Johnson.

Áp lực quá lớn từ chính nội các khiến Thủ tướng Johnson không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải ra đi. The Guardian ngày 7/7 dẫn nguồn tin quan chức văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, ông Boris Johnson đã nói chuyện với ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, và đồng ý sẽ rời vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền. Trước đó, phóng viên chính trị của BBC Chris Mason đưa tin: "Ông Boris Johnson sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ hôm nay. Ông sẽ tiếp tục đảm nhận vị trí Thủ tướng cho đến mùa thu".

Trước đó hôm 6/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bác lời kêu gọi của Công đảng đối lập kêu gọi tổng tuyển cử sớm. Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội, Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ tiếp tục điều hành đất nước. Ông Johnson lưu ý rằng nền kinh tế Anh đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn trong khi châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo ông, đây là thời điểm chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, tập trung vào những vấn đề quan trọng với người dân, thay vì rời bỏ chức trách. Mặc dù vậy, theo Sputnik, việc duy trì quyền lực của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày càng trở nên khó khăn.

Chuyên gia phân tích chính trị Steven Woolfe, cựu nghị sỹ vùng Tây Bắc Anh trong Nghị viện châu Âu (EP) bình luận: “Không nghi ngờ gì, ông ấy sẽ ngày càng khó ngăn chặn đà mất tín nhiệm trong nội các Anh và trong đảng”. Giới quan sát cho rằng, cách quản lý có phần khác biệt cùng một loạt bê bối nối tiếp nhau đã làm kiệt quệ thiện chí của nhiều nhà lập pháp ủng hộ ông trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông không còn được công chúng yêu thích nữa. Trước làn sóng quay lưng ngày càng dữ dội, ông Johnson chỉ có thể ra đi.

Đã có một số lựa chọn được đưa ra để thay thế ông Johnson nếu như ông rời Số 10 phố Downing. Ngoại trưởng Anh Liz Truss là cái tên được quan tâm đầu tiên. Đây là nhân vật được yêu thích tại đảng Bảo thủ và thường xuyên đứng đầu các cuộc thăm dò ý kiến đảng viên do trang web Conservative Home thực hiện. Nữ Ngoại trưởng "xứ sở sương mù" xuất hiện với hình ảnh được chăm chút cẩn thận và được nhiều người liên tưởng đến nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh Margaret Thatcher. Bên cạnh đó, người từng bị ông Johnson đánh bại trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ vào năm 2019, cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt cũng được coi là ứng viên tiềm năng.

Theo nhiều người nhận xét, nếu cầm quyền, ông Hunt sẽ mang phong cách lãnh đạo nghiêm túc hơn và ít gây tranh cãi hơn sau những xáo trộn trong nhiệm kỳ của ông Johnson. Cũng có những phán đoán cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace sẽ là ứng cử viên sáng giá, bởi ông đang trở thành một nhân vật khá nổi tiếng đối với các nghị sĩ đảng Bảo thủ nhờ đóng góp trong việc xử lý khủng hoảng Ukraine. Chính trường Anh sẽ một lần nữa đối diện sự xáo trộn lớn, trong bối cảnh quốc gia này cũng đang phải nỗ lực phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nuoc-anh-doi-dien-con-dai-dia-chan-chinh-tri-i659655/

An Nhiên / Công an nhân dân