Dư luận chỉ muốn biết, thế lực nào đứng sau mà nâng đỡ được hotgirl gội đầu lên thành trưởng phòng của Tỉnh ủy Đắk Lắk như vậy.
Việc bà Trần Thị Ngọc Thảo, người chưa học cấp 3, mượn bằng tốt nghiệp THPT của chị gái rồi lấy luôn tên của chị là Trần Thị Ngọc Ái Sa để khai vào hồ sơ xin việc, sau đó được “phù phép”, thăng tiến một mạch, qua nhiều lần tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, leo tới chức Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk từ năm 2016 khiến dư luận thật sự kinh ngạc.
Chuyện những nhân viên, cán bộ được ưu ái, cấp trên nâng đỡ, tạo mọi điều kiện để phát triển một cách “thần tốc”, đôi khi vượt lên trên cả các quy định, tiêu chí là điều không hiếm gặp.
Nhưng sự việc “em mượn tên chị”, rồi mượn luôn cả bằng cấp của chị để tiến thân, sau đó vượt qua muôn vàn khâu thẩm định, rà soát hồ sơ, lý lịch, nhân thân… để lên làm cán bộ cấp trưởng một phòng quan trọng của tỉnh ủy, là điều người ta thật khó lòng hiểu nổi và không thể chấp nhận.
Nữ trưởng phòng Tỉnh ủy mượn bằng tốt nghiệp PTTH và nơi bà từng làm việc. |
Đây không chỉ còn là sự nâng đỡ, ưu ái của một cá nhân hay một nhóm người nào đó với một trường hợp cụ thể nữa, mà còn thể hiện cách làm việc vô trách nhiệm, thiếu cẩn trọng của cả một cơ quan, tổ chức, trong suốt thời gian dài. Thậm chí, có vẻ như cả hệ thống tổ chức ở địa phương này đã bị một cá nhân quyền lực nào đó vô hiệu hóa để phục vụ mục đích cá nhân.
Có một số ý kiến bênh vực nữ cán bộ kia và cho rằng, để lên được đến chức đó chứng tỏ bà Thảo cũng phải là người có năng lực, làm được việc, vì thế không nên quá cứng nhắc việc yêu cầu bằng cấp, bởi trình độ thực tế quan trọng hơn những tấm bằng.
Những ý kiến đó cũng có lý. Song, nó chưa phản ánh được hết bản chất của vấn đề. Chúng ta phải hiểu rằng, chưa cần nói về năng lực, trình độ, tác phong công tác, chỉ riêng việc gian trá trong sử dụng tên, năm sinh, bằng cấp để lừa dối tổ chức đã là một điều không được phép đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Nhất là cán bộ đó lại công tác trong một cơ quan của Tỉnh ủy, nơi được cho là “uy quyền” bậc nhất của địa phương.
Không hiểu nổi, khi làm thủ tục tuyển dụng cán bộ đầu vào, các cơ quan, đơn vị từ cơ sở đến cấp cao hơn làm những công việc gì, sử dụng những nghiệp vụ gì, gặp gỡ, xác minh những ai mà lại không phát hiện ra một sự thật rõ ràng ấy?
Và sau đó, suốt từ năm 2005 đến nay, qua rất nhiều lần bổ nhiệm, cơ quan cán bộ, bảo vệ an ninh nội bộ… cùng rất nhiều các cơ quan chức năng khác của Đảng bị ai che mắt, bịt tai mà không phát hiện ra sự thật kia? Để đến khi có đơn tố cáo, có thể là do “mâu thuẫn nội bộ”, sự thật mới được phơi bày?
Vấn đề là ở đây, rất có thể, họ đã bị vô hiệu hóa bởi một thế lực nào đó. Thế lực ấy có thể đã dùng vị trí, quyền năng của mình báo cáo sai với cấp trên, ngọt nhạt hứa hẹn, đe nẹt cấp dưới để hướng sự việc đi theo mục đích cá nhân. Nếu không có lá đơn kia, chắc chắn sự thật sẽ khó bị vạch trần, và nữ cán bộ gian dối kia sẽ ung dung bước tiếp trên con đường công danh mà người khác đã tạo cho.
Điều dư luận mong muốn bây giờ là cơ quan cấp cao hơn phải điều tra, xác minh xem người trực tiếp “thiết kế” con đường tiến thân cho nữ cán bộ xinh đẹp mà gian dối kia là ai, từ đó có hình thức xử lý, kỷ luật thật nghiêm minh.
Cần phải rà soát lại toàn bộ quá trình rà soát, thẩm định, quy hoạch... của tổ chức Đảng ở các cấp, xem lỗ hổng ở đâu, bản chất của sự việc là gì, từ đó mới có cách chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả.
Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, hiệu quả để siết chặt kỷ luật, nâng cao chất lượng của tổ chức Đảng và đảng viên. Chính vì vậy, từ vụ việc xảy ra ở tỉnh ủy Đắk Lắk, mong rằng các cơ quan chức năng cấp trên giám sát chặt chẽ quá trình điều tra, xử lý vụ việc, không để xảy ra tình trạng “biến tội to thành tội nhỏ, tội nhỏ có thể bỏ qua”.
Như vậy mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe cho các địa phương, cơ sở khác, đồng thời, giữ vững được niềm tin với Đảng của đông đảo quần chúng nhân dân.