Hoàn thành chương trình ở Đại học Ngoại ngữ chỉ trong ba năm, Hồng Vân tốt nghiệp cùng anh chị khóa trước với số điểm 3.78/4.0.
Phạm Thị Hồng Vân vừa tốt nghiệp loại xuất sắc, trở thành tân thủ khoa đầu ra ngành Ngôn ngữ Pháp của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Học vượt một năm và kết thúc với số điểm 3.78/4.0, Vân trở thành một trong năm sinh viên được nhận bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cô gái sinh năm 1997 còn đạt nhiều giải thưởng lớn như Sao tháng giêng, Sinh viên 5 tốt cấp trung ương, giải thưởng Kova lần thứ 15 ở hạng mục triển vọng, được vinh danh là một trong 10 gương mặt Phụ nữ tiêu biểu thủ đô năm 2017.
"Em không còn gì nuối tiếc trong quãng đường đại học. Tấm bằng cử nhân em vừa nhận được là thành tựu quan trọng trong cuộc đời. Thời gian qua, em đã được chạy trên một đường ray lắp sẵn. Bây giờ, em cần tự đi trên đôi chân của chính mình”, Vân nói và tỏ ra hạnh phúc khi cầm tấm bằng đỏ.
Phạm Thị Hồng Vân là thủ khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp của Đại học Ngoại ngữ. Ảnh: Dương Tâm
Sinh ra trong gia đình không có ai theo học tiếng Pháp, với tầm nhìn của mẹ, Hồng Vân được học ngôn ngữ này từ hồi lớp 1. Lựa chọn do gia đình quyết định nhưng dần dần Vân bị thu hút và trở nên yêu mến tiếng Pháp, văn hóa của quốc gia châu Âu này.
Đến cấp 3, Vân giành giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp. Dù được tuyển thẳng, em quyết định thi vào Đại học Ngoại ngữ như đa số bạn khác bởi muốn khám phá đề thi đánh giá năng lực lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, đồng thời vẫn xét tuyển đại học theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Kết quả, em trúng tuyển Đại học Ngoại ngữ và Đại học Ngoại thương với số điểm cao. Tuy nhiên, lựa chọn duy nhất của Vân là ngành Ngôn ngữ Pháp của Đại học Ngoại ngữ bởi "tình yêu quá lớn" với ngôi trường và ngành học này.
Với đặc thù của trường Ngoại ngữ là hai năm đầu chỉ học tiếng, Vân đã quyết định tập trung học tiếng ngay từ đầu và nhanh chóng lấy được chứng chỉ tiếng Pháp C1 quốc tế để được học vượt một năm. Giỏi tiếng, em học các môn khác khá nhẹ nhàng bởi chỉ cần hiểu chứ không phải học thuộc lòng.
"Học chủ yếu trên lớp là phương pháp của em, nghe thì giáo điều nhưng rất hiệu quả. Nhờ chú ý nghe giảng, khi về nhà, dù có bài tập lớn, bài thuyết trình hay kiểm tra, em cũng không cần ôn nhiều nữa vì khi đã hiểu rồi, chỉ cần diễn đạt ra thôi", Vân chia sẻ.
Nhờ cách học đó, Vân có nhiều thời gian tham gia các hoạt động Đoàn hội. Em là Chủ tịch Hội sinh viên của trường, được tham gia rất nhiều chương trình ngoại khóa.
Thầy Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ, vừa mừng cho kết quả học tập của Hồng Vân, vừa tiếc nuối khi em tốt nghiệp quá sớm bởi Đoàn trường sẽ vắng đi một sinh viên luôn hoạt động năng nổ và có trách nhiệm.
"Vân có đóng góp quan trọng trong việc mang hình ảnh của sinh viên đến ban giám hiệu nhà trường, là đại diện cho tiếng nói của sinh viên. Em đã nhiều lần trực tiếp gặp hiệu trưởng để nói lên tâm tư, nguyện vọng của sinh viên và được thầy rất yêu quý", thầy Giang nói.
Hồng Vân (phải) bên bạn bè trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Dương Tâm
Ngoài cân bằng việc học và hoạt động ở trường, nữ sinh Hà Nội còn đi làm thêm từ năm nhất. Giống như nhiều sinh viên Ngoại ngữ, Vân bắt đầu với công việc làm gia sư rồi làm tình nguyện viên cho một số tổ chức phi chính phủ như Project Abroad của Anh quốc. Công việc chính của em là dịch tiếng Anh, tiếng Pháp và làm thiện nguyện.
Năm thứ ba, Vân tập trung cho tiếng Pháp nhiều hơn. Em làm tình nguyện viên, cộng tác viên cho Trung tâm Văn hóa Pháp và Cơ quan Du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Hiện, em tham gia dịch tiếng Pháp cho một dự án của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Với sở thích học Ngoại ngữ, đã biết tiếng Pháp, Anh và Nhật, Vân vẫn muốn học thêm một số thứ tiếng nữa. Em cho rằng học sinh, sinh viên nên tận dụng lợi thế về tuổi để học ngoại ngữ. "Các bạn cần học càng sớm càng tốt. Hãy học từ bé. Nếu lên tới đại học mới cảm thầy cần thì phải bắt tay vào học luôn", Vân nói.
Tân thủ khoa Ngôn ngữ Pháp của Đại học Ngoại ngữ cũng khuyên nên học một cách tự nhiên qua phim ảnh hay âm nhạc, đúng theo sở thích. Thay vì chỉ lấy nội dung, người học có thể lấy cả cấu trúc ngữ pháp và cách nói chuyện của người bản xứ. Việc tham gia các chương trình giao lưu cũng tạo môi trường luyện tiếng tốt, giúp người học cảm thấy tự tin và có động lực hơn.
Nói về dự định, Vân cho biết đang đợi kết quả học bổng đi Canada trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục dịch cho dự án về đào tạo nghề của AFD. "Em muốn gắn bó với công việc dịch theo đúng chuyên môn của mình. Và dù có du học ở đâu, em vẫn sẽ quay về Việt Nam. Không đâu bằng nhà, em cần phát triển ngôi nhà của mình", Vân khẳng định.
Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức trao bằng cử nhân cho 807 sinh viên đại học chính quy khóa 2014-2018, trong đó có 56 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 330 đạt loại giỏi và 406 em đạt loại khá. Bà Ngô Minh Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là 76% và khoảng 96% có việc làm trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập tốt. Riêng khóa 2014-2018, tỷ lệ có việc làm tới thời điểm trường phát bằng đã đạt 71,6%. Trong lễ tốt nghiệp, 5 sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập đã được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tặng bằng khen; 5 thủ khoa các ngành và 14 sinh viên có thành tích xuất sắc đã được hiệu trưởng khen tặng. Phạm Thị Hồng Vân là một trong số sinh viên đó. |
Nữ sinh bị trêu \'con hoang\' một mình chăm mẹ tâm thần, 10 năm học sinh giỏi
Không có cha, từ dạo bà ngoại mất, chị gái đi lấy chồng, Trần Thị Lanh đã phải một mình chăm sóc người mẹ điên ... |
Ngắm nữ sinh 10X xinh đẹp rạng ngời trong kỳ thi THPT 2018
Thuộc thế hệ 10X, các nữ sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 năm nay luôn thể hiện nét tự tin cùng vẻ tươi ... |
Nữ sinh ở Đắk Lắk bị cưa chân do bác sĩ tắc trách thi THPT Quốc gia 2018
2 năm trước, sau một vụ tai nạn xe máy đơn giản nhưng vì các bác sĩ tuyến dưới tắc trách đã khiến Hà Vi ... |