Một nữ hành khách mang quốc tịch Việt Nam dù đã bị nhà chức trách cấm bay nhưng vẫn sang được Nga bằng đường hàng không. Trường hợp hy hữu này vừa mới xảy ra và nguyên nhân được cho là do “sàng lọc” thủ công, các cơ quan có trách nhiệm không phối hợp chặt chẽ.
Cụ thể, người bị Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cấm bay là bà Phạm Thị. T. T. (36 tuổi), thường trú tại Hải Dương. Lệnh cấm bay có hiệu lực từ ngày 16.9.2017 đến 15.3.2018. Hết thời hạn cấm bay, bà T. bị kiểm tra trực quan bắt buộc trong thời hạn 6 tháng tiếp theo.
Quyết định cấm bay được Cục HKVN gửi đến các hãng hàng không trong và ngoài nước có đường bay đến/đi từ Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các cảng vụ hàng không, các cảng hàng không, công an cửa khẩu, chi cục hải quan sân bay… Bà T. không được đi lại bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là khi thời hạn cấm bay chưa hết thì mới đây bà T. đã xuất hiện trên chuyến bay SU 291 của hãng hàng không Aeroflot (Nga), hành trình từ Hà Nội đi Moscow.
Năm 2017 có tới 40 hành khách bị cấm bay, đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Sau khi phát hiện sự việc vi phạm của Aeroflot vận chuyển khách có lệnh cấm bay, Cục HKVN đã yêu cầu Aeroflot phải tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm về vụ việc. Đồng thời có biện pháp thích hợp, hiệu quả để cảnh báo, phát hiện ngay đối tượng bị cấm vận chuyển khi đặt chỗ, làm thủ tục đi máy bay để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Theo nhà chức trách, đây là lần đầu tiên xảy ra việc khách bị cấm bay nhưng vẫn bay được, cần phải bình giảng trong toàn hệ thống để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các đối tượng không được phép vận chuyển bằng đường hàng không.
Thông thường, một hành khách đi chuyến bay quốc tế phải thực hiện kiểm tra tại nhiều cửa kiểm soát, như: Kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, làm thủ tục hàng không, kiểm tra an ninh và làm thủ tục xuất cảnh tại cơ quan công an cửa khẩu. Vì vậy, việc khách bị cấm bay nhưng vẫn “lọt” qua cửa hàng không là bất thường.
Một chuyên gia hàng không cho biết, hiện công tác sàng lọc đối tượng cấm bay vẫn được làm thủ công. Tại các cửa kiểm tra an ninh có dán bảng danh sách cấm bay để nhân viên an ninh hàng không ghi nhớ và tự đối chiếu khi kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của khách đi vào khu vực cách ly.
“Nếu danh sách cấm bay quá dài, nhân viên an ninh hàng không cũng khó ghi nhớ những cái tên để thực hiện. Do không được cập nhật trong cùng hệ thống nên mỗi cơ quan có cách sàng lọc khác nhau, rất khó phối hợp” - chuyên gia hàng không nói.
Mặc dù yêu cầu hiện đại hoá công tác này đã được đặt ra từ lâu nhưng Dự án xây dựng hệ thống cảnh báo bạo động, khủng bố, danh sách đen, bao gồm cả các đối tượng truy nã, cấm bay, đối tượng yêu cầu phải kiểm tra trực quan bắt buộc dự kiến đến cuối năm 2018 mới hoàn thiện.
Bị cấm bay vẫn sang được Nga bằng... hàng không
Hiện nay, tại các sân bay, công tác sàng lọc đối tượng cấm bay vẫn được làm thủ công, mỗi cơ quan có cách sàng ... |
Xé áo phao trên tàu bay, nữ hành khách bị cấm bay 9 tháng
Một nữ hành khách tên P.T.D. vừa bị nhà chức trách hàng không cấm bay 9 tháng do hành vi xé áo phao trên máy ... |