Lãnh đạo các nước trên thế giới gửi lời chia buồn sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời hôm 8/9 (giờ địa phương), hưởng thọ 96 tuổi.
Tổng thống Biden ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng. Ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden đã đến thăm Đại sứ quán Anh ở Washington DC để bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II.
"Chúng tôi thương tiếc cho tất cả các bạn. Bà ấy là một phụ nữ tuyệt vời. Chúng tôi rất vui mừng được gặp bà ấy", Tổng thống Joe Biden nói với nhân viên Đại sứ quán Anh sau khi ông và đệ nhất phu nhân ký sổ chia buồn với Nữ hoàng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi lời chia buồn tới Quốc vương Anh Charles III sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Tổng thống Putin mong tân quốc vương Anh "can đảm và kiên cường" sau khi Nữ hoàng qua đời, theo AFP.
"Những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử gần đây của Vương quốc Anh gắn bó chặt chẽ với tên của Nữ hoàng. Trong nhiều thập kỷ, Nữ hoàng Elizabeth II đã nhận được sự yêu mến và tôn trọng của người dân, cũng như uy tín trên trường quốc tế", ông Putin cho biết, theo tuyên bố của điện Kremlin.
Trong tuyên bố trên Twitter, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết ánh sáng trên Tháp Eiffel sẽ được tắt vào đêm 8/9 (giờ địa phương) để để tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II.
Phủ Tổng thống Pháp đã bày tỏ lòng thương tiếc về cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II, cảm ơn bà về vai trò của bà trong lịch sử hiện đại và mối quan hệ Pháp - Anh.
“Bà ấy có một địa vị đặc biệt ở Pháp và một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân Pháp”, tuyên bố điện Élysée cho biết.
Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố tổ chức quốc tang 3 ngày dành cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Tổng thống Bolsonaro cho biết động thái này là "để chia buồn về sự ra đi của Nữ hoàng”. Chia sẻ trên Twitter, ông Bolsonaro nhận định Nữ hoàng Elizabeth II là "một nữ hoàng không chỉ đối với người Anh, mà với tất cả”.
“Bà ấy là một người phụ nữ phi thường. Tấm gương lãnh đạo, sự khiêm nhường và tình yêu đất nước của bà sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta và thế giới mãi mãi”, Tổng thống Bolsonaro chia sẻ thêm, AFP đưa tin.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese bày tỏ sự cảm thông và lời chia buồn sâu sắc nhất trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II. Ông Albanese ca ngợi một "cuộc sống lâu dài cống hiến cho nghĩa vụ, gia đình của Nữ hoàng".
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Tôi gửi lời chia buồn chân thành tới hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, cũng như các quốc gia Khối thịnh vượng chung".
Ông António Guterres nói rằng "Nữ hoàng Elizabeth II là một người bạn tốt của Liên hợp quốc", đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ hoàng vì sự cống hiến bền bỉ, suốt đời của bà để phục vụ người dân Anh. "Thế giới sẽ ghi nhớ mãi mãi về sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà", ông Guterres nói.
Trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ lời chia buồn tới toàn thể Vương quốc Anh. "Chúng tôi vô cùng đau buồn khi biết tin về cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II. Thay mặt cho người dânUkraine, chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành tới hoàng gia, toàn thể Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung trước mất mát không thể bù đắp này", ông Zelensky cho biết.
Giáo hoàng Francis bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, và gửi lời chúc phúc đến Vua Charles III.
Nữ hoàng Anh đã gặp vấn đề về sức khỏe từ tháng 10/2021, buộc bà nằm một đêm trong bệnh viện. Kể từ đó, bà gặp khó khăn trong việc đi lại, nên không thường tham gia các sự kiện như trước.
Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người đứng đầu Vương quốc Anh từ ngày 6/2/1952, sau khi vua cha George VI qua đời cùng ngày. Lễ đăng quang được tổ chức vào tháng 6/1953, hơn một năm sau khi vua George VI mất.
Trị vì trong 70 năm liên tục, Nữ hoàng Elizabeth II là người có thời gian cai trị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh.