Nữ ĐBQH Hậu Giang cho rằng, mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt đến cơ quan là rất hay nhưng không thể áp dụng máy móc.
Trao đổi với VietNamNet chiều 15/8, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho biết, việc đề xuất để tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, nêu gương của người đứng đầu thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt là bà đọc trên báo chí thấy Chủ tịch, Bí thư tỉnh Đồng Tháp thực hiện và được dư luận đồng tình.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hậu Giang |
“Mô hình này là của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp được báo chí đăng và đa phần dư luận đều tán thành. Trong đó, dư luận cho rằng nếu thực hiện được mô hình này rất hay nên tôi mới đề xuất. Tôi cũng đặt vấn đề hiện nay hạ tầng giao thông không đồng bộ, còn yếu kém thì giải pháp nào để thực hiện mô hình đó”, bà Thuỷ chia sẻ.
Trước đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chọn Hậu Giang làm thí điểm mô hình này, bà Thủy nói: “Có thể anh Thể chưa biết thông tin mô hình đã được thực hiện ở Đồng Tháp”.
“Tôi nghĩ không chỉ riêng Hậu Giang, nếu hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm, có đường dành cho người đi bộ, xe đạp, đi xe buýt cũng không bị tắc đường… thì giải pháp này rất hay.
Nhưng hiện nay hạ tầng giao thông của mình không bảo đảm được, vẫn ách tắc giao thông, liên quan nhiều thứ lắm, chứ không phải chỉ một mình hạ tầng.
Điển hình như quy hoạch đầu tư xây dựng, nếu dân cư nhiều quá ở TP cũng gây ách tắc giao thông. Do vậy đây là bài toán tổng thể. Còn tôi nghĩ mô hình này nếu áp dụng được thì rất tốt”, bà Thủy lý giải.
Theo bà Thủy, mô hình này chỉ áp dụng cho lãnh đạo đi làm việc bình thường, còn đi công tác vẫn phải có xe công đưa đi để đảm bảo công việc.
“Chứ đi xe đạp biết khi nào tới, tuỳ theo từng địa bàn”, bà Thủy cười giải thích.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, riêng ở Hậu Giang có rất nhiều lãnh đạo Sở, ngành ở xa khu hành chính, nếu sáng chạy xe đạp đến cơ quan làm việc và chiều chạy về liệu có khả thi, bà Thủy thừa nhận: “Đúng rồi, làm sao đi được. Tuỳ theo từng điều kiện mà mình áp dụng, chứ không phải máy móc”.
Trước đó như VietNamNet đưa tin, tại phiên chất vấn của UBTVQH, ĐB Nguyễn Thanh Thủy đặt vấn đề, để tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, dư luận cho rằng nên thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở, ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể hoan nghênh sáng kiến của ĐB Thủy và đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.
“Đây là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm thí điểm. Sau khi thí điểm chủ tịch tỉnh đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và các đồng chí cán bộ TƯ đến địa bàn Hậu Giang đi xe buýt được thực hiện tốt thì chúng tôi nghiên cứu nhân rộng ra chứ không áp dụng đại trà ngay”, ông Thể nói.
Hoài Thanh
Đám cưới con 3 ngày, Trưởng đoàn ĐBQH giải trình, khách mời bị kiểm điểm
Các cán bộ dùng xe công đi đám cưới con trai Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng phải làm kiểm điểm. Riêng nữ Trưởng đoàn ... |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị chấn chỉnh việc nhiều đại biểu vắng họp
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV có số lượng đại biểu vắng họp nhiều nhất, thậm chí có ngày vắng tới 100 người. |
Đại biểu Quốc hội đề xuất công dân đóng ‘phí chia tay’ khi xuất cảnh
Nguyên Phó tổng cục trưởng du lịch đề nghị mỗi người khi xuất cảnh phải nộp từ 3 đến 5 USD gọi là "phí chia ... |