Được cảnh báo từ trước nhưng nông dân không để ý đáp ứng yêu cầu chính ngạch nên bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn còn 930 tấn mực khô tồn đọng, trong đó khoảng 800 tấn trên tàu ngư dân và 130 tấn trong kho của thương lái.
Tồn đọng nhiều nhất là mực xà, mực ma, vốn được đánh bắt gần bờ nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đuôi mực này màu đen sậm và ăn không ngon, mềm như mực nang, mực ống... Trước đây, mực xà chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, tuy nhiên gần đây, phía Trung Quốc yêu cầu chuyển sang chính ngạch và truy xuất nguồn gốc nên không bán được. Do đó, người dân và thương lái vùng này đang như "ngồi trên đống lửa".
Mực xà Việt bị ùn ứ tại cảng. Ảnh: Đắc Thành. |
Không chỉ mực khô, các mặt hàng nông sản của Việt Nam như mít, sầu riêng... cũng đang bị tắc đường sang Trung Quốc do sự thay đổi chính sách nhập khẩu của nước này.
Tại Lâm Đồng, nông dân đang chật vật vì giá sầu riêng xuống thấp so với đầu vụ cách đây 1 tháng. Ri 6 mua vào đang giảm từ 60.000 đến 70.000 đồng một kg còn 35.000-45.000 đồng một kg; sầu riêng giống ghép Thái Lan, Mong-thong cũng giảm một nửa còn 40.000-50.000 đồng một kg.
Để giải quyết nguồn hàng, nhiều nông dân Lâm Đồng mang sầu riêng ra dọc Quốc lộ 20 bán cho khách đi đường hoặc gửi xe khách đưa vào TP HCM bán lẻ với giá rẻ hơn so với đầu vụ.
Cùng với sầu riêng, mít thái tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, giá loại 1 còn 18.000 đồng, loại 2 là 10.000 đồng và loại 3 còn 5.000 đồng mỗi kg; trong khi đỉnh điểm hồi quý 1 là 70.000-80.000 đồng mỗi kg. Để tiêu thụ được hàng, bà con nông dân ngoài bán cho thương lái, người thân với giá rẻ thì một số còn tranh thủ mang bán tại các chợ ở khu vực họ sinh sống.
Thực tế, những khuyến cáo về thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2019 đã được thông báo từ đầu 2018.
Tuy nhiên, người dân thiếu quan tâm, thương lái thu mua cũng thiếu hiểu biết nên dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng xuất không được.Chia sẻ với VnExpress, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực phẩm Lâm Đồng thừa nhận việc triển khai dán nhãn truy xuất nguồn gốc lên các sản phẩm nông sản còn chậm. Ngay như sầu riêng VietGAP ở Đạ Huoai, đầu mùa mới bắt đầu triển khai dán nhãn. Trong 300 ha sầu riêng tại huyện này thì mới chỉ có 88 hộ đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP và cũng mới chỉ 800.000 tem truy xuất nguồn gốc được đăng ký.
Không chỉ vậy, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh này, nhiều hộ đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không thực hiện canh tác đúng quy trình mà sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định. Như vậy, dù có tem dán vẫn khó xuất khẩu vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Với mít Thái, theo ông Nguyễn Văn Kiệt - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, không nằm trong danh sách các loại cây trồng chủ lực của địa phương và cũng không khuyến khích phát triển vì không đảm bảo đầu ra, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, thương lái Trung Quốc thu mua mạnh qua đường tiểu ngạch nên giá cao khiến nông dân ồ ạt trồng, diện tích tăng 2.000 ha, gấp đôi tháng 9/2018. Do đó, khi Trung Quốc siết chặt nhập tiểu ngạch, nông dân "điêu đứng".
Liên quan đến tồn ứ mực khô ở Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là bài học mà ngư dân trả giá đắt. Bất cập hiện nay là mực phơi khô của các tàu cá đang được chứa tại các hầm tàu. Nếu kéo dài thời gian sẽ không bảo đảm các yêu cầu về bảo quản và hàng có thể không bán được.
Để giúp ngư dân, UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, báo cáo để kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xúc tiến thương mại với Trung Quốc. Các ban ngành phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái, chủ tàu cá tổ chức lại sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nước nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch. Ngoài ra, cơ quan này vẫn đang tìm cách đẩy mạnh thị trường nội địa và hướng xuất khẩu đi Thái Lan.
Hà Nội: Nhiều đơn vị tham gia gỡ khó kết nối cung - cầu nông sản
Sản xuất nông nghiệp của TP.Hà Nội thời gian qua đã hướng tới sản xuất hàng hóa, tuy nhiên tình trạng được mùa mất giá ... |
Động thái mới từ Trung Quốc, Việt Nam buộc phải đổi cách chơi
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc quý I/2019 giảm 6,3% so cùng kỳ năm ngoái do rau quả Việt chỉ được ... |
Trung Quốc bất ngờ cắt cầu: Bà con Lào Cai buồn não ruột
Trung Quốc không thu mua, dứa chín đầy nương rẫy, giá chỉ còn 1.800-2.000 đồng/kg nên những ngày này, bà con trồng dứa Lào Cai ... |