Nông dân thủ phủ điều bất lực tìm cách cứu cây tỷ đô

Dịch bệnh trên cây điều lan rộng tại nhiều khu vực của tỉnh Bình Phước đe dọa gây mất mùa trong vụ thu hoạch điều sắp tới. Để cứu vãn nhiều nông dân tìm cách phòng chống dịch bệnh cho vườn điều nhưng vẫn đang bế tắc.

Bất lực với sâu bệnh

Theo phản ánh của người trồng điều tại Bình Phước, từ cuối năm 2016 đến nay tình hình sâu bệnh trên cây điều lây lan khắp nơi. Suốt nhiều tháng qua tình hình sâu bệnh gây hại trên cây điều không giảm mà còn phức tạp hơn. Trước dịch bệnh lan tràn trên cây điều nhiều nông dân đang gặp bế tắc giải cứu vườn tược.

Với kinh nghiệm lâu năm trồng điều anh Thạch Rửng (ngụ thị xã Đồng Xoài) cho biết chưa bao giờ thấy sâu bệnh gây hại nặng như năm nay. Vườn điều của anh cùng nhiều vườn điều khác bị khô cành, vàng lá, bị thán thư. Dù đang mùa mưa nhưng vườn điều rất xơ xác thiếu sức sống.

“Mấy năm trước chăm sóc vườn điều dễ lắm chỉ cần bón phân rồi xịt 1 – 2 lần là được. Trừ vụ năm ngoái ra chưa có năm nào vườn điều tôi có năng suất dưới 2,5 tấn/ha nhưng năm nay nhìn vườn điều xơ xác vậy là thua rồi. Giờ xịt thuốc sâu cũng chả biết xịt loại nào, từ đầu mùa đến giờ tôi chỉ mới bón phân 2 lần” - anh Thạch Rửng nói.

nong dan thu phu dieu bat luc tim cach cuu cay ty do

Nông dân xịt thuốc trừ sâu bệnh cho vườn điều.

Cũng theo anh Rửng chưa bao giờ thấy vườn điều bị thiệt hại nặng như năm nay nên anh và nhiều người đang lúng túng không biết cách xử lý. Các anh cũng chưa được nghe phổ biến, chưa được tham dự các buổi tập huấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây điều. Trong khi đó thời điểm này người dân đang rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để tránh khỏi mất mùa.

Tương tự, tại huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập…nhiều nông dân cũng ngao ngán vì các vườn điều bị sâu bệnh gây hại. Đáng chú ý, ngoài việc bị sâu bệnh làm cho khô cành, chết đọt, khô lá, nhiều khu vực tại đây còn có tình trạng điều bất ngờ trổ lá, đọt non. Tình trạng trái mùa này khiến người dân lo ngại.

“Điều bị bệnh từ nhiều tháng nay nhưng đợt này tự nhiên có một số lại trổ lá non, bung đọt, không thể ra hoa được. Giờ này tôi cũng không biết cách xử lý như thế nào, không biết nên làm như thế nào để cứu vườn điều”, anh Thắng, ngụ xã Thọ Sơn, Bù Đăng cho biết.

Tại một số khu vực khác, để cứu vườn điều nhiều nông dân đang chủ động xịt các loại thuốc trị nấm, thán thư và phòng trừ bọ xít muỗi. Tuy nhiên nhiều nông dân cho biết năm nay việc chăm sóc điều như mọi năm không ăn thua bởi sâu bệnh trên cây điều lây lan nhanh, dịch bệnh đã kéo dài từ nhiều tháng qua nên cây điều khó hồi phục.

Cơ quan chức năng cũng mệt nhoài

Trước tình hình sâu bệnh gây hại nặng nề cho cây điều, UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các huyện, thị phối hợp cơ quan chức năng phổ biến kỹ thuật phòng trừ bệnh trên cây điều cho nông dân. Chương trình hiện được triển khai rộng rãi nhưng do diện tích điều rộng, có nhiều hộ trồng điều nên các cơ quan chức năng đang quá tải.

nong dan thu phu dieu bat luc tim cach cuu cay ty do

Dù cố gắng giải cứu vườn điều nhưng nhiều nông dân vẫn đang lo lắng mất mùa trong vụ tới.

KS. Võ Đình Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước cho hay khoảng 1,5 tháng nay các cán bộ, kỹ sư nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương đi khắp nơi phổ biến kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho nông dân.

“Ban đầu chương trình triển khai tại các huyện bị sâu bệnh gây hại nhiều như Bù Gia Mập, Bù Đăng, đến nay đã được triển khai đồng loạt. Năm nay dịch bệnh nặng quá, chúng tôi hàng ngày đều đến các địa phương giúp người trồng điều nhưng vẫn không xuể” - KS. Khánh cho biết.

Còn ông Lê Xuân Trí - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước cho biết đến nay các cơ quan chức năng đã tuyên truyền phổ biến kỹ thuật chăm sóc vườn điều cho 5 huyện. Ngoài ra tại tỉnh có 6 huyện, thị tự thực hiện chương trình này và đang cố gắng phổ biến rộng rãi đến người dân. Khi các huyện, thị đó cần thì các kỹ sư thuộc sở sẽ được tăng cường hỗ trợ.

Trao đổi với PV, bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho hay từ tháng 9 tổ chức hội phối hợp các đơn vị thành lập các đội tình nguyện giúp nông dân. Các đội tình nguyện này đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân đến đầu tháng 11.2017. Tuy nhiên do địa bàn rộng nên đến nay có nhiều nơi cán bộ kỹ thuật chưa thể phổ biến rộng rãi hết cho nông dân. Bà cho biết thêm hiện nay nhiều vườn điều trong tỉnh bất ngờ ra hoa nên việc chăm sóc vườn điều để tránh mất mùa rất khó.

Trong khi đó thông tin từ các huyện, thị khác cho hay giai đoạn này các địa phương chủ yếu hướng dẫn nông dân cách tỉa thưa, cắt bỏ cành khô, cành sâu bệnh, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật…Đến tháng 11, các địa phương phối hợp cơ quan chức năng thực hiện đợt 2, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây điều trong giai đoạn ra hoa, đậu trái.

Đến hết năm 2016, tổng diện tích cây điều của tỉnh tỉnh Bình Phước còn 134.204 ha. Do ảnh hưởng của thời tiết hiện nay cây điều phát sinh nhiều sâu bệnh hại như: Bọ xít, bọ trĩ, sâu róm, sâu đục thân cành, bệnh thán thư, khô bông, khô ngọn, khô cành cháy lá...

nong dan thu phu dieu bat luc tim cach cuu cay ty do Nông dân khốn đốn trước tình trạng “bảo kê” máy gặt lúa

Gần đây, trên địa bàn thị trấn Lương Bằng (Hưng Yên) lại tiếp diễn tình trạng bảo kê máy gặt khiến không ít người dân ...

nong dan thu phu dieu bat luc tim cach cuu cay ty do 10kg ngô không mua nổi 1 bát phở, nông dân Sơn La điêu đứng

Giá ngô tại Sơn La hiện xuống quá thấp, chỉ còn 2.200-2.500 đồng/kg khiến người trồng ngô trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh điêu ...

http://danviet.vn/nha-nong/nong-dan-thu-phu-dieu-bat-luc-tim-cach-cuu-cay-ty-do-812553.html

/ Dân Việt