Nông dân đốt rơm rạ tại các bang lân cận là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi thêm trầm trọng.
Bất chấp lệnh cấm từ Tòa án Tối cao Ấn Độ, nhiều nông dân ở ba bang Haryana, Punjab và Uttar Pradesh xung quanh thủ đô New Delhi vẫn tiếp tục đốt rơm rạ những tuần qua để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Hành động này của họ đã khiến cho làn khói mù ô nhiễm ở thủ đô Ấn Độ thêm dày đặc.
Hôm 3/11 được cho là ngày ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong năm mà quốc gia Nam Á phải chứng kiến trong suốt ba năm qua, khiến chính quyền phải ra lệnh đóng cửa nhiều trường học, đình chỉ việc xây dựng và cấm xe theo biển chẵn lẻ trước tình hình ô nhiễm không khí leo thang.
Lớp khói bụi dày đặc cũng khiến tầm nhìn bị hạn chế, làm hàng chục chuyến bay bị hủy, hoãn vào cuối tuần qua và ảnh hưởng đến cả lễ hội tôn giáo nổi tiếng của các tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ.
Hôm 6/11, Tòa án Tối cao Ấn Độ cho rằng chính quyền ba bang Haryana, Punjab và Uttar Pradesh đã không ngăn được tình trạng nông dân đốt rơm rạ, sau khi nhiều người dân New Delhi đệ đơn kiện chính quyền vì ô nhiễm không khí. "Chính các ông phải chịu trách nhiệm", tòa án nói với các quan chức bang trong vụ kiện.
Đại diện các bang giải thích rằng họ thiếu nguồn lực và kinh phí để giám sát hàng trăm nghìn nông dân tại khu vực, nhưng thẩm phán bác bỏ lập luận này. "Đốt rơm rạ vẫn phải được kiểm soát. Các ông không có tiền, không có kế hoạch thì cũng không có quyền làm lãnh đạo", các thẩm phán tuyên bố.
Lý giải việc tiếp tục đốt gốc rơm rạ dù đã có lệnh cấm từ nhà chức trách, một số nông dân ở Haryana trả lời đơn giản rằng đó là những gì nằm trong khả năng của họ.
"Chỉ cần một hộp diêm giá một rupee (0,014 USD) để đốt cháy cả một cánh đồng, trong khi việc làm đất cho diện tích hơn 4.000 mét vuông để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo cần tới 3.000 rupee (khoảng 43 USD)", nông dân Deepak Malik giải thích.
Sau khi nông dân gặt lúa, những gốc rạ trên đồng khiến họ mất nhiều thời gian và tiền bạc để nhổ bỏ hoặc nghiền nát rồi vùi vào đất. "Cách duy nhất để xử lý các gốc rạ là đốt chúng", Krishan Chander, một nông dân ở làng Bhainswal, bang Haryana, nói. "Chúng tôi cần được chính phủ cung cấp những máy móc tốt hơn mới có thể nghiền nát gốc rạ và trộn vào đất".
Người này cho biết thêm dù chính phủ đã trợ cấp cho nông dân mua máy làm đất, những người làm nông nghèo chỉ sở hữu vài mẫu đất vẫn không thể mua được chúng, nên họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đốt gốc rạ.
Rohtash, một nông dân ở Sonepat, bang Haryana đốt rạ trên cánh đồng của mình. Ảnh: CBS News.
Kurinji Selvaraj, nhà phân tích thuộc Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước có trụ sở ở New Delhi, cho biết nông dân coi máy móc là thứ tốn kém nhưng ít hiệu quả, bởi các thiết bị đắt tiền này hầu như không hoạt động trong suốt một năm.
Nông dân Chander còn đề xuất chính phủ nên hỗ trợ nông dân bằng tiền mặt nếu muốn thuyết phục họ không đốt gốc rạ nữa. Toà án tối cao Ấn Độ đồng tình với đề xuất này. Hôm 6/11, toà án phán quyết ba bang lân cận New Delhi phải hỗ trợ tài chính với mức 100 rupee (1,40 USD)/100 kg rơm rạ, rác thải nông nghiệp cho các hộ nông dân nhỏ.
Tòa cũng yêu cầu các bang cung cấp máy móc cũng như chi phí vận hành cho các trang trại quy mô nhỏ. "Các ông muốn nông dân nghèo bị trừng phạt. Nhưng trừng phạt nông dân không phải là giải pháp", Toà án Tối cao Ấn Độ khẳng định.
Kết quả phân tích dữ liệu vệ tinh của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước cho thấy số vụ đốt rơm rạ ở các trang trại ở ba bang lân cận New Delhi thậm chí tăng lên sau khi họ bị nhà chức trách cấm, từ hơn 4.900 vụ hôm 4/11 lên hơn 5.200 vụ hôm 5/11.
Một vệ tinh của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ghi được 14.000 vụ đốt rạ chỉ trong ba ngày, từ 4/11 đến 6/11 tại các bang này, tương đương hơn 4.800 vụ/ngày. Hơn 90% số vụ đốt rạ này là ở bang Punjab.
Rohtash, một nông dân ở Sonepat, bang Haryana, người từ chối cung cấp họ tên đầy đủ, cho biết lúc đầu anh không dám đốt rạ vì sợ bị phạt, nhưng sau đó anh tự trấn an mình. "Chỉ đốt chút thôi mà. Ô nhiễm là do công nghiệp chứ, đây đâu phải ô nhiễm", Rohtash nói.