NÓI THẲNG: Bám nhà thầu Trung Quốc, coi chừng…

Tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vừa lăn bánh thử nghiệm toàn tuyến, cùng lúc đó hơn 600 học viên trải qua lần sát hạch cuối của kỳ đào tạo vận hành trước khi đưa vào khai thác.

Thật hồi hộp! Đã xong 99% rồi, còn 1% nữa thôi là tuyến metro đầu tiên của Việt Nam sẽ chạy.

Xen lẫn trong sự háo hức của người dân thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung là sự bực dọc. Bức xúc bởi vì chỉ 13 km đường mà làm cả thập kỷ không xong. Đặc biệt là đội vốn quá "khủng", từ mức vốn đầu tư được phê duyệt năm 2008 là 552 triệu USD (tương đương 8.769 tỉ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc (419 triệu USD), phần còn lại là vốn đối ứng trong nước; đến năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) điều chỉnh tăng vốn lên 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD, tương đương 40% tổng mức đầu tư ban đầu), trong đó phần vốn vay của Trung Quốc 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD)…

Kể từ khi khởi công vào năm 2011, dự kiến hoàn thành vào năm 2014, sau rất nhiều lần trễ tiến độ, dự án lùi ngày chính thức vận hành vào quý II năm nay, tức là thời gian thi công kéo dài hơn gấp đôi kế hoạch. Cứ mỗi ngày trễ hẹn thì dự án này phải trả lãi vay 1,2 tỉ đồng! Tiền nào chịu thấu?! Khoản này ai chịu?!

Tất nhiên là chúng ta nai lưng ra chịu. Những năm đầu đưa vào khai thác, nhà nước phải chi ngân sách ra bù giá vé cho đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Lãi mẹ đẻ lãi con, rồi chi phí duy tu, bảo trì, đó là chưa kể các nguy cơ hư hỏng sẽ tốn tiền sửa chữa rất bộn, hiệu quả kinh tế của dự án này vốn đã mù mờ càng trở nên hết sức xa vời.

Ai chịu trách nhiệm? Bên cạnh nguyên nhân chậm giao mặt bằng, chậm giao vốn…, trách nhiệm chính phải chỉ thẳng ra là do tổng thầu - Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Ban Quản lý Dự án đường sắt thuộc Bộ GTVT cũng không thể vô can. Chúng ta là chủ đầu tư mà không trị được nhà thầu chính bê trễ thì do lỗi chúng ta.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm 5-6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể giải thích: "Trong quá trình thực hiện, Bộ đánh giá tổng thầu này làm rất tốt nhưng vận hành đường sắt thì đang còn thiếu kinh nghiệm".

Thiếu kinh nghiệm sao lại trúng thầu đại dự án Cát Linh - Hà Đông?

Qua đây mới thấy người ta ngán nhà thầu Trung Quốc chẳng phải không có lý. Bê trễ đến mức đó, tổng chi phí sau khi đội vốn tính ra có khi đắt hơn giao cho nhà thầu Nhật Bản, còn chất lượng thì sẽ ra sao? Thật, không muốn hỏi tiếp…

noi thang bam nha thau trung quoc coi chung
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do Sun Group xây dựng rất nhanh, cùng với đó là hạ tầng giao thông đồng bộ

Từ trường hợp này, liên hệ dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, dài 654 km, tổng kinh phí 118.716 tỉ đồng (gồm 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách). Trong 11 dự án thành phần của đại dự án này có 8 dự án PPP (hợp tác công - tư). Tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về đại dự án nói trên mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng cái khó của 8 dự án BOT hiện nay là nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các nhà đầu tư của Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm.

Nghe mà hết sức quan ngại! Và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản biện Bộ GTVT trên Báo Người Lao Động: Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, sang đây đầu tư cũng đâu phải dùng vốn của họ, mà đằng sau là nhà nước, các ngân hàng của họ sẵn sàng hỗ trợ vốn, nên đáp ứng được yêu cầu. Trong khi ở ta, ngay cả các ngân hàng cũng ngần ngại cho doanh nghiệp vay, nên để chứng minh một doanh nghiệp có vốn đáp ứng yêu cầu là rất khó. Phải sửa quy định về tiêu chí trúng thầu. Phải sửa quy định về năng lực tài chính của nhà đầu tư. Theo đó, nếu quy định năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm thì phải cho các doanh nghiệp hợp vốn, hợp danh chứ không thể tách riêng từng doanh nghiệp. "Tôi không tin doanh nghiệp trong nước không làm được!" - chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định.

Ý kiến đăng Báo Người Lao Động của bà Phạm Chi Lan đã được Văn phòng Chính phủ - thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - chuyển đến Bộ GTVT, đề nghị nghiên cứu…

Tại sao phải là nhà thầu Trung Quốc trong khi doanh nghiệp tư nhân nước ta thừa sức thực hiện, bằng chứng mới nhất là đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sun Group thực hiện. Nếu các bộ - ngành hữu quan cứ bám nhà thầu Trung Quốc vì giá bỏ thầu rẻ (sau đó đội vốn liên tục) thì hãy đem bài học Cát Linh - Hà Đông ra học ngàn lần cho thuộc!

Bài và ảnh: Y QUA

noi thang bam nha thau trung quoc coi chung Điều bắt buộc Việt Nam phải chấp nhận dùng nhà thầu Trung Quốc

Sử dụng vốn vay của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.

noi thang bam nha thau trung quoc coi chung Dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum chậm trễ do nhà thầu Trung Quốc thiếu thiện chí?

Dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum được khởi công vào tháng 9.2009, với giá trị phê duyệt 5.744 tỷ đồng. Sau 9 năm triển ...

noi thang bam nha thau trung quoc coi chung Nhà thầu Trung Quốc 'đổ móng' ở Sài Gòn

Sau thời gian dài ngủ yên, công trường xây dựng tại lô đất vàng rộng hơn 8.300m2, đường Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh (quận 1, ...

/ nld.com.vn