Việc đề xuất điều chỉnh Tổng mức đầu tư (TMĐT) Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Long Phú 1 là hợp lý, cần thiết và mang tính cấp bách nhằm bảo đảm cho chủ đầu tư - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có đủ kinh phí để hoàn thành dự án theo đúng yêu cầu tiến độ và chất lượng đề ra.
Năm 2018, PVN có đề xuất điều chỉnh TMĐT của Dự án NMNĐ Long Phú 1 tại văn bản 5471/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25/9/2018 để Bộ Công Thương tiến hành thẩm định. Cụ thể, TMĐT điều chỉnh tăng thêm khoảng 11.600 tỷ đồng. Và cũng từ đây, một số người đã hiểu nhầm khi cho rằng dự án “đội vốn” khủng.
Nhân đây, chúng tôi xin thông tin rõ thêm về việc Dự án NMNĐ Long Phú 1 điều chỉnh TMĐT như sau.
Thứ nhất, Dự án NMNĐ Long Phú 1 được Chính phủ đưa vào danh mục các dự án điện cấp bách thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2013-2020, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013. Và theo Quyết định này, Dự án NMNĐ Long Phú 1 thuộc đối tượng được điều chỉnh TMĐT.
Vậy vì sao vào năm 2018, PVN phải xin điều chỉnh TMĐT Dự án NMNĐ Long Phú 1?
Đó là do TMĐT của dự án được lập từ năm 2010, với giá trị khoảng 29.580 tỷ đồng, tương đương 1,595 tỷ USD (tỷ giá 1 USD = 18.544 VNĐ) với thiết bị công nghệ tiêu chuẩn EU, G7 và công nghệ bản quyền thuộc các nước G7, nguyên liệu chính là than nhập khẩu từ Úc hoặc Indonesia. Riêng gói thầu EPC có giá khoảng 1,2 tỷ USD, kèm theo yêu cầu phải thu xếp vốn tín dụng xuất khẩu (ECA) từ các nước OECD.
Lãnh đạo nhà thầu PM trên công trường dự án NMNĐ Long Phú 1 |
Nếu so với các dự án NMNĐ được triển khai thực hiện cùng thời điểm như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Nghi Sơn 1 thì Dự án NMNĐ Long Phú 1 ưu việt hơn về tiêu chuẩn công nghệ nhưng lại có suất đầu tư thấp hơn các dự án kể trên là điều không thực tế. Vì vậy, trong quá trình triển khai, mục tiêu này đã không đạt được do giá cả thị trường cũng như khối lượng công việc thực tế cao hơn nhiều so với những dự tính ban đầu của PVN trong năm 2010, chưa kể giai đoạn 2012-2013 có nhiều biến động về tình hình tài chính trên thế giới, công tác thu xếp vốn cho dự án rất khó khăn.
Cũng phải nói thêm rằng, theo báo cáo của PVN gửi đến Bộ Công Thương tại Văn bản 5471/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25/9/2018, giá trị TMĐT và suất đầu tư dự kiến sau khi điều chỉnh cũng không cao hơn suất đầu tư chung của các dự án nhiệt điện than trong giai đoạn hiện nay (Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 1…), trong khi yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ khắt khe hơn.
Vì vậy, việc dự án đề xuất điều chỉnh TMĐT là cần thiết, hợp lý và mang tính cấp bách nhằm bảo đảm cho chủ đầu tư PVN có đủ kinh phí để hoàn thành dự án theo đúng yêu cầu tiến độ và chất lượng đề ra.
Hiện tại, vấn đề TMĐT điều chỉnh của Dự án NMNĐ Long Phú 1 được triển khai như sau: Bộ Công Thương tổ chức thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép HĐTV PVN được phê duyệt điều chỉnh TMĐT của dự án theo nguyên tắc TMĐT điều chỉnh không vượt các dự án tương tự đang được triển khai như Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 là dự án tương đồng về quy mô, giá trị, địa điểm, thời gian thực hiện, công nghệ và công suất. Hiện việc lập và phê duyệt TMĐT điều chỉnh của Dự án Sông Hậu 1 đã được thanh tra Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng có ý kiến.
Lãnh đạo Ban QLDA NMNĐ Long Phú 1 nói về việc bảo quản trang thiết bị trên công trường |
Về vấn đề năng lực Tổng thầu EPC (Liên danh giữa Power Machines - PM và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC), cũng cần nói rõ thêm rằng: PM là một nhà thầu uy tín trên thế giới, đã từng tham gia, triển khai thành công những dự án năng lượng quan trọng tại Việt Nam như Nhà máy Thủy điện Thác Bà (cung cấp nhiều điện năng cho Quốc gia trong thời gian dài), Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí và Phả Lại (góp phần đảm bảo năng lượng cho khu vực Đông Bắc Bộ), Nhà máy Thủy điện Trị An và Hòa Bình; còn phần công việc chính của PTSC trong liên danh giữa PTSC và PM là xây dựng hạ tầng, lắp đặt thiết bị, phần việc này PTSC đã khẳng định được năng lực vượt trội của mình qua rất nhiều dự án trong ngành Dầu khí trước đây như Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi sơn, Nhà máy xử lý khí Cà Mau, Nhà máy NH3-NPK… và các dự án phát triển mỏ tại Việt Nam như Sư Tử Đen Đông Bắc, Chim Sáo, Biển Đông 01… cũng như các dự án phát triển mỏ tại nước ngoài như Ghana FPSO, Maharaja Lela South, MLS,…
Về vấn đề Dự án NMNĐ Long Phú 1 bị chậm tiến độ so với Hợp đồng EPC, phải nói rằng, dự án đã gặp phải những khó khăn, thách thức khách quan ngoài tầm kiểm soát và chưa có tiền lệ tại Việt Nam, khiến tình hình triển khai dự án bị gián đoạn, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Dự án NMNĐ Long Phú 1 vốn nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh) theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ theo quy hoạch này, tiến độ đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 là cuối năm 2018 và tổ máy số 2 là đầu năm 2019.
Tuy nhiên, đến hết ngày 19/2/2019 (từ tháng 3/2019 đến nay chưa có tiến độ mới được cập nhật), khối lượng hoàn thành công việc ước tính đạt 77,56%, chậm khoảng 22,44% so với Hợp đồng EPC. Nguyên nhân chính là do nhà thầu PM của Nga bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách cấm vận toàn phần vào ngày 26/1/2018. Và kể từ thời điềm đó đến nay, khối lượng công việc hoàn thành của Liên danh Tổng thầu PM - PTSC chỉ tăng thêm khoảng 7% trong vòng 12 tháng, tiến độ thi công xây dựng, lắp đặt đang bị tạm dừng hoặc triển khai chậm.
Hiện tại, việc cấp bách trên công trường dự án chính là bảo quản các hạng mục, thiết bị.
Do các khó khăn, vướng mắc của Dự án NMNĐ Long Phú 1 và cách thức giải quyết khó khăn là chưa có tiền lệ, chưa được pháp luật của Việt Nam quy định và hướng dẫn xử lý nên nếu không kịp thời có cơ chế xử lý triệt để, nguy cơ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện là hiện hữu, và thiệt hại của các bên rất nặng nề, đặc biệt là thiệt hại cho Chủ đầu tư PVN có thể lên đến hàng tỷ USD. PVN/Ban QLDA cùng với Tư vấn Quản lý Dự án Fichtner đã có đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo cách thức tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Có thể nói, PVN và Ban QLDA đã nỗ lực hết mình để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thẩm quyền của mình; vấn đề còn lại, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần quan tâm đặc biệt hơn nữa đến Dự án NMNĐ Long Phú 1 để có hướng dẫn, chỉ đạo, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn mà dự án đang gặp phải, để từ đó PVN và Ban QLDA có thể triển khai thực hiện thành công dự án, góp phần giảm thiếu hụt nguồn điện trong khu vực và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Trúc Vân