Nới lỏng giãn cách nhưng tránh tâm lý xả hơi, lơ là

Với số ca mắc Covid-19 đang có chiều hướng giảm, số lượng người được tiêm vaccine đang tăng nhanh, nhiều địa phương đã bắt đầu điều chỉnh nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Nới lỏng giãn cách nhưng tránh tâm lý xả hơi, lơ là ảnh 1
Bãi biển Hạ Long đông người sau khi được mở trở lại

Nhiều địa phương nới lỏng hoạt động kinh doanh, dịch vụ

Từ ngày 21-9, Hà Nội đã ngừng kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố. Các cửa hàng cắt tóc, gội đầu, dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về)… đã mở cửa trở lại. Phương tiện tham gia giao thông trên nhiều tuyến phố Hà Nội đang đông dần lên, thậm chí nhiều nơi mật độ khá cao.

Tại TP.HCM, dù số ca mắc mới còn cao nhưng hệ số lây truyền Rt (lây nhiễm theo thời gian) đang giảm dần. Nhờ các biện pháp can thiệp phòng, chống Covid-19, hệ số lây truyền Rt đã giảm từ hơn 5 (một F0 lây cho 5 người) xuống 1,03. Nhờ đó, quận 7 đã đồng ý để phường Tân Phú và Tân Phong thử nghiệm cho phép người dân đi bộ, tập thể dục thể thao ngoài trời trong 10 ngày trước khi mở rộng ra toàn bộ 10 phường. Theo các chuyên gia, nếu hệ số lây truyền Rt của TP.HCM tiếp tục giảm, trong khi tỷ lệ phủ vaccine tăng lên, thành phố có thể nới lỏng giãn cách từ 1-10.

Nhiều địa phương du lịch đã mở cửa đón khách, các doanh nghiệp lữ hành cũng đang rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị phục vụ khách nội địa có “thẻ xanh”. Tại các thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long và Móng Cái, các khu và điểm du lịch ngoài trời, nhà hàng, quán ăn trong nhà, quán cà phê, giải khát… đã hoạt động trở lại. Sau khi 90% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine, TP Hạ Long đã cho phép mở lại các bãi tắm và một số hoạt động thể dục thể thao và đón Tết Trung thu từ trưa 19-9. Trước mắt, các hoạt động trên chỉ đón khách nội tỉnh và thực hiện nghiêm các biện pháp, quy định phòng chống dịch.

Các tỉnh như Vĩnh Phúc, Lâm Đồng cũng đã quyết định nới lỏng nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Các điểm du lịch, nhà hàng, sân golf... được mở cửa nhưng không hoạt động quá 50% công suất và chỉ đón khách trong tỉnh. Khánh Hóa thì đã thông báo sẽ đón khách du lịch từ 15-10. Giai đoạn một sẽ ưu tiên kích cầu du lịch nội tỉnh. Giai đoạn hai sẽ mở rộng ra các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên... và dần thu hút khách ở các khu vực trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM. Sang giai đoạn ba, Khánh Hòa sẽ thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine, sau khi kế hoạch và quy trình đón khách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh kỳ vọng tháng 12 tới sẽ đón được những vị khách quốc tế đầu tiên đến 12 cơ sở du lịch tại phía Bắc bán đảo Cam Ranh.

Nới lỏng giãn cách nhưng tránh tâm lý xả hơi, lơ là ảnh 2
Người dân cần tiếp tục chung tay cùng chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch

Không chủ quan, nóng vội mở ồ ạt để dịch tái lây nhiễm

Cùng với những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua thì những hiểu biết mới của thế giới về dịch bệnh cũng như bối cảnh dịch bệnh đã có nhiều thay đổi giúp Việt Nam thích nghi tốt hơn với dịch bệnh để có những khung tư duy và khung chính sách phòng, chống dịch sát thực tế và hiệu quả hơn.

Trước hết là sự thay đổi quan điểm về “Zero Covid”. Từ chỗ kiên trì quan điểm này trong hơn một năm, thì bây giờ trên cơ sở kinh nghiệm của thế giới và bản thân, chúng ta hiểu rằng “Zero Covid” là khó khả thi, nhất là trong bối cảnh biến chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm rất nhanh, khiến dịch ngấm sâu và lan rộng như ở nhiều tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ phủ vaccine ở nhiều nơi như Hà Nội, TP.HCM đã đạt trên 90% cho mũi 1 và số mũi 2 đang tăng nhanh, phương cách điều trị và tổ chức hệ thống y tế được tăng cường, tỷ lệ nhiễm bệnh, bệnh nặng và tử vong sẽ giảm đi nhiều so với trước. Nguy cơ hệ thống y tế quá tải, thậm chí sụp đổ, đã phần nào được giải tỏa. Cũng từ thực tế, chúng ta rút ra kinh nghiệm chỉ nên phong tỏa phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể, tránh phong tỏa rộng theo đơn vị hành chính bởi cách làm này gây lãng phí nguồn lực, đồng thời làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, từ sinh hoạt, lao động đến sản xuất, kinh doanh...

Thêm vào đó, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định phải thích nghi an toàn với dịch bệnh, chuyển đổi chiến lược chứ không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi được. Nếu cứ giãn cách xã hội thì kinh tế sẽ suy giảm, gây nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân. Chúng ta phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Bối cảnh mới thì đương nhiên không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp cũ. Việc nhiều địa phương trong cả nước đã bắt đầu các bước đi trong lộ trình mở cửa trở lại chính là nỗ lực điều chỉnh phương thức phòng, chống dịch cho sát với diễn biến trên thực tế của dịch bệnh và khả năng chữa trị của ngành y tế. Đây là những tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài phải giãn cách với nhiều tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, với dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19 và khả năng lây lan nhanh cũng như ít triệu chứng ban đầu của biến thể mới Delta, chúng ta không thể chủ quan. Dịch Covid-19 diễn biến rất khó lường. Đơn cử như Phú Quốc vừa được nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 xuống Chỉ thị 19 thì ngày hôm sau lại phát hiện chùm lây nhiễm mới gồm 10 ca. Chúng ta cũng không được nóng vội mở ra ồ ạt bởi có thể dẫn tới dịch tái lây nhiễm, lan rộng trong cộng đồng. Tất nhiên, những nơi đã an toàn thì không do dự, không để sản xuất, đời sống của người dân bị lỡ nhịp vì như thế sẽ lãng phí nguồn lực, công sức của Nhà nước, của nhân dân, nhưng khi mở lại các hoạt động phải kiểm soát dịch bệnh bền vững, không để tình trạng mở ra vài tuần rồi lại phải đóng lại.

Muốn vậy, rất cần sự chung tay của mỗi người dân, của cả cộng đồng. Dù giãn cách đã được tháo bỏ dần nhưng không được có tâm lý xả hơi, lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Người dân cần tiếp tục chung tay cùng chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, trước hết là 5K. Những ai có triệu chứng cần khai báo cập nhật ngay lên hệ thống hoặc thông báo cho cơ sở y tế để được xét nghiệm, kiểm tra và hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng giúp ngành y tế tổ chức sàng lọc, xét nghiệm sớm để phát hiện ca mắc, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Hành động có trách nhiệm chính là cách để mỗi người dân không chỉ bảo vệ chính mình mà còn là bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng.

HOÀNG SƠN

Hà Nội nới lỏng giãn cách, bánh trung thu đang ế ẩm bỗng "cháy hàng" Hà Nội nới lỏng giãn cách, bánh trung thu đang ế ẩm bỗng "cháy hàng"
Ảnh: Người dân ùa ra cửa ngõ Thủ đô về quê sau lệnh nới lỏng giãn cách Ảnh: Người dân ùa ra cửa ngõ Thủ đô về quê sau lệnh nới lỏng giãn cách
Vận tải sau giãn cách sẽ được khởi động lại ra sao? Vận tải sau giãn cách sẽ được khởi động lại ra sao?
/ anninhthudo.vn