Nỗi lo không vay được vốn cho cao tốc Bắc - Nam

Tự tin về năng lực và kinh nghiệm song một số nhà đầu tư cho biết, vấn đề lo ngại nhất là ngân hàng không cho vay vốn khi tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam.

Việc Bộ Giao thông Vận tải huỷ đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam là tin vui cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhưng đi kèm với niềm vui này là nỗi lo về vốn.

Đánh giá về cơ hội của các nhà đầu tư, ông Vũ Minh Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, về năng lực và kinh nghiệm thi công các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng, điều kiện về vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng vốn đầu tư cũng không quá khó khăn nhưng lo ngại nhất là thiếu vốn vì doanh nghiệp sẽ phải vay khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư dự án.

Theo ông Hoàng, hiện các ngân hàng trong nước thường ưu tiên cho vay thương mại, bất động sản và siết chặt cho vay các dự án hạ tầng giao thông. "Ngân hàng thường đưa ra những yêu cầu riêng nên gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hoàng nói và dẫn chứng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang bị phía ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư phải có 36% tổng vốn dự án thì ngân hàng mới giải ngân mặc dù triển vọng thu hồi vốn của dự án này khá tốt vì ở cửa ngõ TP.HCM, lưu lượng phương tiện lớn.

Lãnh đạo tập đoàn Đèo Cả nêu ý kiến, Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng vào cuộc, cần thiết thì tăng vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn cho vay đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam.

noi lo khong vay duoc von cho cao toc bac nam
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sắp thông xe. Ảnh: Giang Huy

Cũng có chung mối lo ngại về việc ngân hàng "không tạo điều kiện", nhưng ông Vũ Đức Nhận, đại diện Công ty Phương Thành, tỏ ra thông cảm vì "thời gian qua nhiều dự án BOT gặp thua lỗ, vỡ phương án tài chính" khiến nhiều nhà đầu tư nao núng, các ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi vốn nên không muốn tiếp tục cho vay.

Theo ông Nhận, khi triển khai đầu tư cao tốc Bắc Nam có thể các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn nhiều hơn bởi các dự án này không thực sự hấp dẫn khi sắp tới sẽ có 3 tuyến đường Bắc Nam là quốc lộ 1, đường ven biển và đường Hồ Chí Minh, trong đó quốc lộ 1 sắp hết thời gian thu phí, các tuyến khác được miễn phí nên cao tốc Bắc Nam có thể vắng xe, đặc biệt là xe tải, container. "Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đang hơi lạc quan khi tính toán lưu lượng xe trên cao tốc Bắc - Nam", ông Nhận nói.

Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp có thể sẽ gặp khi đầu tư vào cao tốc Bắc Nam là việc chậm giải ngân dẫn đến dự án bị đình trệ. Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Vidifi (nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) cảnh báo, mỗi dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư đến 5.000-7.000 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ một phần vốn song vốn ngân sách thường giải ngân chậm, dẫn đến các ngân hàng cho vay chậm theo.

Ông Tú kể kinh nghiệm khi triển khai dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Mặc dù tuyến đường đã đi vào khai thác mấy năm song Vidifi chưa nhận được 4.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước khiến doanh nghiệp này thu phí cao tốc không đủ trả lãi ngân hàng.

noi lo khong vay duoc von cho cao toc bac nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) tại lễ khởi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VGP

Đánh giá về các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, ông Trần Anh Tú nhận định, do yêu cầu vốn chủ sở hữu lớn (20%) khi đầu tư cao tốc Bắc Nam nên khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ liên doanh với nhau, tận dụng thế mạnh của nhau. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần chấm điểm tài chính của cả liên doanh mà không nên tách riêng từng doanh nghiệp. "Nếu tách riêng, các đơn vị như Vidifi rất khó tham gia mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư cao tốc", ông Tú nói.

Đồng tình với chủ trương huy động nhà đầu tư trong nước song chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng Bộ Giao thông Vận tải không nên hạ thấp tiêu chí về năng lực để doanh nghiệp nhỏ "tay không bắt giặc".

Trước ý kiến lo ngại nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư cao tốc Bắc - Nam sẽ "đi đêm" với doanh nghiệp nước ngoài và bị chi phối, ông Ngô Trí Long nhận định, cơ quan quản lý nhà nước cần công tâm và có quy chế đấu thầu chặt chẽ thì sẽ phát hiện được việc "đi đêm", đồng thời, phải có hình thức chế tài nghiêm nếu phát hiện.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Đối tác công tư (PPP) cho biết, Bộ đã lường trước các vấn đề khó khăn đối với nhà đầu tư trong nước do đó Bộ Giao thông đang lấy ý kiến hạ thấp một số tiêu chí như năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, còn tiêu chí vốn chủ sở hữu 20% vẫn giữ nguyên theo Nghị quyết của Chính phủ.

Theo ông Huy, có hai vấn đề mấu chốt quyết định sự thành công của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Thứ nhất, phải chọn được nhà đầu tư mạnh, có đủ tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm. Thứ hai là phải tháo gỡ được các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng.

"Bộ Giao thông đã báo cáo Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay và có cách thức huy động vốn cho vay đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam", ông Huy nói.

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.

8 dự này gồm các tuyến: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Đồng Nai.

Bộ Giao thông Vận tải thông tin, sau khi hủy kết quả sơ tuyển đấu thầu quốc tế, dự kiến tháng 10 tới Bộ sẽ phát hồ sơ mời thầu và sơ tuyển nhà đầu tư trong nước cho 8 dự án cao tốc Bắc Nam, chấm sơ tuyển và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2020.

noi lo khong vay duoc von cho cao toc bac nam Không giảm tiêu chí vốn với nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông Vận tải sẽ giữ tiêu chí về vốn song giảm kinh nghiệm đối với nhà đầu tư trong nước tham gia dự ...

noi lo khong vay duoc von cho cao toc bac nam Bố trí hơn 3.000 tỷ đồng cho hai dự án cao tốc

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ được Chính phủ đồng ý bố trí hơn 3.000 tỷ đồng để ...

/ vnexpress.net