Nỗi lo cho hàng Việt khi dòng vốn từ Trung Quốc đổ sang Việt Nam

Xu hướng dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc ngày càng rõ nhưng các chuyên gia nhìn thấy không ít thách thức cho Việt Nam. 

Câu chuyện xung đột Mỹ - Trung cũng là một trong những nội dung chính tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 sáng 4/12. Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn", ông Hải nói.

Cùng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Lịch (Học viện Ngoại giao) dẫn loạt ví dụ cho thấy đã bắt đầu xu hướng "chia tay" Trung Quốc của nhiều nhà đầu tư ngoại. Đầu năm 2018, "hai gã khổng lồ" của Nhật Bản là Nitto Denko và Nikon đã rời khỏi Tô Châu (Trung Quốc); các tập đoàn điện tử lớn của Nhật là Panasonic, Sharp, Toshiba, Sony... cũng lần lượt tuyên bố rút khỏi Trung Quốc.

"Việc Mỹ áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu Việt Nam. Khi Mỹ áp thuế vào hàng hoá Trung Quốc, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc sẽ yếu hơn của Việt Nam. Hệ quả tất yếu là các nhà đầu tư sẽ tìm nơi sản xuất thay thế, trong đó Việt Nam là điểm đến được ưu tiên hàng đầu", ông Lịch nhận định.

Trong số dòng vốn dịch chuyển này có cả các doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, theo ông Lịch, khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, có thể Mỹ sẽ có chế tài với hàng hoá được sản xuất bằng nguyên phụ liệu của Trung Quốc. "Điều này sẽ bất lợi với hàng hoá Việt Nam", ông Lịch lo ngại.

noi lo cho hang viet khi dong von tu trung quoc do sang viet nam

Hàng hoá Việt Nam sẽ vừa có cơ hội, vừa gặp khó khăn khi dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang.

Trong khi đó, Tiến sĩ Sudhir Shetty - kinh tế gia trưởng Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) lưu ý, Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại. Tình trạng bất ổn định gia tăng sẽ gây tác động lớn hơn lợi ích Việt Nam có được do chuyển hướng thương mại.

Ông Shetty gợi ý một số lựa chọn theo khuyến nghị của WB, là Việt Nam nên tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô đối với biến động về tài chính và thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia với các chính sách tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, và củng cố mối liên hệ giữa đầu tư nước ngoài và các nhà cung ứng trong nước.

Hơn nữa, Việt Nam cần cải cách sâu rộng thương mại và đầu tư, bao gồm đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan gây méo mó thương mại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tăng cường chiều sâu hội nhập khu vực (và toàn cầu), và tăng cường cam kết ủng hộ cải cách hệ thống quản trị thương mại toàn cầu.

Kết luận diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định, một số nhân tố đang ảnh hưởng tiêu cực song Chính phủ vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động từ những xu thế và diễn biến từ kinh tế thế giới và khu vực. "Cần coi đây là vấn đề mang tính khách quan để có cách ứng phó chủ động và linh hoạt", Phó thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực để từ đó đưa những phương án xử lý phù hợp.

/ https://kinhdoanh.vnexpress.net