Tôi có một đứa cháu chủ yếu học online trong gần một năm qua, vì dịch bệnh. Ban đầu cháu thích thú, vì không phải dậy sớm đến trường, cũng như rất hào hứng khi học qua máy tính. Nhưng, tâm trạng này chỉ được duy trì trong tuần đầu tiên.
Sự áp đảo của giáo dục online
Sang tuần thứ hai, cháu hoàn toàn không giữ được tập trung nữa và chỉ chực cô giáo hay phụ huynh không để ý là làm việc riêng. Đến tuần thứ ba, thằng bé hoàn toàn không còn muốn học qua màn hình điện tử nữa và sau một tháng thì nó thậm chí còn khóc lóc xin bố mẹ cho đi học, được đến trường. Giống như vừa trải qua một cơn khủng hoảng nặng nề lắm.
Cuối tháng 9, hiệu trưởng của một trường THCS tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) lên báo bày tỏ sự lo ngại rằng học sinh của bà có thể trầm cảm vì thời gian học trực tuyến quá dài. Ở các trường chất lượng cao, ngoài học 6 buổi sáng, học sinh còn học tăng cường 3 buổi chiều. Quá tải trên thế giới trực tuyến mang lại những nguy cơ tiềm ẩn lớn.
Nhưng, ngày nay, việc học online vẫn đang được đề cao quá mức. Các tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg đã đóng góp hàng triệu USD cho “học tập tự thân”, một phong trào dạy trẻ em tự mày mò mọi thứ trên máy tính. Các nhà hoạch định chính sách, điển hình như cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos, thậm chí gọi đấy là “một trong những bước phát triển hứa hẹn nhất của chương trình giáo dục K-12 (hệ thống giáo dục tiểu học và trung học Mỹ có 12 cấp độ), còn tiểu bang Rhode Island thậm chí đã công bố khuyến khích việc áp dụng chương trình này cho toàn bộ học sinh trường công. Khi dịch bệnh bùng nổ, sự phổ biến của phương pháp này càng được coi như điều hiển nhiên.
Để hiểu rõ hơn vì sao học online phổ biến đến vậy, chúng ta có thể xem lại một tác phẩm kinh điển của triết học Pháp thế kỷ 20: Cuốn “Hiện tượng học của tri thức” do Maurice Merleau chấp bút.
Theo Merleau-Ponty, triết học châu Âu từ lâu đã ưu tiên quan sát (seeing) hơn là làm (doing) khi đề cập đến con đường dẫn về sự hiểu biết. Plato, Rene Descartes, John Locke, David Hume, Immanuel Kant... từng người, theo những cách khác nhau, đã đặt ra một khoảng cách giữa tâm trí và thế giới, chủ thể và khách thể, tư duy và thế giới vật chất. Các triết gia cho rằng tâm trí quán chiếu mọi thứ từ xa là chuyện hiển nhiên. Khi Descartes tuyên bố “Tôi tư duy, do đó tôi tồn tại”, ông đã đặt ra một hố sâu giữa bản thân suy nghĩ và cơ thể bằng xương bằng thịt. Merleau-Ponty cho rằng tư tưởng phương Tây từ lâu đã cho rằng tâm trí, không phải cơ thể, là nơi tư duy và học hỏi thật sự.
Merleau-Ponty thì cho rằng vế “tôi tư duy” thực ra là “tôi có thể” thì đúng hơn. Nói cách khác, tư duy của con người xuất phát từ kinh nghiệm sống và những gì chúng ta có thể làm với cơ thể mình định hình sâu sắc những gì các triết gia hoặc nhà khoa học khám phá ra. Ông viết: “Toàn bộ thế giới khoa học được xây dựng dựa trên thế giới thực tại. Cuốn “Hiện tượng học của tri thức” được viết ra nhằm mục đích giúp người đọc hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa thực tại và ý thức”.
Các triết gia có thói quen chỉ ra rằng chúng ta “có” một cơ thể. Nhưng, Merleau-Ponty chỉ ra rằng không đơn giản như vậy: “Tôi không có trước cơ thể tôi, tôi ở bên trong cơ thể tôi, hay đúng hơn tôi chính là cơ thể tôi”. Sự điều chỉnh đơn giản này đã định vị lại nhận thức về việc học tập: tâm trí không thể nào nằm ngoài không gian và thời gian. Thay vào đó, cơ thể không những tham gia vào quá trình suy nghĩ mà còn cảm nhận, ham muốn, đau đớn, có một “lịch sử” và kỳ vọng tương lai. Merleau-Ponty thách thức chúng ta ngừng tin rằng tâm trí con người có thể vượt qua phần còn lại của tự nhiên.
Trong một bài tiểu luận trên trang Aeon.co, nhà khoa học về nhận thức Alan Jasanoff cũng cho rằng việc lý tưởng hóa não bộ độc lập với phần còn lại của cơ thể lẫn nội tạng là một sai lầm. Một người học hỏi bằng mọi bộ phận: cơ thể chúng ta biết những điều chúng ta không thể nói rõ được. Lấy ví dụ như khiêu vũ: theo quan điểm của Descartes, tâm trí di chuyển cơ thể như một nghệ sĩ múa rối điều khiển dây. Để học khiêu vũ, với kiểu suy nghĩ này, một người chỉ cần phải ghi nhớ trình tự các bước hành động.
Merleau-Ponty chỉ ra điều ngược lại: cách học khiêu vũ phải bắt đầu từ việc một người di chuyển để cảm nhận. “Để điệu nhảy mới tích hợp được cái yếu tố đặc thù của vận động nói chung, trước tiên nó phải nhận được, có thể nói là, sự hiến dâng cho vận động trước đã”. Tâm trí không phản ánh và đưa ra quyết định có ý thức trước khi cơ thể thử chuyển động theo điệu nhảy. Cảm nhận cơ thể mới chính là thứ “bắt” được chuyển động mới.
Cơ thể là phương tiện chung để chúng ta cảm nhận thế giới. Mọi thứ chúng ta học, suy nghĩ hoặc tri kiến đều bắt nguồn từ cơ thể. Bằng cách đi bộ qua đồng cỏ, dòng sông và chèo thuyền qua hồ mà chúng ta nắm bắt được địa lý. Bằng cách nói chuyện với người khác và học hỏi qua các câu chuyện của họ, chúng ta nắm bắt về văn học. Trước màn hình máy tính, học sinh chỉ có thể hiểu được những gì chúng thấy trên màn hình, khi đã tiếp xúc với thực tại và những người khác. Những người quá ủng hộ việc học online có lẽ đã quên rằng trẻ em là những thực thể non nớt muốn di chuyển trong thế giới, chứ không phải quan sát nó từ xa.
Học tập cần nhiều hơn thế
Trong cuốn sách kinh điển “Ngoại giao Mặt-đối-mặt: Khoa học thần kinh xã hội và quan hệ quốc tế” (xuất bản năm 2018), tác giả Marcus Holmes giải thích sự quan trọng của việc giao tiếp. Trong đó, Holmes đề cập tới hiện tượng rằng các nhà ngoại giao luôn khăng khăng muốn gặp trực tiếp các đồng cấp của họ, trước khi bàn về một vấn đề giữa hai nước. Các nhà đàm phán giỏi chia sẻ rằng họ chỉ có cảm giác “da thịt trong cuộc chơi” (skin in the game) khi cùng đi dạo, chia sẻ đồ uống, bắt tay hoặc trò chuyện riêng.
Khoa học thần kinh cũng giải thích lý do tại sao các cuộc gặp trực tiếp thường cho kết quả tốt hơn bằng một hiện tượng có tên “hệ thống gương soi”: Các tế bào thần kinh phản chiếu sẽ được kích hoạt khi chúng ta thực hiện một hành động hoặc thấy người khác thực hiện hành động. Hệ thống gương soi của não bộ cho phép chúng ta cảm nhận được cảm giác của người đối diện. Giao tiếp qua email hoặc internet khiến việc đọc ngôn ngữ cơ thể hoặc cảm nhận những gì đang diễn ra trở nên khó khăn hơn.
Đặt trẻ trước màn hình điện tử cho phép chúng truy cập thông tin, gặp gỡ nhiều người trên khắp thế giới, chơi trò chơi, đọc mọi thứ nhưng với tư cách là một “nghi thức tương tác”, học qua màn hình tạo ra ít năng lượng cảm xúc hơn là chia sẻ không gian thực tại với các giáo viên và học sinh khác. Học sinh nhìn vào màn hình sẽ có xu hướng không tin tưởng hoặc không quan tâm đến giáo viên và bạn học.
Người ta có thể cố gắng hợp lý hóa vấn đề bằng cách diễn giải rằng nhiều trẻ em thích xem màn hình điện tử và đạt hiệu quả cao trong học tập qua internet. Đây là khẳng định của báo cáo về “Quyền trẻ em trong kỷ nguyên kỹ thuật số” (2014) do một nhóm các nhà nghiên cứu Australia hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thực hiện. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn trẻ em trên toàn thế giới và sử dụng lời nói lẫn ví dụ của chúng để kết luận: “Việc lắng nghe cảm xúc của trẻ em qua 8 ngôn ngữ khác nhau cho phép một sự thật lên tiếng thật to và rõ ràng: chúng ta cần thực hiện các bước đi cần thiết để đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có thể gặt hái được cơ hội tiếp cận với kỹ thuật số”.
Báo cáo mô tả những lợi ích mà trẻ em tích lũy được từ việc dành thời gian trên các phương tiện kỹ thuật số. Trẻ có thể tiếp cận thông tin, được cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thể hiện bản thân về mặt nghệ thuật và chính trị, vui chơi, kết bạn và duy trì tình bạn với nhiều người khác trên thế giới. Báo cáo thừa nhận sự nguy hiểm của phương tiện kỹ thuật số, bao gồm rủi ro tiếp xúc với các hình ảnh khiêu dâm và bạo lực, hay chứng nghiện internet và quyền riêng tư. Nhưng, nó lập luận rằng các rủi ro này đã bị “phóng đại quá mức”.
Tuy nhiên, trong đoạn kết rất đáng chú ý, báo cáo trích dẫn trả lời của những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới với câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu các phương tiện kỹ thuật số biến mất. Dưới đây là một số phản hồi từ thanh thiếu niên đến từ nhiều quốc gia: “Em muốn dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động ngoài trời, không xem tivi hay điện thoại và bất cứ đồ điện tử nào, em muốn tìm những việc có ích hơn để làm” (Australia). “Nếu không còn bất kỳ đồ kỹ thuật số nào, em sẽ đi đọc sách” (Thái Lan). “Chẳng có gì hại cả. Cuối cùng thì chúng ta cũng sẽ không bị dính với đồ kỹ thuật số. Chúng ta sẽ không bị chúng kiểm soát” (Thổ Nhĩ Kỳ). “Sẽ khiến mọi người tự tin hơn khi có thể trò chuyện trực tiếp với người khác, không phải qua internet, mà là thực sự trò chuyện (Australia). “Mới đầu làm quen sẽ rất vất vả nhưng rồi mọi người sẽ vượt qua được. Sẽ tốt hơn vì mọi người có thể nói chuyện trực tiếp nhiều hơn, làm tình bạn bền chặt hơn” (Australia).
Trẻ em đang mất đi cơ hội trải nghiệm thế giới với tất cả sự phong phú của nó. Hiệu ứng của tự nhiên thật sự, những cánh đồng, núi rừng... không bao giờ có thể được chuyển tải hết qua những điểm ảnh và âm thanh, dù là từ màn hình hay loa vòm xịn nhất chăng nữa.
Ban Cầm
Học sinh tiểu học thi học kỳ trực tiếp hay trực tuyến? |
ĐBQH lo ngại tâm lý "một tiết dạy, trăm mắt nhìn" khi dạy - học trực tuyến |
Học trực tuyến dài ngày, học sinh kiểm tra đánh giá định kỳ thế nào? |