Sau khi anh Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) đề xuất nên loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình sách giáo khoa THPT, nhiều chuyên gia, giáo viên đã lên tiếng phản bác quan điểm này.
TS văn học Phạm Hữu Cường cho hay quan điểm của anh Nguyễn Sóng Hiền là dưới góc độ cá nhân với cách nhìn nhận riêng tuy nhiên có phần hơi sai lệch. Ảnh: NV
Anh Nguyễn Sóng Hiền lập luận rằng: "Liệu có nên tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi bản thân tác phẩm không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, ngược lại có thể tác động xấu đến nhận thức của học sinh?"
Bày tỏ ý kiến, TS văn học Phạm Hữu Cường cho hay, quan điểm của anh Nguyễn Sóng Hiền là dưới góc độ cá nhân với cách nhìn nhận riêng tuy nhiên có phần hơi sai lệch. Chí Phèo là đại diện cho người nông dân Việt Nam không được sở hữu ruộng đất, bị bần cùng hóa và lưu manh hóa.
“Anh Sóng Hiền cho rằng Chí Phèo lưu manh chủ yếu do xuất thân mồ côi không cha, không mẹ là không chính xác, không hiểu tác phẩm. Chí Phèo đúng là con hoang nhưng lớn lên với bản chất lương thiện. Hơn 20 tuổi, Chí Phèo vẫn có lòng tự trọng, ý thức nhân phẩm là người tốt.
Sau khi đi tù về, Chí Phèo bị lưu manh hóa vì nhà tù thực dân. Cùng với môi trường ở làng Vũ Đại, Chí Phèo trở thành đầy tớ của Bá Kiến. Bi kịch thứ hai của cuộc đời Chí Phèo chính là mong muốn trở lại làm người lương thiện mà không được. Sau khi gặp Thị Nở, anh ta thức tỉnh lương tri”, TS Cường phân tích..
TS Phạm Hữu Cường khẳng định cần phải giữ lại tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao trong chương trình. Quan trọng là việc giáo viên giảng như thế nào để học sinh hiểu đúng tác phẩm, bởi trước đó, tác phẩm này từng bị hiểu sai nhiều lần chứ không phải chỉ bây giờ. Dù như thế nào, tác phẩm này vẫn mang những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
Đồng quan điểm, thầy giáo Đào Tuấn Đạt, lãnh đạo trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cũng cho biết, không nên bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa.
“Tôi không đồng tình với quan điểm của nghiên cứu sinh cho rằng, tác phẩm này có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh. Học sinh nên học tất cả các tác phẩm văn học hay trong đó có "Chí Phèo" của Nam Cao. Tất cả những cái xấu, cái tốt nên được ra thảo luận từ đó học sinh sẽ rút kinh nghiệm, chắt lọc và ứng xử cho đúng”, ông Đạt nói.
Mặt khác, ông Đạt chỉ ra rằng, tác phẩm "Chí Phèo" sẽ giúp học sinh nhìn lại một thời của xã hội phong kiến, thấy được giai cấp bóc lột người yếu thế khiến con người ta bị bần cùng hóa, lưu manh hóa.
Ở các nước trên thế giới, học sinh và giáo viên sẽ đọc và học những tác phẩm hay đại diện cho mọi tầng lớp chứ không phải lấy cái hay, cái đẹp ra ca ngợi, để giáo dục.
Loại "Chí Phèo" khỏi sách giáo khoa: Chúng ta cần cảm ơn ông Nguyễn Song Hiền? Dư luận chưa nguội vụ đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, lại tiếp tục “nóng” với đề xuất loại bỏ ... |
Đề xuất bỏ ‘Chí Phèo’ khỏi SGK lớp 11: Thầy giáo nổi tiếng đưa luận điểm phản bác Thầy giáo Trịnh Quỳnh đã đưa ra luận điểm để phản bác lại đề xuất loại tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình SGK ... |