Với dư nợ 1,5-1,6 triệu tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng nếu có từ 1-3% tỷ lệ nợ xấu cũng phải chấp nhận, vì rủi ro trên thị trường tài chính là điều khó tránh khỏi.
Theo số liệu báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng. Con số này của năm 2023 và năm 2024 lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Theo đó, tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng. Đây là một áp lực lớn đối với doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, để "chạy" trước, một số doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn.
Cập nhật từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước. Tính luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Theo các chuyên gia, với giá trị mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 142.209 tỷ đồng như trên, áp lực thanh toán nợ TPDN đáo hạn đã giảm đi đáng kể.
Dù có một số lượng lớn trái phiếu được doanh nghiệp mua lại trước hạn, song trên thị trường cũng xuất hiện những vụ việc mà trái phiếu đến hạn nhưng chậm thanh toán gốc lãi khiến nhà đầu tư hoang mang về có hay không nguy cơ vỡ nợ trái phiếu. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng, đây là một vấn đề nhạy cảm bởi vì trái phiếu là kênh huy động vốn mới. "Đối với hệ thống ngân hàng thì chúng ta đã nói đến vấn đề nợ xấu vài chục năm nay rồi. Quan điểm của một đơn vị xếp hạng tín nhiệm, tôi muốn nói rõ đối với trái phiếu, chuẩn cho vay nếu so với tín dụng ngân hàng chắc chắn thấp hơn. Ngót 60% các tổ chức phát hành chưa niêm yết, rất nhiều công ty dự án bị ngân hàng từ chối. Thứ 2, với ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo đâu đó 1,5 đến 2%. Nợ xấu tính điều chỉnh như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội đâu đó 6-7%.
Thế nên với trái phiếu, chúng ta phải chấp nhận thực tế là phải có nợ xấu kiểu như tín dụng ngân hàng. Mà trên thị trường vốn chúng ta gọi là vỡ nợ. Chỉ có điều vỡ nợ trong tiếng Việt nó hơi nặng nề quá. Chúng tôi cũng đang làm việc để xin ý kiến của các cơ quan quản lý, thành viên thị trường để xây dựng phân hạng chất lượng tín dụng của trái phiếu, không tương thích hoàn toàn với 5 mức từ nợ bình thường đến mất vốn như của ngân hàng, nhưng sẽ có mức nhất định trước khi doanh nghiệp thực sự hết tiền trả nợ", ông Thuân phân tích.
Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường TPDN chưa được coi trọng đúng mức, cũng như chưa thực sự công bằng khi đem so sánh với các tổ chức tín dụng. Vì thế, việc chấp nhận nợ xấu của TPDN là để thực sự công bằng, không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà cũng đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, bởi vì nhiều tình huống doanh nghiệp chỉ mất thanh khoản tạm thời, không trả được lãi vài ngày thôi, nhưng dư luận, báo chí truyền thông vào cuộc khiến nhà đầu tư náo loạn, đi rút tiền khiến cho doanh nghiệp từ lâm sàng thành chết hẳn.
"Vì thế, đối với trái phiếu, dự nợ khoảng 1,5 đến 1,6 triệu tỷ thì chúng ta cũng không nên bất ngờ nếu có khoảng 1 thậm chí 3% số doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc. Tức là khoảng 30 đến 50 nghìn tỷ. Điều đó nếu có xảy ra nó cũng là bình thường. Cơ quan quản lý, nhà đầu tư nên bình tĩnh khi tiếp nhận những thông tin này. Lãi suất trái phiếu phải đương nhiên cao hơn lãi gửi ngân hàng vì chuẩn thấp hơn. Thứ 2 là nếu có chậm trả gốc lãi trái phiếu là điều bình thường. Áp lực đáo hạn đã giảm đi rất nhiều sau những thay đổi thời gian gần đây, các doanh nghiệp tự nguyện mua lại hoặc nhà đầu tư đòi mua lại, hoặc chính các công ty chứng khoán kinh doanh đáo hạn hoặc mua lại", ông Thuân nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng nhìn rộng hơn, tức ở luật phá sản doanh nghiệp, nhiều khi người ta cứ nghĩ phá sản là vi phạm pháp luật, nhưng thực tế không phải. Nhiều chủ doanh nghiệp làm việc rất tâm huyết và tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật, nhưng vẫn có thể gặp rủi ro bất khả kháng như yếu tố thị trường, tự nhiên, dẫn tới doanh nghiệp đó vẫn phá sản, và việc phá sản này nằm ngoài ý kiến chủ quan của họ.
"Không phải doanh nghiệp nào phá sản cũng là xấu, lừa đảo kiếm tiền. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư hiểu lầm. Vì vậy, cần truyền thông, đặc biệt truyền thông cho nhà đầu tư cá nhân, để họ ý thức được. Đừng thấy nợ xấu cao mà sợ. Bởi vì họ cho vay lãi suất cao và việc đó bù được các khoản nợ xấu. Nhiều ông tỷ lệ nợ xấu cao, nhưng kết quả hoạt động lại rất tốt. Tỷ lệ lợi nhuận/ vốn cao hơn rất nhiều", ông Quỳnh nói.
Phân tích sâu hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng để "rộng đường" cho doanh nghiệp phát hành, cũng như nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khi mua TPDN, hạn chế được nợ xấu, cần phải sớm quy chuẩn việc xếp hạng tín nhiệm. "Công tác xếp hạng hệ thống ngân hàng đã làm từ lâu và làm hằng ngày rồi, trong khi đối với thị trường TPDN, đây vẫn là vấn đề "đang bàn".
Bây giờ chúng ta cứ lo có làm được không, chuẩn không- theo tôi không nên cầu toàn. Đừng nghĩ rằng chúng ta không làm được. Cứ hằng năm chúng ta lại cập nhật, chuẩn hoá quy trình tiêu chí, đánh giá lại triển vọng của doanh nghiệp. Hy vọng rằng 3-5 năm sau, chúng ta có thể vững tin đến thời điểm đó có thị trường thứ cấp nữa thì thị trường vốn của chúng ta bay bằng 2 cánh, bây giờ mới có một cánh. Nếu được như vậy chúng tôi đánh giá thị trường vốn trung dài hạn của Việt Nam triển vọng nhất trong 10 năm lại đây", ông Nghĩa góp ý.