Các nhà quản lý cho biết nỗ lực giải cứu Ever Given, siêu tàu hàng mắc kẹt giữa kênh Suez, tiếp tục thất bại khiến nhiều tàu phải chuyển hướng.
"Một nỗ lực khác nhằm giải cứu con tàu vào sáng nay đã không thành công", Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), công ty cung cấp giải pháp hàng hải của Singapore hợp tác với chủ sở hữu tàu Ever Given, cho biết trong thông báo hôm 26/3, thêm rằng "trọng tâm hiện nay là nạo vét để loại bỏ cát và bùn xung quanh mạn trái của mũi tàu".
Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu kéo và tàu nạo vét làm nhiệm vụ giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez hôm 26/3. Ảnh: AFP. |
Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu kéo và tàu nạo vét làm nhiệm vụ giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez hôm 26/3. Ảnh: AFP.
Công ty SMIT Salvage của Hà Lan, một trong những bên tham gia giải cứu tàu Ever Given, xác nhận sẽ có thêm hai tàu kéo đến hỗ trợ vào ngày 28/3. BSM còn cho hay "không có báo cáo về tình trạng ô nhiễm hoặc thiệt hại hàng hóa. Các điều tra ban đầu về nguyên nhân sự cố loại trừ lỗi máy móc hoặc động cơ".
Thủy thủ đoàn đã làm việc xuyên đêm dưới ánh đèn pha, sử dụng một máy nạo vét cỡ lớn. Tuy nhiên, con tàu khổng lồ với trọng tải gần 220.000 tấn, dài 400 m, vẫn chưa nhúc nhích, buộc các hãng vận tải toàn cầu lớn như Maersk và Hapag-Lloyd phải xem xét tái định tuyến đi vòng qua mũi nam của châu Phi. Theo chuyên gia Plamen Natzkoff tại công ty VesselsValue, điều này có khả năng làm tăng giá vận chuyển lên 15-20% do tốn thêm nhiên liệu.
Shoei Kisen Kaisha, công ty Nhật Bản sở hữu tàu Ever Given, cho biết họ đặt mục tiêu giải phóng con tàu vào hôm nay, nhưng không thể đảm bảo nhiệm vụ sẽ được hoàn thành đúng thời hạn này. "Chúng tôi không có ước tính về thời điểm công việc thành công", một phát ngôn viên của công ty cho biết.
Ever Given, một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Shoei Kisen Kaisha, do công ty Đài Loan Evergreen Marine vận hành, gặp một cơn bão cát hôm 23/3 khi đang trên hành trình chở hàng đến Rotterdam, Hà Lan.
Vị trí kênh đào Suez (chấm đỏ) nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Đồ họa: Google Maps. |
Tầm nhìn bị hạn chế giữa gió mạnh và sập nguồn điện trên tàu khiến nó chắn ngang kênh đào Suez, được coi là tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải.
Mohab Mamish, cố vấn của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và là người giám sát việc mở rộng kênh Suez, tối 25/3 cho hay "hoạt động hàng hải sẽ được nối lại trong vòng tối đa 48-72 giờ nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cứu hộ cảnh báo công việc giải cứu có thể mất vài ngày đến vài tuần.
Ánh Ngọc (Theo AFP, Guardian)
Vì sao kênh đào Suez mắc kẹt ảnh hưởng tới toàn thế giới? |