Nỗ lực đưa gia đình Kim Jong-nam đến nơi an toàn sau vụ giết người ở Malaysia

Gia đình Kim Jong-nam đã liên hệ trực tiếp với nhóm Cheollima và được nhóm này đưa đến một địa điểm bí mật. 

no luc dua gia dinh kim jong nam den noi an toan sau vu giet nguoi o malaysia
Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Khi công dân Triều Tiên nghi là Kim Jong-nam, người anh sống lưu vong của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, chết vì bị đầu độc tại sân bay Malaysia ngày 13/2, một số người đã lo sợ cho sự an toàn của gia đình Kim Jong-nam, đặc biệt là con trai Kim Han-sol, 21 tuổi.

Cheollima Civil Defense, nhóm phản đối chính quyền Triều Tiên, sau đó đã đưa Kim Han Sol cùng mẹ và em gái ra khỏi nhà của họ ở Macau và đến nơi an toàn. (Cheollima là một con ngựa có cánh trong thần thoại Triều Tiên, biểu tượng cho sự phát triển nhanh chóng).

"Một số bên đã cố gắng can thiệp" cuộc sơ tán, đại diện của nhóm Cheollima nói với WSJ. Cheollima đồng ý thảo luận một số chi tiết về việc tái định cư gia đình vì mong muốn tìm kiếm sự trợ giúp quốc tế cho các trường hợp khác trong tương lai.

"Chúng tôi đã thất vọng khi một số nước từ chối giúp đỡ vào đầu năm nay", người này nói.

Cheollima đã nhờ chính quyền nước ngoài giúp đỡ để đưa Kim Han-sol đến nơi an toàn. Theo nhóm, Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan đã hỗ trợ việc đi lại, thị thực và các khía cạnh khác của kế hoạch. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không có thông tin gì về việc này. Hà Lan và Mỹ từ chối bình luận.

Các quốc gia khác đã từ chối hỗ trợ, trong số đó là Canada, vì họ cần phải đàm phán với Triều Tiên để trả tự do cho mục sư Canada bị giam ở Triều Tiên, theo một nguồn tin am hiểu quyết định.

Canada từ chối bình luận về việc này và nói rằng việc phóng thích mục sư Lim Hyeon-soo hồi tháng 8 là kết quả của các biện pháp ngoại giao.

Đại diện của Cheollima cho biết gia đình Kim Jong-nam đã liên lạc trực tiếp với nhóm ngay sau vụ giết người. Họ đã sống ở ngoài Triều Tiên trong nhiều năm nhưng cảm thấy bị đe doạ vì nhiều người biết họ sống ở Macau. Kim Han-sol từng chỉ trích chính quyền Triều Tiên trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 2012 của Phần Lan.

"Tôi luôn mơ ước rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại nước và khiến mọi thứ tốt đẹp hơn", Kim Han-sol nói trong cuộc phỏng vấn khi đang theo học một trường quốc tế tại Bosnia.

Gia đình Kim Han-sol đầu tiên bay đến Đài Bắc. Ở đó, họ đã dành 30 giờ trong sân bay để xác nhận việc đi lại và thị thực cho điểm đến cuối cùng, một nguồn tin cho biết. Cheollima từ chối xác nhận lộ trình và không nói gia đình họ đi đâu.

Ngày 7/3, nhóm công bố một video cho thấy Kim Han-sol giơ hộ chiếu của mình và xác nhận rằng anh cùng mẹ và em gái đang an toàn.

Cheollima là một trong nhiều nhóm giúp đỡ những người tìm cách trốn thoát chính quyền Kim Jong-un. Đại diện cho biết nhóm gồm người Triều Tiên trong và ngoài nước.

WSJ đã nói chuyện với các nhà ngoại giao, một người đào tẩu khỏi Triều Tiên và một nhân viên nhân quyền ở châu Âu đã giúp Cheollima sơ tán gia đình để tìm hiểu thêm về nhóm này.

Người đào tẩu không phải là thành viên của nhóm nhưng ông cho biết Cheollima là một tổ chức nhỏ có kết nối tốt đã giúp người Triều Tiên trốn khỏi nước qua Trung Quốc và vào Đông Nam Á.

Hai nhà ngoại giao phương Tây cho biết Cheollima là cái tên đáng tin cậy để giúp người Triều Tiên đào tẩu. Nhân viên bảo vệ nhân quyền xác nhận nhóm này có thành viên là người Triều Tiên và có mối quan hệ tốt với các chính phủ nước ngoài.

"Họ hành động rất nhanh", ông nói.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/no-luc-dua-gia-dinh-kim-jong-nam-den-noi-an-toan-sau-vu-giet-nguoi-o-malaysia-3649445.html?vn_source=box-TuLieu&vn_medium=de&vn_campaign=vn

/ vnexpress.net