Nợ công năm 2017 là 62,6% GDP, năm 2018 là 63,9% GDP

Năm 2018, Chính phủ dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng.

Chính phủ vừa có Báo cáo tình hình nợ công năm 2016, ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch 2018 gửi đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo, năm 2016, Chính phủ tiếp tục vay nợ với tổng trị giá 436.510 tỷ đồng, vẫn trong giới hạn cho phép. Tính đến cuối năm 2016, nợ công là 2.863.868,9 tỷ đồng (bằng 63,6% GDP), nợ Chính phủ là 2.368.209 tỷ đồng (bằng 52,6% GDP), nợ được Chính phủ bảo lãnh là 461.616 tỷ đồng (bằng 10,25% GDP), nợ chính quyền địa phương là 34.043 tỷ đồng (bằng 0,76% GDP).

Báo cáo cho biết dự kiến cuối năm 2017 nợ vẫn trong giới hạn, trong đó dư nợ công khoảng 62,6% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

Theo kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2017 là 316.300 tỷ đồng. Tổng mức vay của Chính phủ 9 tháng đầu năm đạt 254.831 tỷ đồng (bằng 75% kế hoạch, bao gồm vay để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) là 119.000 tỷ đồng (bằng 69% kế hoạch), vay để trả nợ gốc là 125.065 tỷ đồng (bằng 86,9% kế hoạch) và vay về cho vay lại là 10.766 tỷ đồng (bằng 42% kế hoạch). Đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch huy động vốn.

Chính phủ báo cáo nghĩa vụ nợ của Chính phủ trong năm 2017 khoảng 260.150 tỷ đồng gồm trả nợ trong nước là 214.878 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài trực tiếp là 28.022 tỷ đồng; trả nợ của các dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong năm 2017 ở mức khoảng 17.250 tỷ đồng.

Căn cứ dự toán NSNN năm 2017 được Quốc hội phê duyệt, dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (gồm cả trong nước và nước ngoài) được tính trong cân đối Ngân sách trung ương là 242.900 tỷ đồng. Trong đó trả gốc: 144.000 tỷ đồng, trả lãi: 98.900 tỷ đồng, quỹ Tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay lại trực tiếp thực hiện trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại khoảng 17.250 tỷ đồng.

Tổng mức trả nợ 9 tháng đầu năm là 213.316 tỷ đồng (bằng 82% kế hoạch), trong đó trả nợ được bố trí trong dự toán chi ngân sách trung ương là 200.417 tỷ đồng (gốc là 125.065 tỷ đồng, lãi là 75.352 tỷ đồng), trả nợ vay về cho vay lại là 12.899 tỷ đồng. Công tác trả nợ của Chính phủ năm 2017 được thực hiện chặt chẽ, trả nợ đúng hạn đầy đủ theo đúng các cam kết của Chính phủ với nhà tài trợ.

Năm 2018 vay 146.770 tỷ đồng để trả nợ gốc

Báo cáo về kế hoạch vay và trả nợ năm 2018, Chính phủ dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng, dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên Chính phủ cho biết, việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn một số điểm cần tiếp tục giám sát chặt chẽ và lưu ý. Thứ nhất, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục tăng lên.

Thứ hai, dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao, nghĩa vụ trả nợ năm 2016 bằng 14% tổng thu NSNN, tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu NSNN. Chính phủ lo ngại với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương như hiện nay, khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài ở mức tối đa 300.000 tỷ đồng như kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ khó khăn, như tạo sức ép lên trần nợ và nghĩa vụ trả nợ của NSNN.

Thứ ba, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên (thậm chí có khoản vay có lãi suất lên tới 4,5%/năm), làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ.

Thứ tư, việc kiểm soát chi phí các hạng mục sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài còn chưa chặt chẽ, vay vốn còn bố trí cho hoạt động mang tính chất chi thường xuyên như: tư vấn hỗ trợ rà soát, nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch, chiến lược; nâng cao năng lực thực hiện và quản lý dự án, cải cách thể chế...

Thứ năm, dư nợ nước ngoài tăng đáng kể chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các DN tăng mạnh. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là 29,7%, vượt giới hạn cho phép (25%).

/ Theo Thời báo Ngân hàng