Những quyền lợi nào người bệnh được hưởng từ dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi?

Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2023 và đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia một số vấn đề mới như: Đưa sữa mẹ thanh trùng vào thanh toán BHYT; đề xuất BHYT chi trả tầm soát soát một số bệnh, trong đó có ung thư cổ tư cung, ung thư vú…; đưa BHYT bổ sung liên kết cùng BHYT bắt buộc. Theo đại diện Bộ Y tế, những điểm mới này đều mang lại lợi ích cho người dân tham gia BHYT bắt buộc khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

Đưa một số bệnh được BHYT chi trả

Hiện nay, khám tầm soát các bệnh ung thư chưa được BHYT chi trả. Theo bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bộ Y tế, nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT của người dân.

Theo đó, Bộ Y tế đã đề xuất BHYT chi trả các chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường… “Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, khoa học, mô hình bệnh tật cần quan tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang cố gắng có đánh giá về tác động, hiệu quả khi đưa các bệnh vào phạm vi chi trả của BHYT”, bà Trang cho biết.

Bà Trang cho hay, hiện nay có rất nhiều ý kiến, kể cả trong Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 cũng có nội dung phải đa dạng hoá các gói quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng của nhiều đối tượng. Đối với BHYT bắt buộc, hiện chỉ quy định một gói BHYT duy nhất với mức đóng là 4,5% lương cơ bản. Theo định hướng Nghị quyết 20 đặt ra, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn hiện nay phải cần đa dạng hoá các gói quyền lợi, các mức đóng phù hợp với khả năng chi trả của người tham gia BHYT bắt buộc.

6_kham-1697415538558
Đề xuất đưa tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú vào chi trả Bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đang nghiên cứu nội dung này và cũng có thể có quy định đưa một số dịch vụ chưa được trong phạm vi thanh toán BHYT hiện hành như: Khám sức khoẻ định kỳ cho một số đối tượng, khám chẩn đoán sớm một số bệnh, gói bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ cho người già vào nghiên cứu để đa dạng hoá mức đóng.

Còn theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Năm 2022, chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ BHYT khoảng 110.000 tỉ đồng, dự kiến năm 2023 chi phí này là 120.000 tỉ đồng. 10% chi phí này chi trả khám chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư. Nếu được sàng lọc phát hiện bệnh sớm thì hiệu quả điều trị cao, mang lại lợi ích cả về kinh tế và sức khoẻ cho người dân.

Chi phí cho dự phòng sẽ thấp hơn nhiều nếu như để bệnh đến giai đoạn muộn mới phát hiện. Đưa tầm soát một số bệnh vào chi trả BHYT là một chính sách tiến bộ xét trên quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, cũng được nhiều chuyên gia và người dân ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại, với chi phí “khổng lồ” cho tầm soát một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tiểu đường, huyết áp…, Quỹ BHYT có chi trả được không? Theo bà Trần Thị Trang, một số gói bảo hiểm như tầm soát ung thư mà BHYT bắt buộc hiện nay không thanh toán, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu xây dựng thêm một hình thức BHYT bắt buộc thanh toán gói này, người tham gia có thể đóng thêm một một mức phí để hưởng gói quyền lợi đó.

“Ví dụ người trên 40 tuổi, đã có thời gian tham gia BHYT bắt buộc, sẽ đóng thêm một mức phí cho gói BHYT chăm sóc người già. Đề xuất này rất phù hợp vì đã có một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng. Việt Nam đang trong quá trình già hoá dân số, chăm sóc sức khoẻ người già cũng rất cần thiết. Hay gói khám chẩn đoán điều trị sớm một số bệnh, người dân được chăm sóc sức khoẻ, được khám và điều trị sớm một số bệnh lý, nếu để đến giai đoạn tăng nặng mới điều trị thì hiệu quả điều trị thấp, giảm hiệu quả chữa bệnh, giảm tỷ lệ sống, nguy cơ tử vong cao. Đối với Quỹ BHYT nếu để đến giai đoạn muộn mới điều trị thì nguy cơ tốn kém chi phí tiền giường, tiền thuốc, tiền điều trị nội trú, thậm chí có khoản chi cho thuốc rất đắt đỏ và có phương pháp điều trị rất tốn kém, làm ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHYT”, bà Trang nêu.

Mở rộng thêm bảo hiểm bổ sung để người dân lựa chọn

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật BHYT sửa đổi là phát triển thêm BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn. Đối với BHYT bổ sung, nhà nước có quy định tăng số người tham gia, bắt buộc phải tham gia BHYT bắt buộc mới được tham gia BHYT bổ sung. Gói BHYT bổ sung không được trùng lắp với quyền lợi hiện BHYT bắt buộc đã chi trả.

Theo bà Trần Thị Trang, các gói BHYT thương mại hiện hành do các công ty kinh doanh bảo hiểm cung cấp vẫn là dịch vụ thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Gói BHYT bổ sung không nhằm mục tiêu trùng lắp với các gói bảo hiểm đó, mà là thêm một gói lựa chọn cho người tham gia BHYT bắt buộc để người dân tự nguyện và có điều kiện tham gia thêm. Công ty kinh doanh bảo hiểm nào có nhu cầu tham gia gói bảo hiểm bổ sung phải tuân thủ quy định không được tự lựa chọn dịch vụ và lựa chọn đối tượng cung cấp (hiện nay là loại trừ người bệnh, chọn người khoẻ mạnh để bán bảo hiểm). Mức phí của gói BHYT bổ sung sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Luật sẽ phải quy định những nguyên tắc chung để bảo đảm mức phí phải tương xứng với phạm vi chi trả, không phải quyền lợi thì nhỏ mà mức đóng phí thì cao.

Bà Trang cho rằng, BHYT bổ sung nếu thực hiện được sẽ mang đến ưu việt vì có lợi cho người dân có nhu cầu. “Vì đây là bảo hiểm tự nguyện nên nhà nước không bắt buộc mọi doanh nghiệp phải tham gia cung cấp, mà là một sân chơi, nếu doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm có nhu cầu ký kết hợp đồng. Nhà nước quy định các quyền, trách nhiệm của các bên liên quan để giúp cho hợp đồng bảo hiểm bổ sung triển khai thuận lợi”, bà Trang nhấn mạnh và cho biết thêm, đây là một chính sách tự nguyện mới, chắc chắn phải có những nghiên cứu thấu đáo, kỹ càng, nhưng kinh nghiệm quốc tế đã thực hiện rồi, nên có thể đi từng bước, thực hiện dần theo lộ trình.

Trần Hằng / CAND