Nhật Bản có nợ công trên GDP cao nhất thế giới, với 237%, theo sau là Hy Lạp, Lebanon và Italy.
5 năm qua, khối nợ luôn là chủ đề khiến các thị trường toàn cầu lo lắng. Dù kinh tế tăng trưởng và lãi suất thấp kỷ lục giúp các chính phủ dễ trả nợ hơn, nó cũng khiến khối nợ chính phủ toàn cầu chạm mốc 63.000 tỷ USD năm 2017, theo số liệu sẵn có mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – Global Debt Database.
Tính theo nợ công danh nghĩa, 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới – Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đứng đầu danh sách nặng nợ. Trong khi đó, nếu tính theo tỷ lệ nợ công trên GDP, Nhật Bản, Hy Lạp và Lebannon lại chiếm các vị trí đầu tiên.
Dưới đây là các quốc gia có tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất thế giới, theo số liệu của IMF.
1. Nhật Bản
Nợ công trên GDP: 237,6%
Nợ công danh nghĩa: 11.588 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 60,2%
Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm, lạm phát thấp và già hóa dân số. Để kích thích kinh tế, Nhật Bản hiện còn áp dụng lãi suất âm. Nợ công của Nhật Bản tuy lớn, nhưng rủi ro vỡ nợ thấp, do chủ yếu được người dân trong nước nắm giữ.
2. Hy Lạp
Nợ công trên GDP: 181,8%
Nợ công danh nghĩa: 365 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 60,5%
Không như Nhật Bản, nợ của Hy Lạp chủ yếu trong tay thực thể nước ngoài. Kinh tế Hy Lạp lao dốc từ sau cuộc khủng hoảng nợ năm 2010, khiến họ phải nhiều lần nhận cứu trợ từ các tổ chức quốc tế và chấp nhận thắt lưng buộc bụng. Tháng 8/2018, họ mới ra khỏi chương trình cứu trợ này.
3. Lebannon
Nợ công trên GDP: 146,8%
Nợ công danh nghĩa: 79 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 58,3%
Thâm hụt tài khóa triền miên khiến nợ trên GDP của quốc gia Trung Đông này luôn thuộc nhóm cao nhất thế giới. Dù vậy, theo CIA World Factbook, nợ công của Lebanon chủ yếu do các ngân hàng nước này nắm giữ. Tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2017 chỉ vào khoảng 1-2% càng co hẹp nguồn thu thuế của chính phủ.
4. Italy
Nợ công trên GDP: 131,8%
Nợ công danh nghĩa: 2.557 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 53,6%
Kinh tế Italy vẫn khó khăn từ sau khủng hoảng tài chính vì ngập trong nợ nần. Với quy mô GDP gấp 10 lần Hy Lạp, Italy đang làm dấy lên mối lo về tương lai đồng euro và hệ thống tài chính châu Âu. Khủng hoảng nợ cũng là tâm điểm của bất ổn chính trị tại Italy, khi nhiều đời chính phủ vẫn chưa thể giải quyết việc này.
5. Bồ Đào Nha
Nợ công trên GDP: 125,7%
Nợ công danh nghĩa: 281 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 42,2%
Bồ Đào Nha ra khỏi chương trình cứu trợ của IMF - EU từ giữa năm 2014. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang phải khắc phục hậu quả từ khủng hoảng nợ khu vực đồng euro.
6. Sudan
Nợ công trên GDP: 121,6%
Nợ công danh nghĩa: 55,9 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 93,4%
Nền kinh tế Sudan bị cô lập khỏi thị trường vốn quốc tế trong nhiều năm, do lệnh trừng phạt của Mỹ với cáo buộc nước này tài trợ khủng bố. Quốc gia này đang đối mặt với chi phí thực phẩm tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp cao và chính phủ cũng đã vài lần vỡ nợ.
7. Singapore
Nợ công trên GDP: 111,1%
Nợ công danh nghĩa: 364 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 40,4%
Hồi tháng 8, Chính phủ Singapore hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay xuống 0-1%, do điều kiện trong nước và quốc tế xấu đi. Họ cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
8. Mỹ
Nợ công trên GDP: 105,2%
Nợ công danh nghĩa: 20.500 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 41,1%
Theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ hồi đầu năm, tổng nợ liên bang của họ vào khoảng hơn 22.000 tỷ USD, phần lớn do các thực thể trong nước nắm giữ. Trái phiếu chính phủ Mỹ là tài sản rất được ưa chuộng, dù trả lãi thấp kỷ lục nhiều năm qua. Nhật Bản và Trung Quốc hiện là hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, với số trái phiếu nắm giữ tổng cộng hơn 2.200 tỷ USD.
9. Bỉ
Nợ công trên GDP: 103,4%
Nợ công danh nghĩa: 511 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 32,2%
Bỉ đã áp dụng nhiều biện pháp giảm thâm hụt tài khóa, do chịu sức ép từ EU khi khối nợ công tăng cao. Dù vậy, các biện pháp này lại đang kéo tụt tăng GDP. Tốc độ tăng trưởng lương thấp và lạm phát tăng cao cũng đang đe dọa tiêu dùng tại đây
10. Ai Cập
Nợ công trên GDP: 103%
Nợ công danh nghĩa: 245 tỷ USD
Nợ công trên tổng nợ: 78,9%
Khối nợ của Ai Cập tăng vọt sau khủng hoảng tài chính và sự kiện Mùa xuân Arab. Họ sau đó đã phải nhận hàng tỷ USD cứu trợ từ cả các nước vùng Vịnh và IMF, đồng thời chấp thuận thắt chặt chi tiêu.
Hà Thu (theo IMF, WEF)
Ảnh: Reuters