Các đề tài nghiên cứu của nữ GS Nguyễn Thị Lan và cộng sự đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao, tạo ra được vắc-xin phòng bệnh, tiến tới thanh toán dịch bệnh, giảm thiệt hại cho bà con nông dân
GS Nguyễn Thị Lan, GS trẻ nhất của ngành thú y Việt Nam, vừa vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018, vì những cống hiến cho khoa học, xã hội.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Sinh năm 1974 ở Hà Tây (nay là Hà Nội), Nguyễn Thị Lan từ nhỏ đã gắn bó với ruộng đồng, với ngành nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội, bà ở lại trường làm công tác giảng dạy. Năm 2002, nữ giảng viên Nguyễn Thị Lan được Chính phủ cấp học bổng nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Miyazaki, Nhật Bản.
Giáo sư Nguyễn Thị Lan (thứ hai từ trái qua) và các cộng sự Ảnh: OANH THẮNG
Tốt nghiệp xuất sắc và nhận học vị tiến sĩ năm 2007, TS Lan đem những kiến thức chuyên ngành thú y với hướng nghiên cứu bệnh lý virus về giảng dạy tại Khoa Thú y, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Gần 30 năm qua, GS Lan đã làm chủ nhiệm và tham gia 22 đề tài khoa học cấp vụ, nhà nước và quốc tế. Bà đã công bố hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín. Trong đó, nổi bật là 30 bài báo trên các tạp chí ISI/Scopus danh giá của quốc tế. GS Lan là tác giả của những công trình nghiên cứu hiệu quả được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, có thể kể đến như: kit chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay còn gọi là bệnh tai xanh ở heo (năm 2011); công trình nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh sài sốt chó (năm 2016); công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất kháng thể đơn dòng để chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care; công trình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi; công trình "Quy trình chẩn đoán bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà được công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới ngành nông nghiệp"…
Những đề tài nghiên cứu này đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao, tạo ra được vắc-xin phòng bệnh, mở ra các hướng nghiên cứu mới các bệnh truyền nhiễm trên động vật, tiến tới thanh toán dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân. Đặc biệt, mới đây nhất, GS Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện virus dịch tả heo châu Phi trên đàn heo nuôi ở một số tỉnh phía Bắc ngay đầu năm 2019. Bà và các cộng sự đã giám sát, khống chế thành công virus dịch này, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vắc-xin phòng dịch tả heo cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Hết mình với nghề nghiệp
Được phong hàm GS năm 2018, nhà khoa học Nguyễn Thị Lan là GS trẻ nhất ngành thú y. Dù rất bận rộn với công tác quản lý (bà là Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV) nhưng GS Lan vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, giảng dạy. Bà chia sẻ những bài giảng sống động, hấp dẫn người học không chỉ có lý thuyết suông mà luôn mang hơi thở thực tiễn. Mỗi khi lên lớp, GS Lan dành nhiều thời gian cho sinh viên thảo luận, làm nhiều bài tập tại lớp và ở nhà. Nhiều nhóm sinh viên do GS Lan hướng dẫn đã giành được các giải thưởng lớn, trong đó có giải nhất cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) năm 2013.
GS Lan cũng là người rất tích cực trong việc thúc đẩy sự hợp tác đào tạo giữa học viện với nhiều trường ĐH ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Mỹ, Israel... mỗi năm đưa 400-500 sinh viên của học viện đi đào tạo và rèn nghề tại các nước này. GS Lan tâm sự một trong những trăn trở của bà chính là yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh. Sinh viên không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện.
Để đáp ứng yêu cầu này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 200 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện thực tập sâu sát thực tế cho sinh viên. GS Lan kỳ vọng sự hợp tác sẽ tạo thêm cơ hội cho người học thực hành nghề nghiệp, cọ xát thực tế, tiếp cận các hệ thống máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến nhất hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể kết hợp lý thuyết với thực tiễn sản xuất. Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 5 cả nước trong bảng xếp hạng đại học cả nước năm 2019, tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng đại học quốc tế năm 2018.
Đưa nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống
Từ những trải nghiệm thực tế, GS Lan luôn cố gắng đưa những kỹ năng chuyên sâu về nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp của mình để hỗ trợ bà con nông dân. Bà cùng các đồng nghiệp trực tiếp xuống các địa phương để giúp bà con xây dựng đề án phát triển kinh tế, hỗ trợ một số huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "rau sắng chùa Hương", "khoai tây Thường Tín", các mô hình sản xuất các loại rau giá trị cao, phục tráng thành công và phát triển giống bưởi thồ tại Phú Xuyên… GS Lan cũng trực tiếp chỉ đạo tổ chức hoạt động khoa học công nghệ vì Trường Sa, Hoàng Sa như dự án Sản xuất thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi ở đảo Trường Sa. Bà nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sử dụng đất nhân tạo và sử dụng dung dịch dinh dưỡng hữu cơ để phát triển rau xanh trên đảo. "Kết quả là đảo Trường Sa đã có bước chuyển mình rõ rệt về trồng trọt, chăn nuôi, rau xanh và đàn gia súc" - GS Lan hào hứng nói về công việc của mình.
Từ năm 2013 đến nay, GS Nguyễn Thị Lan được ĐH Miyazaki mời làm GS thỉnh giảng về lĩnh vực thú y, chuyên ngành bệnh truyền lây qua biên giới. Năm 2015, bà được trao danh hiệu GS danh dự chuyên ngành thú y của trường ĐH này. GS Lan hiện là Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lý thú y châu Á.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-3
Kỳ tới: Giữ đất khỏi miệng hà bá
Yến Anh
Những hình ảnh đẹp về phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc
Giữa non cao hùng vĩ, những người phụ nữ vùng cao Tây Bắc lọt thỏm trong bình minh hay ráng chiều với những công việc ... |
Coco Chanel: \'Phụ nữ không dùng nước hoa sẽ không có tương lai\'
8 câu nói dưới đây đã trở thành triết lý sống của những người phụ nữ vừa giỏi, vừa đẹp, lại vừa tinh tế. |