Liên tục trong thời gian gần đây, Báo Lao Động nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc phản ánh các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc ở TPHCM vẽ bệnh, xiết tiền của bệnh nhân. Các phòng khám cùng thực hiện phương thức bệnh nhân lên bàn mổ mới… phát hiện ra bệnh mới, buộc phải mổ ngay với chi phí “cắt cổ”.
Phòng khám Đa khoa Baylor. Ảnh: K.Q |
Mổ ra nhưng không chịu… đóng lại
Mới đây, anh N.Đ.H (29 tuổi, ở quận 10, TPHCM) đã bức xúc với cách hành xử của nhân viên, bác sĩ ở Phòng khám Đa khoa Baylor (số 202 Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM). Anh H kể lại, vào lúc 17h30 ngày 10.10, anh cùng bạn gái đến Phòng khám Đa khoa Baylor để khám hẹp bao quy đầu.
Anh H được một bác sĩ người Trung Quốc tên là Rong Cheng Chen khám và yêu cầu tiểu phẫu cắt bao quy đầu với giá 2.800.000 đồng. Cộng với tiền khám, xét nghiệm máu và nước tiểu, tổng số tiền cho thủ thuật cắt bao quy đầu mà phòng khám này báo cho anh H biết là 3.200.000 đồng. Anh đồng ý và đóng tiền để mổ ngay trong ngày.
Tuy nhiên, lúc vào phòng mổ, khi đang làm tiểu phẫu, bác sĩ người Trung Quốc nói gì đó với anh H và được phiên dịch dịch lại là bác sĩ phát hiện dương vật của anh H có polyp ở mạch máu phải lấy ra. Bác sĩ cũng thông báo luôn với anh H là có 2 phương pháp lấy polyp. Một là hút dịch trong polyp ra với giá 26,5 triệu đồng. Tuy nhiên, phương pháp này không thể hết được hoàn toàn. Phương pháp thứ 2 là lấy toàn bộ polyp, trị “dứt điểm” bệnh với giá 56,8 triệu đồng.
“Tôi nói với bác sĩ, tôi không làm và yêu cầu bác sĩ may lại cho tôi để về thương lượng với gia đình vì số tiền quá lớn. Tuy nhiên, người phiên dịch nói với tôi rằng không được, nếu may lại thì vỡ mạch máu, sẽ gây hoại tử và phải cắt bỏ dương vật. Nghe thấy phải cắt bỏ dương vật, tôi rất sợ nhưng vì không có tiền nên vẫn phải năn nỉ bác sĩ khâu vết mổ lại để tôi về”.
Theo anh H, dù cho anh năn nỉ, người phiên dịch và bác sĩ vẫn không chịu đóng vết mổ để cho anh về. Thay vào đó, người phiên dịch ra ngoài, trao đổi với bạn gái của anh H để cô viết giấy ghi nợ số tiền 56,8 triệu đồng và giữ lại chứng minh nhân dân của anh H. Sau đó, bác sĩ mới tiếp tục thực hiện phẫu thuật rồi khâu dương vật lại cho anh H. Khi bạn gái anh H liên lạc được với gia đình, đem số tiền 56,8 triệu đồng đến đóng cho phòng khám, anh H mới được cho về.
“Cả cuộc mổ cắt bao quy đầu và lấy polyp kéo dài chỉ hơn 30 phút. Bao gồm cả thời gian thương lượng giá cả với tôi. Tôi không biết bác sĩ đã làm gì với mình vì có màn bằng vải che phía dưới cơ thể tôi”. Anh H kể, sau khi về nhà, hôm sau, dương vật của anh bị rách, có vết thương chảy máu anh quay lại phòng khám Bayler. Tại đây, bác sĩ người Trung Quốc chỉ băng bó sơ sài rồi cho anh về.
Người nhà đã phải đưa anh đi khám tại Bệnh viện Bình Dân và được bác sĩ khâu lại vết mổ. “Tôi ngỡ ngàng khi bác sĩ Bệnh viện Bình Dân cho biết, tôi chỉ được mổ cắt bao quy đầu chứ không hề có phẫu thuật nào khác. Bác sĩ cũng nói rằng, thông thường, polyp mạch máu chỉ xuất hiện ở những vùng khác trên cơ thể chứ không có trên dương vật”.
Quá bức xúc, anh H đã nộp đơn lên Công an phường 15 (quận 10) để phản ánh sự việc và đã được hướng dẫn thủ tục kiện phòng khám.
Chiều 12.10, bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ đầu tư Phòng khám Đa khoa Baylor - đã hẹn gặp gia đình anh H để giải quyết vụ việc. Phải sau hàng giờ tranh luận, với áp lực của người nhà, bà Nguyễn Thị Thanh đã nhận những “thiếu sót” của bác sĩ, nhân viên phiên dịch. Bà Thanh đã phải xin lỗi gia đình và hoàn lại số tiền 56,8 triệu đồng.
Giấy ghi nợ 56,8 triệu đồng do Phòng khám Đa khoa Bayler viết cho anh H. Ảnh: K.Q |
Mắc nợ hàng chục triệu sau khi cắt bao quy đầu
Cũng bị “hét giá” trên bàn mổ tương tự như anh H, mới đây, anh N.H.T (ở huyện Hóc Môn, TPHCM) bỗng dưng trở nên nợ chồng chất sau khi đi cắt bao quy đầu ở Phòng khám Đa khoa Hồng Phong (địa chỉ 160-162 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5).
Phản ánh với Báo Lao Động, anh T cho biết, ngày 3.10, anh đến Phòng khám Đa khoa Hồng Phong để khám vì bị xuất tinh sớm. Tại đây, sau khi làm xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ người Việt (không đeo bảng tên) cho biết, anh T bị rất nhiều bệnh là dài da quy đầu, viêm tuyến tiền liệt, xuất tinh sớm và chỉ định phẫu thuật cắt bao quy đầu ngay trong ngày.
Bác sĩ này cho biết, tình trạng của anh khá “nguy hiểm” vì nếu không điều trị kịp thời có thể gây vô sinh, đồng thời phòng khám tư vấn giá thực hiện tiểu phẫu cắt bao quy đầu ở 3 mức, 5,8, 7,8 và 9,8 triệu đồng.
“Họ bảo mức 5,8 triệu đồng là cắt truyền thống, may bằng chỉ không tiêu nên sau đó mình phải đi cắt chỉ và tái khám nhiều lần. Còn mức 9,8 là can thiệp bằng phương pháp hiện đại, may bằng chỉ tự tiêu và mau lành. Nghe vậy, tôi chọn mức giá 9,8 triệu đồng cho yên tâm”.
Anh T cho biết, anh được phẫu thuật bởi một bác sĩ nam người Trung Quốc: “Trong khi nằm trên bàn phẫu thuật, đã phẫu thuật cắt bao quy đầu xong thì bác sĩ nói rằng, tôi có nang ở da dương vật nên phải đốt điện với giá 15,8 triệu đồng. Bác sĩ giải thích nếu không đốt, nang sẽ vỡ ra gây vô sinh. Vì đang trên bàn mổ và ảnh hưởng đến việc có con nên tôi đồng ý để bác sĩ thực hiện thêm thủ thuật đốt nang. Hơn nữa, trong lúc vào mổ, bác sĩ không cho tôi dùng điện thoại nên tôi không thể gọi để hỏi ý kiến gia đình”.
Sau khi phẫu thuật, phòng khám đưa phiếu thu cho anh T với nhiều khoản phát sinh như phí điều trị 4,5 triệu đồng, điều trị đốt nang 15,8 triệu đồng, tiểu phẫu bao quy đầu 9,8 triệu đồng, rửa bàng quang 12,8 triệu đồng, phí truyền dịch 200.000 đồng, tiền một số loại thuốc đơn giản (sinfuly, sonentiz, thuốc đông dược, xét nghiệm) hơn 4,2 triệu đồng. Tổng cộng, anh T phải trả 47,350 triệu đồng.
“Vì chỉ định đến để làm tiểu phẫu cắt bao quy đầu, hai vợ chồng tôi chỉ gom được 10 triệu để mang đi. Sau khi nhận phiếu thu, vợ tôi phải chạy từ quận 10 về Hóc Môn để mượn tiền mẹ tôi gần 40 triệu đồng mang đến đóng. Mẹ tôi cũng không có tiền mà phải gấp rút đi mượn bà con. Trong lúc đó, phòng khám giữ tôi lại để…hồi sức” - Anh T ấm ức kể.
Anh T cho biết, sau khi được thực hiện tiểu phẫu, bác sĩ hẹn anh tái khám hằng ngày trong suốt 1 tuần. Hôm sau, ngày 4.10, anh tới tái khám thì anh được chỉ định… truyền dịch và nằm trên máy vật lý trị liệu nửa tiếng, kê 3 gói thuốc đông y không nhãn mác với số tiền tổng cộng 5 triệu đồng. Vì số tiền tái khám quá cao, hôm sau, anh T quyết định đến Bệnh viện Bình Dân để khám.
Tổng số tiền khám và thuốc uống trong suốt 7 ngày chỉ hơn 300.000 đồng. Quá bức xúc, anh T cho biết đã làm đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Y tế TPHCM với mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc.
Thích khám chỗ “nhạy cảm”
Trao đổi về các vi phạm của phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TPHCM, TS.BS Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM - cho biết, hiện nay, TPHCM có khoảng 250 phòng khám đa khoa đang hoạt động nhưng qua thanh tra, kiểm tra và những phản ảnh, khiếu nại của người bệnh lại tập trung nhiều vào các phòng khám có người Trung Quốc.
“Thời gian qua, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều phản ánh của người dân về việc phòng khám có người Trung Quốc vẽ bệnh, thu giá trên trời, phóng đại bệnh làm ra vẻ nguy hiểm. Đa phần, các phòng khám nắm bắt tâm lý người bệnh, tập trung vào các kỹ thuật khám những bệnh nhạy cảm, vùng kín - những bệnh bệnh nhân ngại đi khám ở bệnh viện công”.
Chánh Thanh tra Sở Y tế cho hay: “Người bệnh phản ánh nhiều nhất là giá cả khám-chữa bệnh tại đây. Dù luật pháp cho phép các cơ sở y tế tư nhân được tự chủ về giá. Thế nhưng, giá khám-chữa bệnh phải được niêm yết và công khai với người bệnh. Nhiều bệnh nhân phản ánh, giá khám bệnh tại các phòng khám mập mờ, và họ không được thông báo trước về giá.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cho biết, họ bị các phòng khám vẽ bệnh. Nhiều người không có bệnh mà bị chẩn đoán bệnh nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân thường bị đuối lý vì bệnh nhân thường phải ký vào văn bản đồng ý thực hiện phẫu thuật. Mặt khác, quá trình vẽ bệnh này, bệnh nhân thường không có bằng chứng nào cả. Việc xác định bệnh nhân có bị bệnh nguy hiểm như phòng khám nói hay không rất khó đối chứng bởi bệnh đã chữa xong rồi”.
Chánh Thanh tra Sở Y tế cho rằng, Sở Y tế TPHCM cần hạn chế danh mục kỹ thuật đối với các phòng khám tư nhân. Nếu kỹ thuật nào bị người dân phản ánh quá nhiều, vi phạm nhiều, Sở Y tế cần thu hồi giấy phép thực hiện kỹ thuật ở phòng khám đó, không cho phép họ tiếp tục thực hiện nữa: “Ví dụ như cắt bao quy đầu có quá nhiều sai phạm và bị phản ánh liên tục thì cần rút giấy phép của phòng khám đó” - ông Bùi Minh Trạng nói.
Xử phạt hàng hoạt phòng khám có bác sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc
Ngày 19.10, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM và Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt 5 phòng khám ... |
TP.HCM: Phát hiện hàng loạt phòng khám nha khoa ‘3 không’
Dù không có bất kỳ giấy tờ gì, nhưng các phòng khám này vẫn ngang nhiên hoạt động khám chữa bệnh, khiến nhiều người dân ... |
Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)
Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ... |
http://laodong.vn/phong-su/nhung-phong-kham-ma-quai-tai-tphcm-het-gia-cat-co-benh-nhan-tren-ban-mo-570845.ldo