Những phát ngôn gây tranh cãi của thí sinh Đường lên đỉnh Olympia

Trước Chu Ngọc Quang Vinh, nhiều thí sinh tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cũng từng khiến cộng đồng mạng tranh cãi vì phát ngôn gây sốc.

Từng được yêu mến tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia, nhiều thí sinh bị quay lưng, thậm chí chỉ trích nặng nề do phát ngôn gây sốc, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Phát ngôn gây phẫn nộ

Những ngày qua, cái tên Chu Ngọc Quang Vinh được réo gọi khắp các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích nam sinh lớp 12 trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) vì bài viết "chưa phù hợp" trên facebook cá nhân.

Bài viết của nam sinh đăng tải đêm 1/9 với nội dung: “Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”.

Vinh cho rằng, việc ôn thi Đường lên đỉnh Olympia chỉ để sống ở nước ngoài với mưu cầu lợi ích cá nhân. Ngoài ra, nam sinh thừa nhận việc học lịch sử không phải theo ý muốn của bản thân.

Chu Ngọc Quang Vinh bị chỉ trích vì vô ơn. (Ảnh chụp màn hình)

Chu Ngọc Quang Vinh bị chỉ trích vì vô ơn. (Ảnh chụp màn hình)

Dù đã cài đặt chế độ riêng tư chỉ 16 người có thể xem được dòng trạng thái này nhưng quan điểm của Vinh vẫn bị lọt ra ngoài khiến nhiều người phẫn nộ. 

Cộng đồng mạng bình luận: "Mới có được tí chữ đã vội bỏ làng, dám chê bai nơi mình sinh ra...". Có người còn trích câu hát để nói về sự vô ơn của nam sinh quê Yên Bái: "Vài người thường ăn hải sản, rồi lại chê bai mùi cá ao".

Dù sau đó Vinh đăng bài xin lỗi và nhận đã "phát ngôn bừa bãi và nông cạn" nhưng cộng đồng mạng vẫn chỉ trích gay gắt.

Chu Ngọc Quang Vinh từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 và giành giải nhất tháng I, quý I với 300 điểm.

Phát ngôn thiếu văn hoá

 

Trước Chu Ngọc Quang Vinh, một số cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia cũng từng bị khán giả tẩy chay do phát ngôn vô văn hoá trên mạng xã hội.

Vốn được yêu quý khi nỗ lực vượt qua các thử thách của chương trình tại vòng thi tuần 3, tháng 2, quý 3, phát sóng ngày 9/5/2021, Nguyễn Hải Lâm (cựu học sinh trường THPT Phúc Thọ, Hà Nội) khiến nhiều khán giả quay lưng khi "lời qua tiếng lại" với một fanpage trên mạng.

Phát ngôn của Hải Lâm bị chỉ trích. (Ảnh chụp màn hình)

 Phát ngôn của Hải Lâm bị chỉ trích. (Ảnh chụp màn hình)

Ở phần thi Về đích, với câu hỏi 20 điểm: "10 đường thẳng phân biệt có thể có nhiều nhất bao nhiêu giao điểm", Hải Lâm đưa ra câu trả lời khá nhanh là 90 tuy nhiên đáp án đúng là 45.

Sau khi chương trình phát sóng, một fanpage về Toán học đăng lại phần thi của Hải Lâm kèm caption: "Thí sinh chưa phân biệt được tổ hợp và chỉnh hợp nên trả lời sai".

Bức xúc vì bị chê bai trả lời sai câu hỏi dễ, Hải Lâm dùng lời lẽ thô tục phản bác lại gây ra những hình ảnh phản cảm. Nhiều người không hài lòng, thậm chí thất vọng khi một học sinh giỏi có phát ngôn vô văn hoá như vậy.

Sau vụ việc, Hải Lâm rút kinh nghiệm, chú ý hơn khi phát ngôn trên mạng xã hội nhưng nhiều người vẫn cho rằng đó là hành động không thể tha thứ.

Phát ngôn thách thức 

Từng gây sốt khi tham gia Đường lên đỉnh Olympia tháng 3/2016 nhờ diện mạo xinh xắn, "hot girl ống nghiệm" Phạm Tường Lan Thy suốt nhiều năm qua vẫn luôn là chủ đề bán tán trên mạng xã hội.

Ngoài việc bị tố nói dối, cướp công của bạn học, Lan Thy từng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ khi bình thản trả lời điểm số trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Khi biết bảng điểm của hot girl nhiều người chê kết quả quá thấp so với loạt thành tích cô sở hữu.

Lan Thy là nhân vật gây tranh cãi trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

 Lan Thy là nhân vật gây tranh cãi trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Số điểm của Lan Thy đạt được ở các môn như sau: Toán 6,25, Ngữ văn 7, tiếng Anh 6,75, Hóa học 5,5 và Lịch sử 3,75. Trong đó, điểm môn Lịch sử của Lan Thy khiến nhiều người thất vọng vì không đạt ngưỡng trung bình.

Trước những lời chỉ trích, Lan Thy tỏ ra bình thản và hài lòng với điểm thi: “Một bảng điểm không thể hiện đủ khả năng của một người huống hồ mục tiêu của mình không phải là thi đại học. Xin lỗi chứ mình có học bổng du học nên mình thi tốt nghiệp mà, mình đâu có thi đại học đâu"... Những phát ngôn trên mạng xã hội của Lan Thy được đánh giá có phần thách thức, kiêu ngạo.

Giới trẻ cần cẩn trọng phát ngôn trên MXH

Cô Phạm Thị Thuý, giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Nội cho rằng, sơ suất trong phát ngôn là điều dễ thông cảm, nhưng lệch chuẩn trong nhận thức là rất đáng cảnh báo.

Việc những bạn thí sinh Olympia phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội là lời nhắc nhở cho toàn xã hội, về việc định hướng, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn, trách nhiệm và sự tôn trọng đối với quê hương, đất nước, cũng như sử dụng các phương tiện truyền thông.

"Với những người trẻ, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng nhất định như các thí sinh đã từng giành vòng nguyệt quế tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia việc suy nghĩ chín chắn trước khi phát ngôn, tránh gây tổn thương cho người khác và không làm ảnh hưởng đến cộng đồng là điều rất quan trọng", cô Thuý nhấn mạnh.

https://vtcnews.vn/nhung-phat-ngon-gay-tranh-cai-cua-thi-sinh-duong-len-dinh-olympia-ar893571.html

Hiểu Lam / VTC News