Ngày 6/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế, chia sẻ quan điểm trước việc nhiều người lo ngại sử dụng một số loại trái cây có thể có cồn trong hơi thở, trong máu, gây nhầm lẫn trong việc xử phạt người tham gia giao thông.
"Đúng là những hoa quả như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn, nhưng chỉ sau 30-60 phút tùy theo lượng dùng, cơ thể sẽ hết lượng cồn trong máu và khí thở vì hàm lượng rất nhỏ. Vì thế người dân không lo ăn hoa quả xong ra đường sẽ bị xử phạt", ông Quang nói.
Trong quá trình tuyên truyền thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được. Những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì không phải là đối tượng xử phạt.
Về lo ngại uống bia rượu sau bao lâu mới được lái xe, ông Quang phân tích, không có ngưỡng chuẩn cho mọi cá nhân vì phụ thuộc vào lượng, nồng độ bia, rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của mỗi người.
Trung bình với người bình thường, sau một giờ gan sẽ chuyển hóa hết một đơn vị cồn. Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể phải mất 1-2 giờ nữa. Một đơn vị cồn khoảng 10 gram cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, một ly rượu vang 100 ml nồng độ cồn 13%, một chén rượu 30 ml có nồng độ cồn 40%.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, cũng cho rằng hàm lượng cồn trong trái cây rất nhỏ nên máy đo không thể hiện được. Từ trước đến nay, chưa có người dân nào phản ảnh ăn hoa quả bị phạt vì nồng độ cồn cao. "Cảnh sát giao thông có đủ trình độ để phát hiện người ăn hoa quả hay uống rượu bia để xử phạt nồng độ cồn, người dân có thể yên tâm", ông Thạch nói.
Về việc uống rượu, bia sau bao lâu được lái xe, ông Thạch cho biết, một số tài liệu cho thấy cơ thể nam giới có thể uống một cốc bia 0,3 lít có nồng độ 5% thì sau 2 giờ mới có thể điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, việc chuyển hóa lượng cồn còn phụ thuộc từng cá nhân.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho biết về mặt lý thuyết một số ít hoa quả để lâu lên men có thể có chút ít nồng độ cồn nhưng vô cùng thấp, cơ thể hấp thụ và thanh lọc lượng cồn nhỏ này rất nhanh chóng. Không ai mua hoa quả về để lên men mới ăn và nếu vô ý ăn thì phải tới hàng kg lượng cồn mới ở mức đáng kể, bởi vậy điều đó rất khó xảy ra.
"Các nhà sản xuất đã tính toán để thiết bị đo chỉ ghi nhận khi nồng độ cồn ở mức nhất định, bởi vậy nếu uống rượu bia thì chắc chắn bị phát hiện, còn ăn hoa quả thì có thể yên tâm", ông Minh nói và tin tưởng rằng cảnh sát giao thông sẽ không phạt những trường hợp ăn vài quả vải hay sử dụng nước súc miệng.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, cũng chia sẻ những thủ phạm gây dương tính giả khi đo nồng độ cồn.
Thông thường những thuốc này gồm hỗn hợp dung dịch thuốc hạ sốt/thuốc cúm, thuốc dị ứng, các loại thuốc kê đơn có cồn, xịt thơm miệng (breath fresheners), thuốc hen dạng xịt, các sản phẩm làm thơm sử dụng gần miệng (như sản phẩm sau khi cạo râu) và nước súc miệng.
Một số dạng như thuốc ho (thường chứa tinh dầu bạc hà menthol) có thể gây ra dương tính giả. Vì vậy, một số loại chứa bạc hà như kẹo cao su, nước tăng lực, thanh protein, liqueur chocolates cũng có thể gây dương tính giả.
Nếu vừa uống rượu vừa sử dụng những sản phẩm trên, kết quả kiểm tra nồng độ cồn sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc mức phạt cũng tăng lên.
Sau khi tiêu thụ đồ uống có cồn, một số chất cồn nằm trong niêm mạc miệng. Điều này có thể phóng đại kết quả đo khiến chúng cao hơn nồng độ cồn trong máu thực tế. Vì thế, khi vừa uống rượu xong, cần súc lại miệng và đợi sau 15 phút để đo lại lần 2.
Rượu được sử dụng trong nấu ăn, nó sẽ bị cháy nên tỷ lệ dương tính sẽ thấp. Khi rượu được thêm vào món tráng miệng, món ăn này cũng tương tự việc uống rượu. Bánh pizza, men có trong bột nhào có thể tạo ra rượu.
Rượu dễ hòa tan trong sản phẩm có nhâm sâm và cây rễ vàng (Rhodiola) nên các loại thực phẩm này thường chứa một lượng rượu nhất định.
Một số thức uống tăng lực chứa vitamin B cần rượu để dễ hòa tan. Nghiên cứu của Brian và cộng sự ở Mỹ thấy rằng 40,7% các loại đồ uống tăng lực cho kết quả dương tính và 88,9% cho thấy lượng rượu dao động từ 5-230 mg/dL. Vì thế, người uống bò húc với lượng lớn khi liên hoan kết quả vẫn có nồng độ cồn trong hơi thở, thậm chí là đo nồng độ cồn trong máu.
Đáng ngạc nhiên khi thuốc lá có thể gây ra dương tính giả dù sử dụng cảm biến bằng pin nhiên liệu. Hydrogen chiếm 1% thành phần của khói thuốc lá. Hydrogen có thể bị oxy hóa ở điện cực platinum để tạo ra dòng điện. Dòng điện này nhỏ nhưng vẫn gây dương tính. Những người làm việc trong môi trường có chất bay hơi như chất lỏng làm sạch, keo dán, chất kết dính tiếp xúc, sơn, sơn mài và các loại sơn phun khác cũng có thể gây dương tính giả khi kiểm tra nồng độ cồn.
Nếu không uống rượu, kết quả kiểm tra vẫn dương tính nên bình tĩnh chờ 15 phút để đo lại lần 2.
Nếu tiêu thụ quá nhiều thức ăn hay đồ uống có rượu trong đó thì vẫn bị phạt theo nghị định mới.Nếu vừa sử dụng rượu vừa hút thuốc, vừa ăn uống những đồ chứa rượu, kết quả của bạn sẽ bị tăng nặng, bình tĩnh chờ 15 phút đo lại để mong giảm án phạt. |
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống