Đặt chân đến căn cứ Korla (Trung Quốc) giữa trưa nắng, các quân nhân Việt Nam choáng ngợp trước sa mạc rộng mênh mông, khô khốc.
Các thành viên đội tuyển Việt Nam tập bắn súng tại thao trường Army Games 2019.
Đội tuyển Hoá học của quân đội Việt Nam bắt đầu chuỗi ngày rèn luyện và thi đấu ở Hội thao quân sự quốc tế (Army Games 2019) từ ngày 21/7. Đây là lần đối mặt với khí hậu khắc nghiệt nhất của Thượng tá Lê Ngọc Nghĩa (Tổ trưởng bảo đảm kỹ thuật) và các đồng đội
Khác với trong nước, mặt trời ở căn cứ Korla (Tân Cương, Trung Quốc) 10h đêm mới xuống núi. Một ngày ở đây vì thế bắt đầu muộn hơn. Họ đến thao trường lúc 9h30 và luyện tập đến 13h30; ca chiều từ 16h30 đến tận 20h30 tối. Những thay đổi này ảnh hưởng lớn đến thói quen sinh hoạt của chiến sĩ. Nhiều người mệt mỏi, mất ngủ.
Ban huấn luyện vạch ra phương án khắc phục bắt đầu từ bài tập thể lực cơ bản đến phức tạp, tăng dần về cường độ như chạy 1.000 m, 3.000 m... Ngoài ra, các chiến sĩ tận dụng cơ sở vật chất có sẵn tại căn cứ để tập bổ trợ các bài rèn luyện sức mạnh, nhanh, bền về thể lực.
Khi luyện tập trên thao trường sa mạc mênh mông không một bóng cây, cát mù mịt, các chiến sĩ vẫn phải mặc trên người bộ khí tài phòng da (tránh chất độc gây hại cho cơ thể) nặng khoảng 3 kg và đeo mặt nạ phòng độc (có hộp lọc, lọc sạch không khí).
Khó khăn càng tăng thêm khi tất cả vũ khí, trang bị mà đội tuyển Việt Nam tiếp nhận đều do Trung Quốc sản xuất, quân đội Việt Nam chưa từng tiếp xúc và sử dụng trước đó. Đặc biệt, súng tiểu liên QBZ-95 sử dụng cơ cấu ngắm cơ khí hoàn toàn khác với các loại súng quân đội Việt Nam sử dụng trong huấn luyện và chiến đấu, trong khi tất cả các đội khác tham gia thi đều đã có kinh nghiệm huấn luyện, sử dụng và thi đấu với loại súng này.
Trước rất nhiều bất lợi, Cả ban huấn luyện và đội tuyển Việt Nam bảo nhau tận dụng từng giây trên bãi tập để làm quen với thời tiết và vũ khí, trang bị.
Những lo lắng của người lính được bỏ lại phía sau khi tiếng còi khai cuộc vang lên vào sáng 8/8. Đội tuyển Việt Nam bước vào phần thi với tâm lý thoải mái. Theo thượng tá Nghĩa, ở phần thi này, mỗi đội tuyển có 2 kíp xe tham gia thi (mỗi kíp xe gồm 3 vận động viên).
Nhiệm vụ mỗi kíp xe là phải vượt qua 12 vật cản xe, 12 vật cản thể lực và 3 khu vực thực hiện nội dung chuyên ngành. Đó là trinh sát Hóa học (trinh sát ba điểm với ba chất độc hoá học khác nhau), dò tìm nguồn phóng xạ (dùng thiết bị dò tìm nguồn phóng xạ trên xe do ban tổ chức bố trí sẵn, dán giấy đánh dấu) và tiêu tẩy (làm sạch 2 pano đã được phun dung dịch loang lổ).
Thiếu uý Cao Văn Diện nhớ, hôm đó trời nắng nóng gần 40 độ C, độ ẩm 25%. Trên kíp xe số 1, anh và hai đồng đội nhìn nhau rồi gật đầu trước khi bước vào cuộc đua. Cái gật đầu là lời nhắc nhở, cũng là lời hứa, chiến đấu bằng cả sức lực và trái tim. Xung quanh, các đội thi cũng hừng hực khí thế khiến không khí tại thao trường Korla như một chảo lửa đúng nghĩa.
Với chàng thiếu uý mới rời ghế giảng đường đại học, có được cơ hội bước ra bên ngoài so tài với quân đội các nước vừa là mơ ước, vừa là niềm tự hào. Khi đối đầu với đội tuyển Armenia, Việt Nam mở màn có phần yếu thế khi xe đội bạn vượt Việt Nam ở 4 vật cản đầu tiên. Tuy nhiên, tại bãi thực hiện nội dung chuyên ngành Trinh sát Hóa học, Diện đã hoàn thành phần thi nhanh chóng và chính xác, giành lại lợi thế dẫn đầu cho Đội tuyển Việt Nam.
Sau ngày thi đầu tiên, đội tuyển Hóa học Việt Nam giành vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Nga. Diện nói, đây là điều mà cả ban lãnh đạo và huấn luyện viên chưa bao giờ nghĩ tới.
Thiếu úy Cao Văn Diện chuẩn bị thực hiện nội dung thi chuyên ngành Trinh sát hóa học. Ảnh: Trung Kiên
Ngày thi thứ hai (10/8), Việt Nam cùng các đội tranh tài nội dung bắn súng. Dù ở thế yếu vì trước đó chưa quen với loại vũ khí được trang bị để thi, đội tuyển Việt Nam đã làm nên điều bất ngờ khi xếp ở vị trí thứ 3, trong đó Trung úy Vũ Văn Hùng xuất sắc hạ gục toàn bộ mục tiêu với tốc độ nhanh.
Kết quả này khiến toàn đội phấn chấn. Bắn mục tiêu khi phải mang đầy đủ khí tài phòng da và mặt nạ phòng hô hấp, khoảng cách đến mục tiêu lại không cố định và thời gian để thực hiện loạt bắn rất ngắn (8 giây); không mở khóa an toàn trước khi mục tiêu xuất hiện... đều là những yêu cầu rất khó.
Ngày thi cuối cùng (12/8), ban tổ chức tạo âm thanh và màn khói mô phỏng chiến trường giữa sa mạc rộng lớn. Hai lái xe của đội tuyển Việt Nam gồm các Trung úy Trần Ngọc Hiền và Trịnh Bá Dương đã thực hiện những pha bứt phá, vào cua chính xác, không phạm lỗi khi vượt vật cản.
Ở khu vực thi trinh sát hóa học, ban tổ chức tăng độ khó bằng cách sử dụng nồng độ chất độc và nguồn phóng xạ yếu hơn bình thường, gây khó khăn cho việc dò tìm. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng trong ngày thi cuối cùng, các vận động viên phải chạy qua 12 vật cản khi thực hiện nhiệm vụ. "Đến vật cản thứ 11, 12, chúng tôi chỉ còn chạy bằng ý chí. Ai cũng nghĩ trong đầu là phải chạy, địch ở phía trước, vì nếu bỏ qua 2 vật cản liên tiếp thì toàn đội sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi", Thượng uý Vũ Văn Đông chia sẻ và cho biết, lái xe Trịnh Bá Dương khi về đến đích đã nằm bệt xuống đất vì kiệt sức, đồng đội phải dìu anh dậy.
Các thành viên của ba kíp xe trinh sát thực hiện nhiệm vụ "Môi trường an toàn" của đội tuyển Hoá học Việt Nam ở căn cứ Korla thuộc Quân khu Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Trung Kiên
Với những cố gắng đó, đội tuyển Hoá học Việt Nam đã giữ vị trí số 3 trong ngày thi cuối cùng, mang về tấm Huy chương đồng trong lần đầu tiên tham gia sân chơi Army Games. Các vận động viên cũng giành thêm 4 danh hiệu cá nhân, bao gồm: Đại tá Phạm Đại Lâm đạt giải "Trọng tài ưu tú"; Thiếu úy Vũ Văn Hùng đạt giải "Xạ thủ xuất sắc"; Thiếu úy Cao Văn Diện và Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trịnh Bá Dương đạt 2 giải "Vận động viên ưu tú".
Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) 2019 do Nga khởi xướng, chủ trì tổ chức tại thao trường của 10 quốc gia với 32 môn thi. Nội dung kíp xe trinh sát thực hiện nhiệm vụ "Môi trường an toàn" được Trung Quốc đăng cai tại căn cứ Korla, Quân khu Tân Cương, với sự tham gia thi đấu của 5 quốc gia gồm Việt Nam, Nga, Ai Cập, Armenia và nước chủ nhà Trung Quốc.