Những loại thuốc F0 không tự ý sử dụng

Thời gian gần đây, khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, nhiều F0 đã lên mạng xã hội tìm kiếm cũng như truyền tai nhau mua các loại thuốc điều trị Covid-19, thuốc hỗ trợ, thuốc dự phòng điều trị Covid-19.

Một trong những loại thuốc chuyên gia khuyến cao F0 không tự ý sử dụng là thuốc kháng virus chứa hoạt chất Molnupiravir. BS.CKII Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết hiện nay thuốc kháng virus Molnupiravir đã được bán tại một số hiệu thuốc, tuy nhiên cần lưu ý không phải ai cũng cần dùng thuốc kháng virus Molnupiravir khi mắc COVID-19.

Thuốc kháng virus Molnupiravir chỉ nên ưu tiên sử dụng cho những người có bệnh nền, người cao tuổi và chưa tiêm vaccine COVID-19. Ngoài ra nên sử dụng sớm trong 5 ngày đầu dương tính.

"Những người đã tiêm vaccine COVID-19 có khoảng 80-90% không cần điều trị cũng khỏi. Vì vậy, F0 không cần uống thuốc kháng virus tràn lan, như vậy gây lãng phí. Thuốc kháng virus chỉ nên ưu tiên dùng cho những người có bệnh nền, người cao tuổi, chưa tiêm vaccine .

Nếu dùng thuốc kháng virus chúng ta nên sử dụng sớm, trong vòng 5 ngày đầu kể từ khi bệnh khởi phát, sau 5 ngày thì không nên dùng. Khi virus mới xâm nhập vào cơ thể, thuốc kháng virus có chức năng ức chế virus. Khi mới nhiễm bệnh, thuốc sẽ làm chậm sự lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, thuốc kháng virus chỉ làm giảm tối đa 30-40% diễn biến nặng. Bởi vậy, người bệnh đã dùng thuốc vẫn có thể có diễn biến nặng và vẫn cần phải theo dõi như bình thường", bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ dưới 18 tuổi, người có dự định mang thai.

Còn về thuốc kháng sinh, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết không có tác dụng với virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng. Nhóm thuốc kháng sinh dùng để phòng và điều trị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amidan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang...). Nhưng thực tế, nhiều F0 vội sử dụng 2 loại kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Nếu F0 có biểu hiện ho, đau họng, không nên vội uống kháng sinh mà có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nhóm thuốc kháng viêm giúp giảm tình trạng đáp ứng quá mức. Đây là nhóm thuốc dễ kiếm, giá cả không đắt. Tuy nhiên, hiện có tình trạng F0 lạm dụng corticoids, khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.

Ngoài việc giúp sức cho virus dễ dàng nhân lên, thuốc kháng viêm corticoids còn làm cho người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... Corticoids làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này. Thuốc kháng viêm chỉ dùng khi SpO2 thường xuyên ở mức 94% trở xuống. F0 tại nhà không tự ý dùng, bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Với các F0 nhiều bệnh nền, bác sĩ Hoàng cho biết sức đề kháng vốn đã kém thì có thể tiềm ẩn nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.

"Việc lạm dụng kháng sinh tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

PV (th)

Cảnh báo F0 thiếu oxy “thầm lặng” Cảnh báo F0 thiếu oxy “thầm lặng”
F0 cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày? F0 cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
F0 tại nhà cần chuẩn bị những loại thuốc nào? F0 tại nhà cần chuẩn bị những loại thuốc nào?
/ Nghề nghiệp và cuộc sống