Những giấc mơ tàn lụi ở Dải Gaza

Khi bụi lắng xuống sau các trận oanh tạc vào Dải Gaza, thi thể hàng ngàn người Palestine bị vùi lấp lẫn với gạch đá, rất khó phân biệt ai đến từ Hamas, ai là dân thường cố gắng vật lộn tìm đường sống. Ngay cả khi không chết vì bom đạn, cuộc sống ngột ngạt trong cảnh vây hãm tại dải đất hẹp bên Địa Trung Hải đang từng ngày chôn vùi những giấc mơ sống bình dị nhất…

Cái chết gây sốc của al-Dalou

Shaaban al-Dalou, chàng trai trẻ 19 tuổi người Palestine ở Dải Gaza, luôn là niềm tự hào của mẹ. al-Dalou học thuộc cuốn Kinh Quran của người Hồi giáo từ khi còn bé và có thành tích học tập tốt, đứng đầu lớp đại học. Đối với mọi người, al-Dalou là chàng trai tốt bụng, giúp đỡ bất cứ ai khó khăn với tất cả những gì cậu có. Thời thơ ấu, al-Dalou khao khát trở thành bác sĩ để cứu giúp mọi người, nhưng học phí cao, cậu chọn ngành kỹ thuật phần mềm, nuôi giấc mơ một ngày nào đó đưa cả gia đình rời Dải Gaza.

Khi Israel mở chiến dịch quân sự chống Hamas tháng 10/2023, gia đình al-Dalou mất nhà và phải đến sống trong căn lều nhựa tạm bên trong bệnh viện al-Aqsa ở Deir al Balah, một thị trấn đông đúc ven Địa Trung Hải. Sống trong cảnh thiếu thốn nhưng al-Dalou không bỏ cuộc, cậu tự học ở nhà, vào viện hiến máu, làm video ghi lại hành trình di tản và kêu gọi thế giới góp chút tiền giúp gia đình cậu sơ tán sang Ai Cập.

Những giấc mơ tàn lụi ở Dải Gaza -0
Người Gaza chạy về phía những thùng hàng cứu trợ được thả xuống từ máy bay. Ảnh: Getty Images

Cuối cùng, al-Dalou không thể rời Dải Gaza. Gia đình al-Dalou xác nhận cậu chính là chàng trai trẻ trong đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh đám cháy lớn bùng lên sau một cuộc không kích của Israel hồi tháng 10/2024 vào bệnh viện al-Aqsa; khi đó tay cậu vẫn gắn ống truyền máu nằm trên giường bệnh, bất lực hét cầu cứu khi bị ngọn lửa nuốt chửng. Theo Guardian, video ghi lại vụ việc mà nhà báo người Palestine Saleh Aljafarawi đăng trên Instagram được chia sẻ gần 500.000 lần.

Một bài đăng riêng lẻ khác của CNN thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem. Hầu hết những người chứng kiến cảnh tượng đó đều kinh hãi trước những mối nguy mà người Palestine đối mặt. Còn al-Dalou, cậu chết một ngày trước sinh nhật tuổi 20, bỏ dở giấc mơ đưa cả gia đình tìm kiếm một chân trời mới ngoài dải đất bên bờ Địa Trung Hải đông đúc, ngột ngạt và triền miên chìm trong lửa đạn.

Theo New York Times, Israel thừa nhận nhận họ đã tiến hành "không kích nơi mà họ cho là trung tâm chỉ huy của Hamas gần bệnh viện al-Aqsa ở Deir al Balah, miền Trung Dải Gaza. Quân đội Israel nói rằng, đám cháy ở bệnh viện đã bùng phát dường như do "các vụ nổ thứ cấp" gây ra và rằng họ "sẽ xem xét" vụ việc. Cha của al-Dalou, ông Ahmed kể lại, lúc ngọn lửa bùng lên, ông vội bế con trai út cùng hai đứa con gái chạy ra ngoài. Khi quay lại tìm al-Dalou, ngọn lửa đã bám chặt lấy quần áo cậu. "Tôi thấy nó giơ tay lên và cầu nguyện", ông Ahmed nói. "Tôi hét lên với nó: Hãy tha thứ cho bố, con trai! Hãy tha thứ cho bố! Bố không thể làm gì được nữa…".

Ngoài al-Dalou, 25 người khác thiệt mạng vì đòn không kích của Israel vào bệnh viện al-Aqsa. Hơn một năm xung đột, 44.000 người Palestine đã chết vì hỏa lực Israel. Guardian cho biết, trong danh sách nạn nhân thiệt mạng của cơ quan y tế Dải Gaza, 100 trang đầu tiên chật kín tên và địa chỉ của những đứa trẻ dưới 10 tuổi. Mỗi đứa đều có những hoàn cảnh riêng. Cuộc xung đột ở Dải Gaza cũng mang đến một nghịch cảnh khác. Nếu không bỏ mạng trong xung đột, phần lớn thanh thiếu niên tại đây không còn cách nào theo đuổi giấc mơ học tập và làm việc, bởi hầu hết cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học, bệnh viện, nhà máy tại dải đất này đã nát vụn bởi bom mìn....

Nếu như al-Dalou nuôi hi vọng thoát khỏi Dải Gaza, thì giấc mơ của cô Nour el-Hourani, một người phụ nữ sinh sống cách al-Aqsa chừng vài trăm km về phía Bắc, là cứu sống con trai Abdel Aziz bị ngừng tim sau chuỗi ngày chống chọi với cái đói từ lúc cậu lọt lòng. Nour mang thai 6 tháng khi những quả bom đầu tiên trút xuống Gaza tháng 10/2023.

Giống như nhiều người Palestine, Nour sau đó sinh tồn bằng thức ăn dành cho vật nuôi và loại rau dại khubaiza. Thỉnh thoảng, chồng cô kiếm được những thùng đồ viện trợ mà Mỹ và Jordan thả dù xuống, nhưng thức ăn trong đó đôi khi đã hết hạn. Nour sinh con Abdel ngày 27/1 mà không được gây tê rồi lập tức cùng chồng bế con đi bộ 2 km về nhà.

Vào thời điểm bé Abdel chào đời, 90% người dân miền Bắc Gaza sống với một bữa ăn mỗi ngày. Nour không đủ sữa cho con và Abdel gầy trơ xương. Dù các bác sĩ rất cố gắng, Abdel đã chết lúc 5 tháng tuổi với cân nặng ít hơn khi mới sinh.

Người Gaza trông đợi vào tân Tổng thống Mỹ?

Cái chết của al-Dalou và Abdel đều được truyền thông phương Tây mô tả là đã khiến thế giới kinh hoàng. Theo New York Times, đề cập đến vụ việc của al-Dalou, bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, thừa nhận bà "kinh hãi khi chứng kiến những hình ảnh ghi từ miền Trung Dải Gaza". "Không có từ ngữ nào, đơn giản là không có từ ngữ nào, để mô tả những gì chúng tôi đã thấy", bà đại sứ Mỹ nói. "Israel có trách nhiệm phải làm mọi thứ có thể để tránh thương vong cho dân thường".

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, Mỹ là quốc gia cung cấp hầu hết số bom, mìn mà Israel dội xuống Dải Gaza kể từ năm ngoái. Với nguồn vũ khí từ Mỹ và phương Tây, Israel đã duy trì một chiến dịch ném bom với cường độ lớn hơn bất cứ cuộc xung đột nào khác ở Trung Đông. Số liệu của Tổ chức Euro-Mediterranean, được hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ trích dẫn, cho thấy, Tel Aviv ném tổng cộng 70.000 tấn bom xuống Dải Gaza từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024, vượt tổng số bom ném xuống 3 mặt trận Dresden, Hamburg và London trong suốt Thế chiến II cộng lại. Rất khó để thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ dân thường với cường độ như vậy.

Là đồng minh gần gũi nhất, quan trọng nhất của Israel, đồng thời là quốc gia chiếm ưu thế về tầm ảnh hưởng chính trị - ngoại giao - quân sự trên hầu khắp Trung Đông, vai trò của Mỹ trong việc thiết lập hòa bình ở Dải Gaza được cho là không thể thiếu. Dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, Mỹ cùng các nước đã thiết lập lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần giữa Hamas và Israel khi chiến sự mới nổ ra, dẫn đến những kì vọng về vai trò then chốt của Washington nhằm tìm kiếm hòa bình ở Dải Gaza.

Những giấc mơ tàn lụi ở Dải Gaza -0
Al-Dalou và các thành viên gia đình. Ảnh: Guardian.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, các cuộc đàm phán do Washington bảo trợ vẫn chưa thể mang lại kết quả, trong bối cảnh Israel kiên định với mục tiêu loại trừ hoàn toàn Hamas. New York Times nói rằng, Washington đã không thể buộc Tel Aviv đặt bút kí vào kế hoạch ngừng bắn được đích thân ông Biden phác thảo. Sau nhiều lần thất bại trong việc kêu gọi Israel hạn chế thương vong cho dân thường, một số nước phương Tây đã hạn chế cung cấp vũ khí cho Tel Aviv. Còn Mỹ và Đức, quốc gia cung cấp khoảng 30% vũ khí mà Israel nhập khẩu, chưa có động thái chính thức nào, theo Guardian.

Về chính sách của Mỹ, tờ New York Times trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Viện Các vấn đề Toàn cầu thực hiện hồi tháng 9/2024 cho thấy, đảng Dân chủ coi cách tiếp cận của ông Biden là bước lùi đáng kể nhất trong chính sách đối ngoại 4 năm qua; một cuộc khảo sát khác của Đại học Havard cho thấy 3/4 người trẻ dưới 30 tuổi không hài lòng với cách Mỹ ứng xử ở Dải Gaza. Tờ này thậm chí bình luận Mỹ dường như đã đánh mất thế chủ động ở Trung Đông và Washington dường như đóng vai trò "dọn dẹp ngoại giao" cho Israel nhiều hơn là định hướng bối cảnh Trung Đông.

Sau cuộc bầu cử với kết quả sít sao đầu tháng 11/2024, nước Mỹ đã có một tổng thống đắc cử, người sẽ nhậm chức sau khoảng hai tháng nữa. Dù Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ tiếp tục đảm trách quyền lực tới khi đó, nhiều người Gaza đã hi vọng Tổng thống Mỹ đắc cử, với tầm ảnh hưởng đang ngày một mở rộng, sẽ giúp sớm kiến tạo hòa bình cho họ.

"Hy vọng lớn nhất của chúng tôi ở Gaza là cuộc chiến này sẽ kết thúc. Đối với người dân Mỹ, tôi muốn nói rằng: hãy ủng hộ việc chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến này, bất kể ai thắng cử", ông Imad al-Dayah nói với AlJazeera từ trại tị nạn al-Shati. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lo sợ những thay đổi chính trị ở Mỹ không đồng nghĩa với diễn biến tích cực ở Trung Đông. "Tôi sợ không có Tổng thống Mỹ nào ủng hộ chúng ta cả", bà Tahani Arafat từ thành phố Gaza nói.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/nhung-giac-mo-tan-lui-o-dai-gaza-i750322/

PV / CAND