'Những đứa trẻ mang bầu': Ý tốt, cách làm tồi!

Với mong muốn nâng cao nhận thức của xã hội về nạn xâm hại tình dục trẻ em, bộ ảnh "Những đứa trẻ mang bầu" đã ra đời.

Dự án này do một trung tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em phối hợp cùng nữ nhiếp ảnh gia Dạ Miêu thực hiện. MC Công Tố và MC Minh Trang tham gia với vai trò giám đốc sáng tạo. Nhưng khi vừa ra mắt, bộ ảnh đã gây tranh cãi gay gắt từ dư luận. "Sâu sắc trong ý tưởng nhưng lại nông cạn trong truyền đạt" - ý kiến đánh giá này về bộ ảnh nhận được sự đồng thuận từ số đông công chúng khi xem nó.

nhung dua tre mang bau y tot cach lam toi
nhung dua tre mang bau y tot cach lam toi
Một trong các bức hình của bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” (Báo Người Lao Động làm mờ mặt các nhân vật). Trong khi ảnh của dự án “Innocence in danger” (bên phải) thể hiện tinh tế nhưng rất ấn tượng

Mục đích khá nhân văn nhưng cách thể hiện thiếu tinh tế, thậm chí là tư duy nông cạn: nghĩ sao làm vậy, thiếu cân nhắc. Một bộ ảnh trong đó những bé gái độ tuổi 8-12 được chọn đóng vai nạn nhân ấu dâm, tay ôm bụng bầu với khuôn mặt hoang mang, nước mắt sợ hãi. Kèm theo từng khung ảnh là những câu nói ám ảnh người xem cùng số liệu thông tin về nạn nhân bị xâm hại tình dục. Điều khiến người xem bức xúc nhất chính là ảnh các mẫu "nhí" thể hiện đề tài nhạy cảm này được chụp rõ nét, trực diện không che mặt, xóa mờ. Nó ít nhiều khiến người xem hiểu lầm đó là những nạn nhân thật ngoài đời, nhất là khi chúng được định danh: "Những đứa trẻ mang bầu". "Muốn bảo vệ trẻ em khỏi nạn ấu dâm, trước hết phải biết bảo vệ những đứa trẻ này" - người mẫu Xuân Lan bức xúc. Chính vì cách thể hiện thiếu trách nhiệm của ê-kíp khiến dư luận lo lắng đến hậu quả mà những tấm ảnh này sẽ mang lại đối với các em trong tương lai.

Việc này khiến mọi người nhớ đến bộ ảnh "Innocence in danger" do một tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục tiêu chấm dứt nạn lạm dụng trẻ em trên thế giới cùng với Công ty Quảng cáo Publicis Pixelpark thực hiện (ra mắt vào cuối năm 2016) nhằm nâng cao nhận thức về hành vi bạo lực và lạm dụng tình dục đối với trẻ em. Trọng tâm của chiến dịch này không chỉ hướng tới các bậc phụ huynh, nhà chức trách mà còn cả chính các em để giúp cùng nhận thức rõ ràng hơn và có biện pháp ngăn chặn. Với khẩu hiệu "Some touches never leave" (tạm dịch: Có những vết hằn không bao giờ biến mất), chiến dịch này đã gây ấn tượng mạnh bằng hình ảnh dấu bàn tay in hằn trên cơ thể các em nhỏ (được giấu mặt). "Innocence in danger" đóng vai trò chuyển tiếp thông tin giữa các tổ chức trong cộng đồng nhằm hỗ trợ và kêu gọi sự bảo vệ dành cho trẻ em. Ngoài ra, tổ chức này còn vận động tới chính phủ, tổ chức quốc tế, các công ty, trường học, cộng đồng địa phương nhằm nêu cao ý thức, trách nhiệm.

Cũng cùng ý tưởng với "Innocence in danger" nhưng dự án "Những đứa trẻ mang bầu" lại vụng về trong cách thực hiện. Nhiều nhiếp ảnh gia nói rằng đáng lẽ ê-kíp tạo ra bộ ảnh này có thể chọn những góc chụp khác, cách đánh sáng chỉ nhấn nhá đường nét khuôn mặt hoặc dùng thủ pháp xử lý ảnh khác để thể hiện được ý đồ chứ không nhất thiết lộ diện gương mặt của các em ở hầu hết các bức ảnh. Dù phía ê-kíp thực hiện lập luận rằng "che mặt mới gây hiểu nhầm" nhưng rõ ràng những bức ảnh mang chủ đề nhạy cảm như nạn ấu dâm đòi hỏi người thực hiện không chỉ có kỹ năng sáng tác ảnh chuyên nghiệp mà cần cả cách nhìn tinh tế, kiến thức sâu rộng và cả mặt đạo đức khi thực hiện. Điều này dường như chưa tìm thấy trong bộ ảnh "Những đứa trẻ mang bầu".

Thùy Trang

nhung dua tre mang bau y tot cach lam toi Ám ảnh ánh mắt đau đớn của “Những đứa trẻ mang bầu”

“Không phải cứ khóc mới là đau buồn. Đôi khi, chính ánh mắt vô hồn lại gây sự ám ảnh đến đáng sợ”.

/ nld.com.vn