Hà Nội những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước, mọi hàng hóa tiêu dùng đều thiếu thốn, khan hiếm, Nhà nước quản lý theo chế độ tem phiếu. Có một mặt hàng ngày đó mà chị em phụ nữ rất cần là đôi guốc và đa phần đều dùng guốc gỗ…
Sửa chữa guốc thời bao cấp |
Đi một ngày đàng…
Guốc gỗ ngày ấy có loại gót thấp, loại gót cao 3 - 5cm, rồi được sơn vẽ hoa văn. Rất nhiều cơ sở tư nhân phục vụ thị hiếu chị em bằng cách nhận guốc mộc (tức guốc gỗ chưa sơn) về làm sơn mài, gia công quai với đủ loại mẫu mã, kiểu cách bắt mắt với giá không rẻ chút nào.
Lúc bấy giờ, ông Vương Khả Dũng là người đầu tiên ở Hà Nội nghiên cứu ra sản phẩm guốc nhựa cao gót với thương hiệu Thiên Nga. Đặc tính của loại guốc nhựa này là sử dụng chất liệu Polietilen để khi ra thành phẩm sẽ cứng như gỗ và không thấm nước, vừa bền, vừa đẹp, vừa thời trang. Năm 1972, một lần ông Dũng xuống Hải Phòng và thấy người ta bày bán các loại guốc cho phụ nữ ở các sạp trong chợ Sắt. Trong số đó có cả mấy đôi guốc nhựa cao gót đen bóng. Ông Dũng nhấc một chiếc lên ngắm nghía hồi lâu rồi mua một đôi. Về đến Hà Nội, mấy đêm liền ông mất ngủ vì đôi guốc nhựa cao gót: “Hà Nội lúc bấy giờ chỉ có guốc gỗ nên tôi quyết tìm ra phương thức sản xuất guốc nhựa bán ra thị trường. Lần sau xuống Hải Phòng, tôi đi thị sát, tìm hiểu nơi sản xuất ra loại guốc nhựa này. Rất may có chú em họ chuyên làm khuôn các loại dép nhựa chỉ giúp mới biết chủ cơ sở sản xuất là một ông chủ người Hoa nằm trong con hẻm phố Phan Bội Châu”.
Nhưng việc tiếp cận quy trình làm guốc nhựa không đơn giản. Gia đình người Hoa giữ bí mật công thức nên không cho người ngoài vào nơi sản xuất. Trước lúc ra về, ông Dũng nhờ chú em tìm cách xâm nhập vào xưởng để nắm bắt quy trình. Do làm ở tổ hợp chuyên làm khuôn mẫu nên chú em của ông đã đôi lần qua cơ sở guốc nhựa vẽ mẫu mã khuôn do ông chủ đặt hàng, vì thế việc tìm hiểu hoạt động sản xuất cũng không khó. Nhờ đó mà ông Dũng quyết định triển khai sản xuất ra mặt hàng mà thị trường Hà Nội chưa hề có.
Phụ nữ Hà Nội với đôi guốc nhựa những năm 1970-1980 |
Dám nghĩ, dám làm
Cơ sở sản xuất được ông Dũng tổ chức luôn tại nhà ở địa chỉ 65C phố Tô Hiến Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Xưởng là khuôn viên sân rộng chừng 15m2, cả thợ lẫn chủ chỉ có 3 người gồm ông Dũng, cậu em ruột và cô em gái phụ giúp. Đầu tiên ông tìm được một phụ nữ chuyên buôn phế liệu để đặt mua các loại nhựa đã qua sử dụng. Nhựa phế phẩm Polietilen tạp nham các màu được rửa sạch rồi cho vào chảo gang to đun chảy. Tiếp đến là pha chế thêm màu rồi dùng gáo tôn múc nhựa đổ vào khuôn. Cuối cùng là đưa lên bàn ép.
Sản phẩm từ khuôn lấy ra cứng như gỗ, màu đen nhánh rất đẹp, được cho ra chiếu để cắt ba via. Để phân biệt với sản phẩm guốc nhựa Hải Phòng, ông Dũng in trên mặt chiếc guốc hình con Thiên Nga, đồng thời cũng là logo thương hiệu. Chưa hết, để cải tiến đôi guốc nhựa Thiên Nga hoàn thiện hơn, ông liên hệ một cơ sở chuyên gia công quai guốc cũng bằng chất lượng nhựa dẻo với nhiều kiểu quai như quai chéo, quai chữ thập in nổi nhiều hoa văn đẹp và lạ. Guốc nhựa cao gót Thiên Nga khi mới tung ra thị trường Hà Nội được các sạp trên chợ Hôm, chợ Mơ, Đồng Xuân, Bắc Qua rồi các cửa hàng kinh doanh dép guốc phố Hàng Dầu tìm đến đặt trước đến nỗi không kịp sản xuất. Cơ sở sản xuất thủ công chật hẹp, nhân công lại chủ yếu là người trong gia đình để giữ bí mật công thức sản xuất nên mỗi ngày xưởng ông Dũng chỉ làm được trên dưới 100 đôi khiến cung không đủ cầu.
Từ guốc gỗ đến guốc nhựa là một cuộc cách mạng về công nghệ |
Vang bóng một thời
Kể từ đó, trên đường phố Hà Nội xuất hiện những đôi guốc nhựa dưới chân chị em phụ nữ, các cô bé học sinh, sinh viên, hay người đi làm công sở. Vào các ngày chủ nhật, lễ hội, những thiếu nữ Hà thành áo dài thướt tha, chân đi guốc nhựa cao gót Thiên Nga tạo nên vẻ duyên dáng cho đường phố. Một thời gian sau, mặt hàng guốc nhựa cao gót được phát triển rộng rãi về khắp các chợ quê ngoại thành Hà Nội. Nhưng do nguyên liệu sản xuất chủ yếu là nhựa phế thải Polietilen pha tạp nên sau một thời gian sử dụng thì “Thiên Nga bị gãy cánh”. Sự cố xảy ra khiến các khách hàng tìm đến cơ sở sản xuất để khiếu nại, bắt đền do đang đi trên đường thì guốc bị gãy, nhiều “thượng đế” rơi vào cảnh dở khóc dở cười trước bàn dân thiên hạ.
Sau biến cố ấy, ông Dũng phải chuyển sang làm dép nhựa cùng một cộng sự có cơ sơ sản xuất tại ngõ Tạm Thương. Cơ sở này về sau phát triển thành tổ sản xuất của thương binh. Dép nhựa thì khác với quy trình làm guốc nhựa, nó cần nhiều thiết bị phức tạp với nhiều khuôn mẫu khác nhau theo kiểu cách từng chủng loại dép. Vì thế máy móc để đầu tư sản xuất rất đắt tiền, cụ thể là phải dùng điện 3 pha, máy đùn nhựa, nguyên liệu đầu vào là nhựa PPC với nguồn cung ứng ổn định. Cơ sở sản xuất cũng cần rộng rãi hơn, nhân công đông đúc hơn để phục vụ cho từng công đoạn. Chỉ để làm đẹp cho phụ nữ thôi mà từ guốc gỗ đến guốc nhựa rồi dép nhựa là cả một cuộc đại cách mạng về công nghệ. Thấm thoát mà đã mấy chục năm trôi qua, tiếc là bây giờ ông Dũng không còn giữ được đôi Thiên Nga nào để cho vào “viện bảo tàng” của gia đình.